(KHPT) - Theo già làng Y Kông (92 tuổi, dân tộc Cơ Tu, trú thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), ngày xưa, phần đông người Cơ Tu (cả nam và nữ) đến tuổi trưởng thành đều búi tóc cao trên đầu và họ gắn một chiếc nanh heo cong, dài và vài chiếc lông chim lớn lên đó vừa làm đẹp, vừa là vật hộ mệnh giúp người Cơ Tu luôn khỏe mạnh, vượt qua những tai ương, ốm đau bệnh tật do “lam sơn chướng khí” và “ma xấu” ám trên dãy Trường Sơn.
Cho nên, những vật dụng như xương thú, vuốt thú dữ; nanh heo, lông chim… nhiều người Kinh cho rằng quạt bằng lông chim này rất giống với chiếc quạt của quân sư Khổng Minh trong các bộ phim “Tam Quốc Chí”.
Chúng tôi gặp Alăng Đợi (61 tuổi) hiện đang là già làng truyền thống Cơ Tu Tom Sara (Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) để tìm hiểu chiếc “quạt Khổng Minh” mà nhiều người Kinh mục kích khi anh biểu diễn múa quạt trong các nghi lễ cổ truyền hay biểu diễn trên sân khấu. Alăng Đợi nắm vững về văn hóa truyền thống của người dân mình cộng với ngoại hình rất “bắt mắt” và chơi các loại nhạc cụ Cơ Tu rất sành, điêu khắc tượng gỗ cũng rất tài ba đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp, các ngành.
Anh Alăng Đợi cho hay, đối với đàn ông Cơ Tu đứng tuổi, vòng đeo cổ là một loại trang sức chủ đạo, không thể thiếu trong trang phục hàng ngày cũng như vào ngày tết, lễ cưới, hỏi, lễ hội... Những chuỗi trang sức (C’rôn) bằng những hạt mã não nhỏ hình tròn hay bầu dục. Xen kẽ giữa các hạt mã não là những nanh heo rừng, lông gáy heo rừng, vuốt (móng) con gấu, hình nhân gỗ làm bằng gỗ quý, đầu đội mũ bằng lông nhím và lông chim… và nếu đi kèm theo trang phục đó một cái quạt bằng lông chim nữa thì là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, địa vị của những người đàn ông Cơ Tu cao tuổi như vai trò của già làng khi cúng giàng và các vị thần linh.
Trong các lễ hội, người ta thường thấy, Alăng Đợi đóng vai “già làng” rất nhuyễn với trang phục đóng khố, mặc áo thổ cẩm nhiều tua rua, đầu đội mũ lông chim, lông nhím; cổ đeo đầu lâu gỗ và nhiều vòng C’rôn, nanh heo rừng…trông rất huyền bí. Với mái tóc xoăn đen nhánh rủ dài hai bên vai, đôi mắt to và sâu hun hút của núi rừng hoang dã. Alăng Đợi đi đầu đoàn múa trống chiêng, đẹp tựa một vị thần của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Điều đặc biệt là trong lúc đôi chân, thân mình múa theo nhịp trống chiêng, Alăng Đợi một tay nắm tù và thổi từng hơi dài, một tay cầm quạt bằng cánh chim múa những “đường bay” lả lướt trên không gian, lúc nhanh, lúc chậm, lúc khoan thai lúc “tốc độ” như lúc chim diều hâu săn mồi.
Quạt (Chr’đhí) làm từ chim diều hâu (K’lang). Đây là chúa tể bầu trời của các loài chim với mào dựng đứng nên trông rất dũng mãnh. Diều hâu còn được biết đến với tên gọi chim ưng, chim cắt... Đây là loài chim săn mồi có mỏ hình móc cong sắc nhọn, đôi cánh khá dài, rộng và đôi chân vô cùng khỏe. Khi đậu có thể thấy hai lông dài ở sau gáy. Khi bay thấy có đầu to dô ra và đuôi dài (tương tự diều ăn ong). Nhìn từ phía lưng, hông có hình móng ngựa và đuôi có vằn ngang, ở con đực trưởng thành lưng màu xám xanh. Nhìn thấy gần ở góc mép mỏ có màu vàng. Loài diều hâu sinh sống ở Trường Sơn là diều hâu núi có bề ngoài tương đối giống chim đại bàng với bộ móng cực sắc. Con trưởng thành có độ dài khoảng 1 m với bộ lông màu nâu nhạt, cánh rộng và đuôi cong.
Già làng Alăng Đợi cho hay, ngày nay, hưởng ứng chủ trương của các cấp, các ngành, người Cơ Tu bảo vệ rừng, không xâm phạm đên tài nguyên rừng nên họ không tự ý vào rừng săn bắt thú rừng, chim muông. Họ đi bảo vệ rừng, tình cờ nhặt được cánh chim diều hâu về. Đó là những con diều hâu già nên chết hoặc đánh nhau với rắn hổ chúa lớn bị nọc “cực độc” chết. Sau khi làm vệ sinh, phơi nắng cho khô, quạt bằng cánh chim có thể kết hai cánh vào thành một cái quạt, (thời gian chế tác cây quạt này khoảng 3 ngày mới xong) hay dùng riêng từng cái. Người Cơ Tu dùng quạt này để quạt mát, che nắng mưa, quạt mát nhau trong nhà Gươl lúc hát lý, nói lý; quạt mát trong nhà gái, nhà trai nói chuyện với nhau khi đám cưới hay người chủ lễ dùng quạt để xua đuổi tà ma trong những đám cúng khác. Nhiều người Kinh cho rằng quạt bằng lông chim này rất giống với các quạt của Khổng Minh trong các bộ phim Tam Quốc Chí.
Theo quan sát của chúng tôi, mặt trong của “quạt Khổng Minh” này có hình đầu con gấu hình tam giác đang le lưỡi. Tùy theo cánh chim lớn, nhỏ mà kết quạt lớn hay nhỏ. Quạt có chiều dài khoảng 40 cm, bề rộng khoảng 40 cm, ở giữa 2 cánh chim là một cán gỗ dẹp tốt bóng láng dài 20 cm. Đầu lớn dài hơn 10 cm để làm cán cầm, phần gỗ nối dài với thân cán cầm trong thân quạt, hai bên có dùi mỗi bên 9 lỗ được buộc mỗi cánh chim vào đoạn gỗ đó bằng dây cước nhỏ. Mặt trong của quạt hơi lõm để “chứa gió” nên quạt cầm khá nhẹ, quạt êm ái, mát mẻ.
Già Đinh Văn Bớt (75 tuổi, trú tại xã Ba, huyện Đông Giang) cho hay, quạt bằng cánh chim này không chỉ với chức năng quạt mát, người Cơ Tu quan niệm, quạt này còn giữ vai trò “thông linh” huyền bí giữa giàng và các vị thần linh với dân làng qua các nghi thức cổ truyền.
Ngoài ra, khi “múa quạt” bằng cánh chim diều hâu cũng là thông điệp cầu xin giàng phù hộ cho dân làng mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, ấm no, bay bổng như cánh chim đang lướt gió trên bầu trời. Cho nên quạt bằng cánh chim diều hâu xem ra là vật quý hiếm trên đại ngàn Trường Sơn. Khi dùng quạt xong, chủ nhân phải giữ gìn cẩn thận, treo quạt trên vách cao, thông thoáng; không treo chỗ tạp, uế hay ẩm thấp; thi thoảng mang ra phơi nắng để quạt có độ bền được lâu…
Theo Tiên Sa (Khoa Học Phổ Thông)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.