(ĐGL) - Tôi lên phố núi Pleiku với một kho truyện cổ Tây Nguyên. Một chiều sương bay trong mùa đông mù mịt khói nếp thơm. Bỗng dưng hình ảnh cô gái Jrai bước xuống con dốc xa mờ, hiện về trong câu hát của Phạm Duy dịu dàng vang lên: “Em Pleiku, má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên tóc em ướt và mắt em ướt. Da em mềm như mây chiều trong…”. Thế là tôi rong chơi, lang thang với “Phố núi cao, phố núi đầy sương”.

Phố núi Pleiku với những con dốc phố

Người ta nói, thành phố Pleiku nhiều dốc lắm đèo hơn TP. Buôn Mê Thuột, thậm chí còn đẹp hơn cả những con dốc phố ở Đà Lạt. Có lẽ đúng! Tôi đọc được một số thơ, các tác giả khi viết về Pleiku thường cũng nhắc đến những con dốc đẹp, gắn liền với hoa và tình yêu.

Đọc thơ Nguyên Đỗ tôi vẫn nhớ đến những ký ức: “Con phố ngày xưa lũng dốc cao. Hàng thông xanh ngát ngả nghiêng chào…”.

Lại nhớ, xưa Pleiku nhỏ, toàn đường đất. Phố liền phố. Dốc nối dốc. Vắng hoe, đến nỗi thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn đã một lần kêu lên: “Phố núi kia ơi, phố có con đường. Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu. Không có bạn làm sao tôi uống rượu. Tôi làm sao sống nổi một ngày đây”.

Vì thực ra một thời Pleiku chỉ được coi là khu đồn thú, án ngữ trên vùng đồng bào Thượng nên nhiều trai lính. Sinh sống tại đây chủ yếu người Jrai bản địa, đầy hoang dã. Con đường. Phố phường làm nên thị xã thuở ban đầu buồn rũ người.

Cũng có lẽ khi lên đây, nhà thơ Vũ Hữu Định đã ghi lại những khoảnh khắc này với hình ảnh: “Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn”. Tôi bỗng đâm mê những con dốc phố nơi đây.

Thật thú vị, tôi được họa sĩ Lê Hùng cho đi dạo những con phố nằm trên đường dốc cao vút, nhìn xa ngỡ leo ngược lên núi. Con dốc đầu tiên chúng tôi được “leo” chính là một đoạn đường dài vươn dần lên cao, trên đại lộ Nguyễn Tất Thành.

Những ngôi nhà đầu dốc, nhìn từ đường Phạm Văn Đồng hướng tới, chắc phải ở độ cao chừng vài ba trăm mét. Đây là con đường quốc lộ chính, phần tiếp nối đường Hồ Chí Minh chạy qua thành phố Pleiku, được mở rộng, chia mỗi bên 3 làn đường song song.

Gió miên man thổi dọc con đường từ trên cao đổ xuống dốc. Họa sĩ Lê Hùng lái xe rất chậm để tôi được chiêm ngưỡng con dốc lớn nhất của thành phố. Dọc con đường, những chiếc xe máy chậm chạp leo dốc, còn những người đi xe đạp bên trong phải dắt mỗi khi leo dốc.

Con dốc thứ hai chúng tôi “leo” nằm trên đường Thống Nhất, xưa trong dân gian gọi là dốc “Lò Bò”. Đây là một trong những con phố dốc cổ nhất của thành phố. Dốc cao dựng đứng. Kèo dài đến trễ nải lòng người. Hoặc có con dốc nối dốc như đường Hội Phú lại đẹp như một cánh võng, trũng sâu ở giữa.

Nhìn cũng thấy mắt đong đưa rồi. Họa sĩ Lê Hùng lên đây làm việc từ đầu năm 1980, ngày ngày đi qua những con dốc thân thuộc từ hàng chục năm qua. Giờ đây, những con phố dốc được trải nhựa đi lại thuận tiện, chứ chỉ cách đây hơn 20 năm vẫn chỉ là đường đá dăm hay đất đỏ bazan, bụi mù mịt. Một nữ học sinh của họa sĩ Lê Hùng đi cùng cũng tâm sự, một thời em phải hàng ngày leo dốc Diệp Kinh để đến trường học.

Đó là một con dốc cao, mới chỉ nhìn đã thấy hơi thở muốn loạn nhịp. Vậy mà đến khi dọn sang nhà mới cũng không thoát khỏi dốc. Đó là dốc đường Tô Vĩnh Diện. May con dốc ngày đó có nhiều hoa dã quỳ mới đỡ thấy ngại, vừa đi vừa ngắm hoa, phần nào còn thấy vui.

Nhưng vào những ngày mưa rét thì dốc ơi là dốc, cứ thể ngửa cổ đi lên trời.

