(VNE) - Được di dời ra khỏi lõi rừng Kon Chư Răng gần 40 năm, nhưng hàng chục hộ dân người Ba Na vẫn quay lại làng cũ cư ngụ, làm rẫy và chăn nuôi.

Trại Bò, một thung lũng bằng phẳng rộng khoảng 5 ha, bao quanh bởi rừng nguyên sinh, cách Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện K'bang - Gia Lai) hơn 10 km. Ít ai có thể ngờ rằng, giữa đại ngàn hun hút lại xuất hiện 17 căn nhà sàn của người Ba Na, chỉ có người lớn tuổi cư ngụ.

Mùa mưa kết thúc, cũng là lúc ruộng vườn đã gieo xong, nhiều người chạy xe máy trở ra làng mới ở Hà Lâm và Điện Biên (xã Sơn Lang), cách đó chừng 15 km để tiếp tục công việc của mình ở khu vườn khác. Những người còn lại chọn cách ở lại làng vì phải chăm cho đàn gia súc hoặc "thích cuộc sống trong rừng".

Trưa đầu tháng 4, đàn trâu của gia đình đã được đưa vào rừng thả, ông Đinh Văn Thôi (58 tuổi) cùng nhiều người trong làng ngồi quây quần bên hũ rượu cần trước căn nhà sàn của mình. Mọi người vừa uống vừa chuyện trò rôm rả về "tình hình Covid-19" phát ra từ chiếc radio treo trên vách - nguồn thông tin duy nhất ở nơi không điện, không sóng điện thoại.

"Không có tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, nhưng nơi đây là cả tuổi thơ của tôi", ông Thôi nói và hồi nhớ ký ức của mình. Ông sinh ra và lớn lên ở Trại Bò. Khi còn là một đứa trẻ, hàng ngày ông Thôi theo bố mẹ đi chăn trâu, bò và săn bắt thú rừng, cá trên sông Ba. Lớn lên một chút, ông được bố dạy cho nghề đan gùi, chủ yếu phục vụ cho gia đình và những cư dân trong làng.

Ông Thôi mô tả cuộc sống của mình và người dân trong làng hơn 40 năm trước chủ yếu tự cung tự cấp, hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhà nào cũng có ruộng vườn, nuôi trâu, bò, gà...

Năm 1985, chính quyền xã Sơn Lang đã di dời các hộ dân ra sinh sống ở làng Hà Lâm và Điện Biên. Ông Thôi cùng mọi người chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống tốt hơn, nhà cửa khang trang, điện, đường, trường, trạm đầy đủ.

Thời gian đầu, cứ một tuần ông Thôi lại vào làng cũ ở vài ngày để trông đàn trâu 5 con và làm nương rẫy. Vài năm trở lại đây, ông và vợ vào ở lâu hơn, một tháng hoặc hết mùa vụ mới trở ra làng mới. Cần thứ gì, vợ chồng ông nhắn những người ra vào làng, nhờ con trai lớn 26 chạy xe máy đưa vào tiếp tế. "Đó là những hôm nắng ráo, chứ mùa mưa phải đi bộ vào mất hơn hai giờ", ông Thôi nói.

Cạnh đó, chị Đinh Thị Đi (48 tuổi) sau khi đổ thức ăn ra máng cho đàn lợn ăn, vào nhà nhóm bếp chuẩn bị bữa trưa. Người chồng đã theo đàn trâu vào rừng từ sớm. Do còn một sào lúa, nhà sàn và một con trâu được bố mẹ để lại, chồng chị thường xuyên ở lại Trại Bò để trông coi. Còn chị ở làng Hà Lâm lo cho ba đứa con ăn học. Thỉnh thoảng chị mang lương thực, mắm muối vào cho chồng.

Vài năm trở lại đây, khi hai đứa con đã lớn khôn, chị vào làng cũ phụ chồng. "Cuối tuần hoặc nghỉ dịch, thỉnh thoảng tôi cũng cho các cháu vào đây vài ngày chơi", chị Đi nói và cho biết, vùng đất này còn hoang sơ, khí hậu mát mẻ, nên chúng rất thích.

Chị Đi kể, rất nhiều người khách du lịch vào Trại Bò cắm trại xuyên đêm. Họ mua gà vịt của người dân, tổ chức tiệc ngay trên những thảm cỏ xanh mướt. Hôm rồi nghe tin họ sắp mở tuyến đường bêtông vào tận Trại Bò, chị Đi tỏ ra vui mừng vì mùa mưa không phải đi bộ hàng giờ để vào làng, nông sản, gia súc cũng có thể chở ra ngoài để bán với giá cao.

Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, cho biết giai đoạn từ 1967-1973, nhiều người vào đây lập làng sinh sống và chăn nuôi gia súc (chủ yếu là bò), cái tên làng "Trại Bò" sinh ra từ đó.

Khi được di dời ra nơi ở mới, vì phong tục tập quán của người Ba Na, 17 hộ thường cắt cử nhau ở lại để chăn nuôi gia súc và làm nương rẫy, còn sinh sống học hành chủ yếu ở làng mới. Một số đã quen với cuộc sống trong rừng sâu, nên họ ở lại Trại Bò thời gian dài, từ một tuần cho đến vài tháng.

Năm 2005, Ban quản lý phối hợp chính quyền xã Sơn Lang thông báo, vận động, tuyên truyền người dân sống tại khu vực này không phá rừng làm rẫy, chỉ được trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc.

"Để người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, khu bảo tồn đã khoán bảo vệ 1.500 ha rừng, với 400 nghìn đồng trên ha một năm", ông Ty cho hay.

Theo Trần Hoá (Vnexpress)

Du lich5, GO!