(TTCT) - Nước dường như là nguồn tài nguyên tái tạo bất tận. Nước mưa từ trên trời rơi xuống, nước biển bao quanh chúng ta - chiếm gần 3/4 bề mặt Trái đất, chưa kể lượng nước khổng lồ đang "chờ đợi" trong các dòng sông băng và băng vĩnh cửu.

Thế nhưng hằng năm có khoảng 4 tỉ người (gần một nửa dân số toàn cầu hiện nay) phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng kéo dài ít nhất một tháng. Vậy, nước đã biến đi đâu?

Làm cách nào để chứa 130 lít nước trong một chiếc cốc? Câu trả lời: đổ nước vào cây cà phê. Trồng cà phê là một ngành "háo nước", nhưng vẫn chưa bằng ngành chăn nuôi bò - cần 628 lít nước để sản xuất 1 lít sữa bò và 15.400 lít cho 1kg thịt rút xương. Những thứ chúng ta mặc trên người cũng không ngoại lệ - 10.000 lít nước cho một chiếc quần jean và 2.500 lít cho một chiếc áo thun bình thường. Ngay cả một chai nhựa đựng nước cũng tiêu tốn nhiều nước hơn dung tích của nó.

Nếu xem xét tài nguyên nước ít ỏi của toàn thể sinh vật sống, mọi sản phẩm quanh ta đều là xa xỉ. Trên thực tế, lượng nước mà con người và muôn loài có thể sử dụng không bằng 1% tổng lượng nước trên Trái đất. Bởi vì chúng ta chỉ có thể uống và sử dụng nước ngọt ở các sông, hồ, đầm lầy và các mạch nước ngầm. Phần nước ngọt còn lại - chiếm khoảng 2% nữa - đang bị đóng băng nên không thể tiếp cận.

Vì vậy, trong khi quả địa cầu này có thể chẳng bao giờ hết nước, lượng nước mà nhân loại sử dụng được - nước ngọt và sạch - vẫn có khả năng cạn kiệt. Mặt khác, các điều kiện tự nhiên đa dạng khiến cho nước ngọt phân bổ không đồng đều giữa nơi này và nơi khác.

Bằng việc xuất khẩu hàng hóa, nhất là các loại nông sản "háo nước", một số khu vực đang tích cực xuất khẩu… tài nguyên nước của họ, gọi là mua bán "nước ảo" (virtual water). Chẳng hạn, với Saudi Arabia, một đại gia dầu mỏ nhưng luôn khốn khổ vì thiếu nước ngọt, tại sao phải chia nhỏ lượng nước quý giá cho nông nghiệp trong khi họ có thể nhập khẩu lương thực từ khu vực khác? 

Nếu một quốc gia không kiểm soát được lượng nước họ đổ vào hàng hóa xuất khẩu, nhìn bề nổi thì có vẻ mọi chuyện đang sinh lời, nhưng về lâu dài hậu quả sẽ đến, khi mà tài nguyên nước ngày càng bị đe dọa.

Biến đổi khí hậu đang gây ra tình trạng hạn hán và sóng nhiệt trên toàn cầu, cũng như lũ lụt và nước biển dâng. Đồng thời, các hoạt động gây ô nhiễm của con người đang thay đổi chất lượng nước mặt và cả nước ngầm, khiến nguồn nước sẵn có không còn thích hợp để uống hay tưới tiêu.

Xem trọn bài > Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Du lịch, GO!