(BKT) - Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, chúng tôi có dịp về thăm làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy). Tách biệt với sự ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị, ngôi làng mang một vẻ bình yên, êm ả đến lạ với những ngôi nhà sàn cổ độc đáo của bà con dân tộc Gia Rai nơi đây.
Đón chúng tôi từ trung tâm thị trấn Sa Thầy về làng Chốt, trưởng thôn A Keng (48 tuổi) dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh thôn. Từ con dốc cao giữa làng có thể quan sát hết khung cảnh toàn thôn, anh A Keng dừng lại chỉ tay về phía xa và giới thiệu: “Cuộc sống của bà con nơi đây giờ thay đổi nhiều lắm, đặc biệt là trong nếp nghĩ cách làm. Người dân đã biết ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất, xây dựng nhà ở kiên cố để đảm bảo phát triển kinh tế gia đình nhưng vẫn không quên giữ gìn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc”.
Theo các già làng kể, làng Chốt trước kia ở tận chân núi Chư Tan Kra. Sau ngày giải phóng, một bộ phận dân làng đã chọn gần suối Ia Xier có ruộng lúa nước để định cư và thành lập làng Chốt. Một bộ phận khác di dân lên xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) lập làng Ba RGốc.
Trò chuyện với già làng A Pêl (60 tuổi), chúng tôi được biết vào lúc di dân lập làng là khoảng năm 1977. Lúc bấy giờ chỉ có vài chục hộ gồm già trẻ, lớn bé kéo nhau đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp. Trời không phụ công người, sau nhiều tuần ròng rã, dân làng đã tìm được địa điểm thuận lợi, mưa thuận gió hòa, thích hợp làm nơi định cư lâu dài.
Vào một hôm trời nắng đẹp, già làng lúc ấy là A Hyonh (cha của già A Pêl) tập trung bà con trước sân lớn, bày tỏ mong muốn phải sớm ổn định nơi ăn, chốn ở, trong đó cần thiết nhất là dựng nhà rông. Nhà rông là linh hồn của mỗi ngôi làng, thiếu nhà rông thì không thể gọi là làng. Vì lẽ ấy, bà con ai nấy đều phấn khởi và đồng tình ủng hộ.
“Vậy là ý tưởng xây dựng ngôi nhà rông nhanh chóng được triển khai đến mọi người. Sau khi được phân chia phần việc, từng người trong làng từ già đến trẻ, nhanh chóng đi làm công việc của mình. Trai tráng thì đi vào rừng sâu để tìm cây gỗ lớn, phụ nữ thì đi tìm tranh, nứa để đan, làm mái lợp. Ngày này qua ngày khác hăng say làm việc, chẳng mấy chốc ngôi nhà rông truyền thống được hình thành trong sự vui mừng khôn xiết của bà con dân làng” – già làng A Pêl cho biết.
Sau một hồi trò chuyện, già A Pêl dẫn chúng tôi đi tham quan nhà rông và các công trình văn hóa khác trong thôn. Có dịp gặp gỡ và trò chuyện với dân làng mới cảm nhận được hết sự ấm áp, nghĩa tình và đời sống văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào dân tộc Gia Rai nơi đây.
Chúng tôi chậm rãi dạo quanh các tuyến đường trong thôn, ngắm nhìn từng ngôi nhà xây kiên cố, khang trang cùng những cổng rào, vườn hoa xanh mướt. Đan xen vào đó là những ngôi nhà sàn với lối kiến trúc độc đáo mang vẻ đẹp riêng của dân tộc Gia Rai. Nhờ sự đoàn kết, chịu khó học hỏi, thay đổi tư duy, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập mà cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng nâng cao về mọi mặt.
Làng Chốt hiện có 248 hộ, 1.004 nhân khẩu với 100% là người dân tộc Gia Rai sinh sống. Nhiều năm qua, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thôn luôn đảm bảo, người dân trong thôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, nhiều năm liền thôn được công nhận là thôn văn hóa. Làng Chốt hiện chỉ còn 11 hộ nghèo và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, người dân làng Chốt còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do các tổ chức đoàn thể phát động, thực hiện các mô hình nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Một trong những nét văn hóa có thể kể đến là kiến trúc nhà sàn độc đáo của người Gia Rai. Người dân trong thôn rất chuộng nhà sàn. Đi từ đầu đến cuối thôn, những ngôi nhà mới xây hầu hết đều theo kiến trúc nhà sàn, trong đó có nhiều ngôi nhà sàn cổ độc đáo vẫn được giữ nguyên vẹn những nét truyền thống, chưa hề được sửa chữa.
Già làng A Pêl là một trong ít người của làng làm nhà sàn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế các kiến trúc nhà truyền thống. Già A Pêl cho biết, dù cuộc sống hiện đại làm cho nhà xây trở nên phổ biến và tiện lợi nhưng người dân làng Chốt vẫn muốn giữ nét văn hóa nhà sàn. Chính vì vậy, ngoài những ngôi nhà sàn vẫn giữ nguyên được nét truyền thống, các hộ dân trong làng xây dựng nhà mới bằng bê tông cốt thép nhưng cũng làm theo thiết kế của nhà sàn truyền thống.
Làng Chốt từ lâu cũng nổi tiếng với đội nghệ nhân đông đảo, lành nghề. Trước đây, gần như nhà nào cũng có riêng bộ chiêng, trống và trong gia đình có người biết âm nhạc, nghệ thuật. Hiện tại tuy rằng văn hóa truyền thống cũng dần bị mai một nhưng làng Chốt vẫn duy trì nhiều đội nghệ nhân thường xuyên tham gia biểu diễn, trong đó có 3 đội cồng chiêng và hơn 60 bộ chiêng quý vẫn còn được lưu giữ tại làng.
Người dân làng Chốt rất đam mê âm nhạc, nhạc cụ và xem việc truyền nghề, đào tạo cho lớp trẻ là ưu tiên. Có dịp gặp và trò chuyện với nghệ nhân A Huynh (39 tuổi), là một trong những nghệ nhân ưu tú trẻ tuổi tại làng. Trưởng thành từ sự chỉ dạy của các bậc tiền bối xưa, nghệ nhân trẻ A Huynh luôn khắc ghi lời dạy của cha ông về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
A Huynh chia sẻ: “Tôi đam mê và chơi nhạc cụ như một cách để tưởng nhớ đến cha ông của mình đã mất. Mỗi khi tiếng đàn, tiếng chiêng vang lên tạo cho tôi cảm xúc đặc biệt. Tôi luôn mong mỏi được chỉ dạy lại những kiến thức đó cho lớp trẻ. Hiện tại học trò theo học tôi rất nhiều em nhỏ có năng khiếu và đã tham gia nhiều lễ hội, cuộc thi tại địa phương”.
Chúng tôi chia tay bà con làng Chốt với những câu chuyện đổi thay, vượt khó vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn của bà con nơi đây. Người dân làng Chốt luôn đoàn kết, đồng lòng cùng nhau vươn lên trong cuộc sống, bảo tồn, gìn giữ truyền thống của cha ông và xây dựng thôn làng ngày càng giàu đẹp.
Theo Hoàng Thanh (Báo KonTum)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.