(NLĐ) - Cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, không chỉ tiếp tục phát huy việc bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế của người dân trong vùng.

Cao nguyên Kon Hà Nừng (thuộc tỉnh Gia Lai) là một trong hai địa chỉ của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới. Người dân và chính quyền nơi đây mừng rỡ đón nhận tin vui này. Đây sẽ là cơ hội tốt để cao nguyên Kon Hà Nừng được quảng bá, thu hút nhà khoa học, đầu tư và giúp người dân trong vùng cải thiện đời sống.

Thiên nhiên ưu ái ban tặng

Khu DTSQ cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích hơn 413.500 ha, được chia thành 3 vùng chức năng, gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Trong đó, vùng lõi bao gồm toàn bộ diện tích của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Đây là những nơi có hệ sinh thái thực vật có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng của khu vực Tây Nguyên; phần lớn là kiểu rừng kín, xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, với nhiều loài động - thực vật đặc hữu, quý hiếm.

Trong đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt ở đây còn có một số loài đặc hữu mới phát hiện như chim khướu Kon Ka Kinh, voọc chà vá chân xám...

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cũng đã xác định 863 loài thực vật, trong đó có 22 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong Sách đỏ thế giới.

Về động vật hoang dã có xương sống, nơi đây ghi nhận được 380 loài; trong đó, 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư. Hiện có 64 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.

Theo con đường mòn nhỏ, chúng tôi luồn sâu vào giữa lõi rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Đứng trên đài cao 50 mét, có thể dễ dàng thấy cả cánh rừng rộng lớn, tán cây xanh ngắt xen kẽ nhau trải dài tít tắp. Nếu may mắn, bạn có thể thấy những đàn voọc chà vá chân xám nối đuôi chuyền cành hái quả.

Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, cho biết cao nguyên Kon Hà Nừng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho sự đa dạng về sinh thái. Nhiều vùng trong cao nguyên này có kiến tạo địa chất cổ và tối cổ, trên 2 triệu năm; có nhiều thác nước lớn, nhiều miệng núi lửa còn rất rõ nét và có dấu vết của con người sinh sống hàng ngàn năm trở về trước.

Kon Hà Nừng còn được xếp loại A quốc tế về đa dạng sinh học, có nhiều động - thực vật quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ, như: trầm hương, lan kim tuyến, trắc, voọc chà vá chân xám, chim hồng hoàng…

Thúc đẩy phát triển

Theo các nhà chuyên môn, vùng lõi của cao nguyên Kon Hà Nừng có thể thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển theo hướng bền vững cấp độ vùng. Các vùng đệm là diện tích rừng có hoạt động hài hòa với công tác bảo tồn, còn vùng chuyển tiếp khuyến khích tạo ra các hoạt động quản lý, sử dụng tài nguyên một cách bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, cao nguyên Kon Hà Nừng được công nhận Khu DTSQ thế giới là cơ hội để tiếp tục phát huy công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và tiếp cận được nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác này. Nhà nước cũng sẽ có nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của cao nguyên Kon Hà Nừng.

Các nhà chuyên môn tin rằng cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu DTSQ thế giới sẽ thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu, khám phá, phục vụ cho công tác giáo dục bảo tồn; sẽ có nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, nâng cao đời sống người dân.

Thông qua danh tiếng của Khu DTSQ thế giới, người dân trong khu vực sẽ bán được sản phẩm với giá trị cao hơn khi được gắn với các nhãn sinh thái; chuyển sang làm ngành nghề cho thu nhập tốt hơn như kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa bản địa, cộng đồng..., chế tác hàng thủ công mỹ nghệ; phát triển các dịch vụ khác.

Theo Hoàng Thanh (Người Lao Động)

Du lịch, GO!

Khám phá rừng nhiệt đới Kon Hà Nừng (Gia Lai)