(TH) - Núi Ðọ là một quả núi thấp, sườn núi dốc thoai thoải từ 20 đến 20 độ, cao 158 mét so với mặt nước biển, nằm bên hữu ngạn sông Chu, chỗ hợp lưu của hai dòng sông Mã và sông Chu, nay thuộc huyện Thiệu Hoá, Thanh Hóa. Núi Đọ nằm ngay ngã ba của ba xã, phường: xã Tân Châu, huyện Thiệu Hoá, xã Thiệu Vân và phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa. Cùng với núi Bàn A (Núi Vồm - Thiệu Khánh) - Cồn Chân Tiên (Thiệu Khánh) tạo ra thế chân kiềng vững chãi.

Núi Ðọ được xem là nơi có nhiều vết tích về người cổ. Núi Ðọ xưa được gọi là Qui Sơn, được ngợi ca là "Linh Quy Hí Thuỷ" (Rùa thiêng uống nước) là thắng cảnh trong Bàn A thập cảnh. Hiện nay, người dân Thiệu Vân và Thiệu Tân gọi là Núi Đọ nhưng người Thiệu Khánh thì gọi là Núi Tràn.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những công cụ đá được ghè đẽo thô sơ ở đây, cho thấy nơi này từ xa xưa đã có người tối cổ sinh sống.

Cuối năm 1960, các nhà khảo cổ học Việt Nam cùng với giáo sư P.I.Boriskovski đã nghiên cứu và chứng minh rằng ở Núi Đọ từng tồn tại một nền văn hóa sơ kỳ thời đại đá cũ. Sau này, trong các công trình nghiên cứu khảo cổ học, giới khảo cổ Việt Nam đã đưa ra một số nhận định tổng quan về di tích núi Đọ:

- Đa số cho rằng công cụ tìm thấy ở Núi Đọ thuộc niên đại sơ kỳ đá cũ. Do công cụ được tìm thấy trên sườn núi không thuộc tầng văn hóa nào; thiếu các yếu tố địa tầng, cổ sinh nên việc định niên đại trên chưa có tính thuyết phục cao;

Hang bắc bếp, tương truyền là nơi thủy tổ loài người trú ẩn ở đây.

- Có ý kiến khác lại cho rằng Núi Đọ thuộc niên đại kim khí vì người ở thời đại sau tuy tiến bộ hơn nhưng vẫn có thể làm ra các công cụ của thời đại trước để sử dụng.

Sưu tập mảnh tước

Núi Đọ có chứa nhiều đá bazan, màu xanh xám, cứng, rất khó ghè. Nhưng khi đá được ghè vỡ lại tạo ra những cạnh khá sắc. Người vượn đến đó dùng đá ghè vỡ đá núi để chế tác công cụ. Những mảnh vỡ gọi là mảnh tước còn lại vô số, chiếm 95% số di vật mà người ta tìm thấy trên sườn phía đông và tây nam, ở độ cao khoảng 30 đến 40m của Núi Đọ.

Rìu đá.

Những mảnh tước này chính là công cụ thô sơ đầu tiên của người vượn dùng để cắt hay nạo. Hiện các nhà khảo cổ còn tìm được nhiều hạch đá (hòn đá dùng để ghè tạo ra mảnh tước), chopper công cụ đá được ghè đẽo qua loa, tạo nên rìa lưỡi dãy, làm công cụ chặt thô và 8 chiếc rìu tay - công cụ sắc bén nhất của người Núi Đọ.

Rìu tay ở Núi Đọ được chế tác từ đá bazan, có kích thước khá lớn: chiều dài chiếc nhỏ nhất là 16,5cm, chiếc lớn nhất là 21,2 cm. Trọng lượng lớn nhất hơn 2kg, chiếc nhỏ nhất 1,1kg. Những công cụ Núi Đọ về mặt kỹ thuật chế tác so với nhiều nơi trên thế giới ở vào trình độ thấp thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại đá cũ, niên đại cách ngày nay khoảng 30 vạn năm.

