(Covid) - ĐGD: Mình không dám nói đúng sai vì chuyện y khoa là việc của bác sĩ. Tuy nhiên có chuyện này tréo ngoe, thía này:

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã trả lời báo giới tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 12/9.

Trả lời câu hỏi "người dân có thể xét nghiệm để chứng minh trong người có kháng thể làm căn cứ cấp thẻ xanh Covid hay không", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết việc xét nghiệm định lượng kháng thể vô cùng phức tạp. Các xét nghiệm kháng thể thương mại trên thị trường hiện chỉ đo toàn bộ kháng thể. Còn kháng thể bảo vệ không bị nhiễm bệnh là kháng thể trung hòa - loại kháng thể ngăn chặn trực tiếp protein gai trên virus thì không phải xét nghiệm nào cũng đo được...

Do đó, việc đo kháng thể chỉ có tính chất tương đối. Nhiều trường hợp có nồng độ kháng thể trong máu cao vẫn mắc bệnh và trên thế giới cũng không áp dụng phương pháp này. Đây chính là nguyên nhân hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết nào đối với phương án xét nghiệm xác định định lượng kháng thể.

"Đo kháng thể một cách chung chung coi chừng tốn kém, lãng phí mà chưa mang lại thông tin cụ thể nào", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM khuyến cáo. Nguồn >

Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: "Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM cần sớm có hướng dẫn để chứng nhận cho F0 điều trị tại nhà hoặc có hướng xử lý phù hợp". Chuyên gia này cho rằng thành phố có không ít những F0 tự trị tại nhà không báo với cơ quan y tế để thống kê, có người đã thông báo nhưng chưa được địa phương tiếp nhận thông tin. Thậm chí, có hoang mang không biết bản thân đã được địa phương quản lý hay chưa. Về mặt giấy tờ, có thể họ vẫn là người chưa bệnh.

Theo bác sĩ Khanh, F0 khỏi bệnh chưa được cập nhật danh sách có thể làm xét nghiệm kháng thể. Tuy nhiên, nhà quản lý cần có hướng dẫn rõ nơi nào được xét nghiệm kháng thể và cơ sở này phải cập nhật dữ liệu lên cổng thông tin Quốc gia, tương tự người có xét nghiệm rRT-PCR dương tính. Những trường hợp này cũng cần được cấp giấy chứng nhận vì cơ bản họ có độ an toàn ở mức tương tự hoặc cao hơn cả người tiêm đủ 2 liều vaccine. "Hiện nay, xét nghiệm kháng thể rất nhanh và đơn giản nhưng phải có hướng dẫn cụ thể từ ngành y tế", bác sĩ Khanh nói.

Xét nghiệm kháng thể là phương pháp giúp xác định được một người từng nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Người nghi ngờ sẽ được lấy mẫu máu để tìm kiếm sự hiện diện hay vắng mặt của kháng thể IgM và IgG đặc hiệu cho SARS-CoV-2 trong mẫu máu. Nếu có sự hiện diện của kháng thể đặc hiệu, nghĩa là người này từng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo TS.BS Trần Thành Vinh, Trưởng khoa Sinh hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), phương pháp xét nghiệm kháng thể giúp xác định được khả năng đáp ứng của cơ thể sau khi tiêm vaccine và hỗ trợ chẩn đoán Covid-19.

Phương pháp xét nghiệm định lượng để tìm ra kháng thể kết hợp kháng SARS-CoV-2 chưa được phổ biến rộng rãi. Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể chi phí xét nghiệm. Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện lớn tại TP.HCM có thực hiện xét nghiệm này... Nguồn >

Vậy xin thưa, thông tin nào là chuẩn xác hơn? Nghe bài trên báo Vnexpress hay Zing News ạ? Thôi thì việc này có lẽ báo chí sẽ giúp ta hiểu rõ hơn sau này.

ĐGD - Du lịch, GO!