(TH) - Cây phong ba có dáng cong cong, hướng về phía mặt trời, nổi tiếng tại đỉnh Lảo Thẩn (xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đốn hạ.


Thật ra, ở điểm cao trên 1.500m so mặt nước biển thì nhiều nơi ở đất nước này có thể bắt gặp những biển mây hùng vĩ như đỉnh Lảo Thẩn trên Y Tý nhưng chính cây cổ thụ này tự nhiên lại mang hình dáng đẹp hoàn hảo như một cây bonsai kia mới khiến du khách mê mẩn, mơ một lần được đặt chân đến đây để "sống ảo".

Ở một nơi đồi núi đã hoang tàn, chỉ toàn cây bụi và lau lách, bỗng nhiên có một cổ thụ sần sùi, mang đậm dáng thời gian đến nỗi du khách cảm nhận rõ và đặt tên là cây "phong ba". Theo người dân địa phương, cây thuộc họ dẻ, đã héo khô trong một trận cháy rừng, song có những nhánh vẫn đâm chồi nảy lộc, thể hiện sức sống phi thường. 

Nhưng thật đáng tiếc, chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa có biện pháp phòng ngừa, bảo vệ được "biểu tượng" du lịch mới này của Y Tý. Để bị mất đi chỉ vì lý do hết sức đơn giản: làm củi.


Hình ảnh cây phong ba trên đỉnh Lảo Thẩn bị cưa gần sát gốc đang được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng du lịch Việt Nam. Du khách đam mê du lịch, nhất là leo núi, tỏ ra tiếc nuối khi địa điểm vốn thu hút của Lảo Thẩn nay đã không còn.


Liên hệ với phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bát Xát, đơn vị này xác nhận, cây phong ba trên đỉnh núi Lảo Thẩn đã bị cưa gần sát gốc. Theo báo cáo ban đầu do phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bát Xát cung cấp thì có một cây gỗ bị chặt hạ bằng cưa xăng, chỉ còn gốc, đoạn gốc còn lại cao khoảng 70cm. Tổ công tác sau khi điều tra sơ bộ xác định có 03 cá nhân có liên quan tới vụ việc này.


Hiện tại cơ quan chức năng đang tạm giữ 01 cưa xăng của một người có liên quan đến vụ việc trên, ngoài ra đã mời 03 cá nhân lên làm việc với địa phương. Buổi làm việc dự kiến vào ngày 24/11... nhưng làm gì thì làm, cây ấy cũng đã mất đi rồi.


Từ việc bị mất "cây phong ba" trên đỉnh Lảo Thẩn, cần có biện pháp bảo vệ gấp những "cây cô đơn" đang là điểm check-in, điểm đến du lịch hấp dẫn ở nhiều địa phương khác.


Khi "cây phong ba" ở Lảo Thẩn mất đi, nhiều người mới giật mình, lo sợ cho số phận nhiều cây cô đơn, đá mồ côi... ở khắp các điểm du lịch tự phát hiện nay. Đáng chú ý nhất là cây thông cô đơn bên hồ nước ở huyện Lạt Dương, Đà Lạt. Cây thông cô đơn trên cung đường quanh co ở đèo Hải Vân, Đà Nẵng... Tuy không huyền bí như cây phong ba trên đỉnh cao Lảo Thẩn ở Y Tý, nhưng 2 cây thông "cô đơn" hiện là những điểm đến, check-in, sống ảo ưa thích của du khách. Nhất là lớp trẻ.


Thật ra từ trước giờ: cả ngàn thông Đà Lạt và Tây Nguyên bị đốn hạ, mất đi từng ngày. Ngay rừng thông Caribe trên đèo Hải Vân nay cũng chỉ còn là ký ức. Việc thêm một vài cây thông nữa bị chặt phá là có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng cho đến khi cây "phong ba" trên Lảo Thẩn mất đi thì mới làm cho nhiều người lên tiếng lo ngại cho số phận những cây rừng. Đặc biệt là những cổ thụ sống sót, cô đơn, là "điểm tựa" sống ảo, nhưng vun đắp thật cho những tâm hồn trẻ, yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên.


Vì vậy, ngành du lịch, chính quyền các địa phương đang sở hữu những cổ thụ cô đơn, những đá cuội đẹp, đang là điểm du lịch- dù là tự phát, phải có ngay những biện pháp bảo vệ, giữ gìn, để khỏi phải hối tiếc, ân hận như cây phong ba Lảo Thẩn - một biểu tượng du lịch tự hình thành trong tâm trí của du khách, vừa bị mất đi ở Y Tý, Lào Cai.

Tổng hợp từ Vivu247, Dân Trí, Vnexpress...

Du lịch, GO!