Công cụ Núi Đọ đã giúp ích đắc lực cho cuộc sống hái lượm, săn bắt của người vượn. Rìu để chặt cây, chặt thịt, xương, săn thú rừng. Đá núi để đập củ quả, săn thú... đấy là cách kiếm sống sơ khai nhất trong lịch sử loài người.

Núi Đọ còn nhiều vết tích của người cổ đại

Cách Núi Đọ khoảng 3km đường chim bay là núi Quan Yên, thuộc địa phận hợp tác xã Định Công, huyện Thiệu Yên, nơi hợp lưu của sông Mã và sông Cầu Chày. Cách Núi Đọ 3,5km về phía Tây là núi Nuông, thuộc địa phận hợp tác xã Định Thành, xã Công Thành, huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa. Đây cũng là những núi đá bazan thấp. Các nhà khảo cổ tìm thấy ở hai núi này những công cụ đá như công cụ chặt thô, mảnh tước, hạch đá, rìu tay, giống như trên Núi Đọ. Những công cụ đó được đoán định có thể cùng một niên đại sơ kỳ đá cũ.

Vết chân tiên in hình trên phiến đá.

Nhắc đến Núi Đọ bất kỳ ai cũng biết và nhắc đến Hang Bắc Bếp, Vết chân tiên. Có nhiều câu chuyện liên quan đến hai di chỉ này, nó đều xuất phát từ thời tiền sử. Với người dân ở làng Đồng Me, Làng Đọ… thì đó là dấu vết của tổ tiên. Người ta kể rằng “Phía bắc làng Đọ hồi xưa có Chung đồ, nơi tụ tập của các quan lại. Từ Chung đồ có con đường đá men theo núi đi sang chỗ Bàn chân tiên. Vị trí tại Bàn Chân tiên có khu mộ cổ của nhà Lý. Trước khu mộ này có tấm bia cao 1,8m rộng 1,6m đã bị lấy làm mương thoát nước ở cống bê tông gần nhà ông Sản nhưng hiện tại vẫn chưa có ai khai quật để lấy”.

Trên thực tế, các lần khai quật khảo cổ từ 1960 đến nay đã cho thấy rằng ở Núi Đọ, có rất nhiều vết tích của văn hóa Đông Sơn, văn hóa Chu Đậu, Phù Lãng… với trống đồng, thạp đồng, kiếm mác. Ngoài ra còn có nhiều khu mộ táng cổ thuộc giai đoạn Hán – Đường.

Làng Đồng Me một trong ít ngôi làng lâu đời nhất ở Núi Đọ

Phía bắc Làng Đọ có cả khu mộ cổ nằm sâu bên dưới lòng đất, bên trên là nghĩa địa nhân dân. Ngày nay nghĩa địa này ngưng lại sau khi có nhiều ý kiến người dân Núi Đọ về việc này. Âu đó cũng là một cách giữ gìn vạn năm văn hóa, và trên hết là cái tình của người dân ở đây “không biết thì thôi, biết không thể làm.

Chùa Quy Cốc, một trong số ít ngôi chùa còn tồn tại ở Núi Đọ cho đến ngày nay.

Núi Đọ còn có Hang Ông Bếp, đây là một địa danh linh thiêng; phía nam có Hang Cô Kỵ. Trên Núi Đọ còn có một khối đá có rất nhiều bàn chân người. Từ chỗ hòn đá nhiều vết chân người này đi xuống bàn đá chân tiên cũng không xa.

Núi Đọ là nơi thể hiện rõ ràng nhất của thuở bình minh sơ khai với dấu vết người nguyên thủy xuất hiện hầu hết ở đồi núi, hang đá. Qua 4 lần khai quật khảo cổ từ năm 1960 đến nay với 2.500 hiện vật bằng đá các loại tìm được, đó là những minh chứng cho một nền văn hóa sơ kì đồ đá cũ, điều này chứng minh cho vùng đất ven sông Mã, sông Chu là cái nôi của nhân loại và người dân Núi Đọ đều tự hào vì ở đây là cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn.

Du lịch, GO! tổng hợp