(BVP) - Cho đến thời điểm hiện tại, cầu Đầm Vạc là cây cầu duy nhất trên cả nước có hai đơn nguyên đi hai chiều riêng biệt, bất đối xứng và siêu cao hai chiều (dốc một mái trên phần xe chạy, dốc về phía bụng đường cong) đảm bảo cả yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật, mang đến nét độc đáo, ấn tượng, trở thành điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Phúc.

Cầu Đầm Vạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2015, đến năm 2019 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tế. Cầu có tổng mức đầu tư hơn 610 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Quỹ Phát triển quốc tế của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OFID).

Dự án chính thức được khởi công vào tháng 10/2020, do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (VPMO) tỉnh làm chủ đầu tư. Liên danh 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Cầu 14, Công ty Licogi 18 và Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô trúng thầu thi công.

Theo thiết kế, đường dẫn hai bên đầu cầu theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu. Mặt cầu theo tiêu chuẩn cầu đường bộ TCVN 11823:2017, gồm 2 đơn nguyên cầu độc lập được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Mỗi đơn nguyên cầu gồm 9 nhịp dầm bản rỗng liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đổ tại chỗ, chiều dài toàn cầu hơn 310 m, có 9 trụ tháp hình cách điệu hoa sen nằm giữa 2 đơn nguyên cầu; 13 trụ tháp hình cách điệu hoa sen nhỏ trên giữa hè phố đi bộ của mỗi bên đơn nguyên cầu, tổng số 26 cột trụ.

Cầu Đầm Vạc được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh nhằm từng bước hoàn chỉnh khung hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên; kết nối thông suốt đường hai bên đầu cầu đã xây dựng từ đường Kim Ngọc-cầu Đầm Vạc-đường QL.2 tránh phía Nam thành phố Vĩnh Yên theo trục Bắc - Nam của quy hoạch xây dựng chung đô thị Vĩnh Phúc.

Kết nối hành lang vành đai phía Bắc và phía Nam, giảm tải và hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố Vĩnh Yên; tạo điểm nhấn quan trọng và phục vụ du lịch của khu vực Đầm Vạc Vĩnh Yên nói riêng và thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai nói chung.

Mặc dù thi công trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm; ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, tuy nhiên với quyết tâm, nỗ lực cao nhất của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành.

18/18 nhịp dầm cầu, tổng chiều dài 620m đã hoàn thành thi công. Phần kết cấu phần dưới; các trụ tháp và hạng mục trang trí; đường dẫn hai bên đầu cầu… đã thi công hoàn thành 100% khối lượng công việc. Hạng mục thanh thải đang tiến hành, đạt 30% khối lượng.

Toàn bộ công tác hoàn thiện trên cầu, trên vỉa hè và phạm vi bên bờ Đống Đa đã được hoàn thành. Hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí được kiểm tra, vận hành thường xuyên. Cầu đã sẵn sàng cho lễ khánh thành, thông xe kỹ thuật đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh 2/9.

“Cầu Đầm Vạc nối hai bờ Nam - Bắc Vĩnh Yên nằm trên trục tâm linh từ Khu danh thắng Quốc gia Tây Thiên, qua Vĩnh Yên về Hà Nội, thiết kế của cầu được thi tuyển từ nhiều phương án khác nhau, ban đầu chỉ có một cầu duy nhất.

Tuy nhiên, để đảm bảo yếu tố giao thông; phục vụ du lịch, cũng như tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị Vĩnh Yên, phương án hai đơn nguyên riêng biệt với 9 trụ tháp hình hoa sen cách điệu lấy một phần ý tưởng từ khu vườn “Gardens by the Bay” của Singapore đã được lựa chọn với sự nhất trí cao của các cơ quan chuyên môn, các kiến trúc sư.

Hệ thống chiếu sáng cầu với hơn 15 nghìn bóng đèn nhập khẩu từ châu Âu được điều khiển toàn bộ bằng phần mềm thay đổi nhiều màu sắc khác nhau, khiến cho cây cầu trở nên lung linh, huyền ảo hơn khi về đêm.

9 trụ tháp hoa sen cách điệu tượng trưng cho linh khí hội tụ, cùng với hệ thống trang trí, chiếu sáng được chăm chút cẩn thận; vỉa hè, phố đi bộ rộng rãi, thoáng mát, chắc chắn khi đưa vào sử dụng, cầu Đầm Vạc sẽ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi tới Vĩnh Phúc…” 

Theo Nguyễn Khánh (báo Vĩnh Phúc)

Du lịch, GO!