Sau đó, em đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ học trò của thi sĩ Hương Ngọc Lan: “Đêm em nằm mơ về với Pleiku. Thành phố núi sương mờ giăng kín lối. Con dốc dài làm bước chân bối rối. Dã quỳ vàng mà ngỡ hoàng hôn rơi”.

Quả thật, những con dốc phố Pleiku rất ấn tượng với bất cứ ai đã lên đây. Cái đẹp của thiên nhiên gắn với những không gian kỳ ảo trên đỉnh dốc.

Mỗi một con dốc mở ra một khoảng trời mới theo thời gian. Cùng với gió và nắng, theo con dốc cũng đầy tươi mới trong từng khoảnh khắc. Mơ mộng, ngay cả với cơn mưa rét, dai dẳng như cơn say.

Kẻ lãng du kia đã lưu được một cảm xúc kỳ lạ trong trái tim mình, rằng: “Vẫn nghe thấm lạnh mưa qua hồn mình. Mưa Pleiku – mưa hiển linh. Làm sao quên được giọt tình Pleiku!” (thơ Tuyền Linh). Lúc này, gió cuồn cuộn từ trên cao đổ xuống. Những cánh chim bay về phía rừng xa.

Bản tình ca miên man của phố núi Pleiku

Họa sĩ Lê Hùng nói, ngoài những con dốc phố, Pleiku còn có làng trong phố. Rồi anh chỉ cho tôi con đường tìm đến Plei Ốp – một làng văn hóa vẫn còn giữ được những giá trị nguyên bản của người Jrai.

Đây là ngôi làng nằm ngay ở phường Hoa Lư, rộng hơn 200ha với cánh đồng rộng lớn chính là miệng núi lửa đã chết hàng triệu năm qua. Họa sĩ Lê Hùng nói, chính thành phố Pleiku cũng được hình thành từ một ngôi làng (Plei là làng. Ku là dài).

Vừa tới cổng làng Plei Ốp, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cồng chiêng ngân vang cùng tiếng đàn T’rưng rộn rã. Họ đang chuẩn bị cho lễ hội cuối năm. Tất cả đám thanh niên đều tụ tập tại ngôi nhà Rông lớn trên sân khu văn hóa cộng đồng.

Người tiếp chuyện chúng tôi là anh Vinh – một thành viên trong ban tổ chức lễ hội với nụ cười niềm nở chào đón. Anh đang cùng mấy người dựng cây nêu trước ngôi nhà Rông. Thấy vậy, tôi cũng đến gần bên mọi người. Anh Vinh giải thích, cây nêu có nhiều loại, chúng được dựng lên phù hợp với từng lễ hội: khi lễ cúng Giàng hay cây nêu trong Lễ đâm trâu hoặc cây nêu mừng nhà Rông…

Cây nêu càng cao càng thể hiện sự thiêng liêng, thành kính của người dân với tổ tiên và thần thánh. Sau đó, anh dẫn tôi lên nhà Rông xem những di sản của những người Jrai. Rồi anh kể, làng người Jrai nào cũng có ngôi nhà Rông, thờ cúng thần linh và tổ chức các lễ hội theo phong tục từ xưa. Có thể nói nhà Rông là linh hồn của làng.

Bản sắc văn hóa bản địa phố núi Pleiku

Sau đó, anh Vinh dẫn tôi đi tham quan một khu nhà mồ sâu trong rừng cây. Anh giải thích, trước khi chia tay với người chết, đã được chôn cất một số năm, gia chủ phải tổ chức Lễ bỏ mả.

Ngoài việc tổ chức bữa ăn cho dân làng đến giúp việc, gia chủ phải mời những nghệ nhân đến đục tượng gỗ, khoảng 27 bức với những tư thế lao động và sinh hoạt khác nhau. Những người tượng này sẽ thay người sống trông nom nhà mồ vĩnh viễn. Từ đó, người sống không phải đến thăm và cho người chết ăn uống nữa.

Trước mắt chúng tôi, không ít bức tượng đã phai màu gỗ. Có những vết lõm, gãy mục theo tháng năm. Nhưng bức tượng nào cũng giữ được con mắt trầm mặc, u buồn – một vẻ đẹp thẳm sâu của sự tàn phai.

Nhiều bức tượng đã trở thành tuyệt tác điêu khắc dân gian. Người chết đã về với cõi vĩnh hằng nhưng cái cốt lõi là tâm hồn của người nghệ sĩ không bao giờ mất đi. Giống như những giai điệu dân ca Jrai, những bức tượng nhà mồ tồn tại, sống động cùng thời gian.

Những dấu ấn bí ẩn của người Jrai đã in đậm trên những bức tượng gỗ và những cây nêu linh thiêng trong ngôi làng giữa lòng TP. Pleiku.

Theo Vương Tâm (Lang thang Pleiku)

Du lịch, GO!