(NHTQ) - Nằm trong tổ hợp bảo tồn Ba Bể - Nà Hang (Tuyên Quang), thuộc vùng sinh thái rừng á nhiệt đới Bắc Đông Dương, có độ đa dạng thực vật rất cao, nơi có hai trong ba loài linh trưởng đặc hữu sinh sống là voọc mũi hếch Pygathrix avunculus và voọc đen má trắng Semnopithecis francoisi francosi.

Địa hình đặc trưng là các núi đá vôi dốc, đan xen các vùng không có nền địa chất đá vôi bằng phẳng hơn, một trong 12 khu vực cần ưu tiên cao nhất trong công tác bảo tồn sinh học quốc gia.

Khu bảo tồn có diện tích 41.930 ha, bao gồm diện tích bảo vệ nghiêm ngặt 27.520 ha. Diện tích bảo tồn nghiêm ngặt được tách thành hai phân khu. Phân khu Tát Kẻ ở phía bắc có diện tích 12. 500 ha; phân khu Bản Bung ở phía nam có diện tích 15.020 ha. 

Thảm thực vật chủ đạo là kiểu rừng thường xanh đất thấp trên núi đá vôi, bao gồm rừng hỗn giao các loài cây lá kim và cây lá rộng. Các dông núi có những loài thực vật hạt trần hiếm,  loài thông hai lá nhỏ, nón lá nhỏ, rất có thể chưa từng được mô tả. Rừng trên các chỏm dông chính có những cây cao 23 đến 25 m, còn  trên những sườn núi khuất gió, có những cây cao 35 đến 40m.  Các loài thực vật lá kim hiếm, các loài gỗ hạt kín, các quần xã lan hài,  những loài cần được bảo vệ đặc biệt.

Khu hệ lưỡng cư và bò sát 69 loài, có 6 loài liệt kê trong danh lục đỏ các loài bị đe doạ như cá cóc Tam đảo, rùa đầu to, rùa sa nhân,  rùa đất, ba ba trơn, rồng đất, trăn đất, rắn hổ chúa...

Khu hệ thú, có 51 loài thú:  Tê tê, tê tê vàng, chồn vàng, cầy hương, cầy gấm, mèo rừng, lợn rừng, hươu, nai, hoẵng, don, nhím…Các loài đáng quan tâm bảo tồn:  tê tê vàng, cu li lớn, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, khỉ vàng,  khỉ mặt đỏ,  voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, gấu ngựa, gấu chó, rái cá, cầy vằn bắc, beo lửa, báo gấm, báo hoa mai, hổ pantheratiri, sơn dương, sóc bay đen trắng, sóc bay lớn. Voọc mũi hếch là loài đặc hữu Việt Nam, hiện mới có ghi nhận tại hai nơi ở miền Bắc là khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang tỉnh Tuyên Quang và Du Già tỉnh Hà Giang.. 

Khu hệ chim, có 327 loài chim: Đa đa, gà so ngực gụ, gà lôi trắng, gà tiền mặt vàng, gõ kiến, bìm bịp, yến núi, sâm cầm,  ưng xám, ưng lớn, diều mào, diều ăn ong, diều núi, đại bàng Mã Lai, cắt lớn, cò trắng  lớn, vạc xám, bách thanh, vàng anh, sáo, én, nhạn, chiền chiện núi, khướu, hoạ mi. Các loài có tầm quan trọng bảo tồn: Gà so ngực gụ, gõ kiến cổ đỏ, rẽ giun lớn, hồng hoàng,  niệc nâu, diều cá đầu xám, vạc hoa. Trong một tương lai gần sẽ ra đời Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Lũng Nhồi- Sinh Long, diện tích 9.000 ha.

Với sự đa dạng về sinh học và là vùng phân bố thế giới của loài Voọc mũi hếch và Voọc đầu trắng nên Quỹ bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là vùng nằm trong 01 của 223 hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.

Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, đây còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Với lợi thế nằm trong Khu du lịch sinh thái Na Hang, điểm du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh Tuyên Quang. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang có lợi thế rất lớn trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Hiện đây đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Pháp, Anh… và với những du khách ưa khám phá những cánh rừng nguyên sinh.

Theo Minh Đức (NahangTuyenquang), ảnh internet

Du lịch, GO!