Cánh đồng lúa bên Thạnh Mỹ Lợi này hồi trước, cứ vài ba ngày là bọn mình chạy ngang (hoặc ngồi hóng gió ở mé trong khu chợ tạm cũ) một lần. Trước kia cũng đã từng thấy cảnh người ta gặt lúa máy rồi - Cảnh đồng quê rất đã. Từ hồi dịch đến giờ thì không còn được qua Q2 (TP Thủ Đức) nữa. Nhớ lắm nên đăng lại bài từ báo cho đỡ nhớ... (ĐGD)

< Nhóm công nhân cắt lúa chủ yếu là lao động thất nghiệp trong mùa dịch.

(TTO) - Hơn 3 tháng giãn cách xã hội, một nhóm lao động chủ yếu làm thợ hồ, công nhân ở các tỉnh miền Tây kẹt lại TP.HCM bị thất nghiệp phải chật vật mưu sinh bằng công việc cắt lúa, bắt cá ăn qua ngày.

< Ông Lê Văn Dũng (chủ ruộng) cho biết nếu không thuê người gặt lúa bằng tay thì ông cũng bỏ vì làm không xuể.

Thửa ruộng rộng 20.000m2 nằm gần đường Võ Chí Công, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức của ông Lê Văn Dũng vì dịch không thể thuê máy, nên ông thuê các anh chị lao động đang thất nghiệp để kịp thời gian thu hoạch lúa.

< Ruộng trồng giống ST25 và Hương Trâu, chỉ 1 mùa.

< Anh Danh Hiếu (quê Kiên Giang) trong một lần đi bắt cá nghe có người thuê cắt lúa, anh về rủ mọi người chung xóm cùng đi làm để có tiền trang trải qua mùa dịch.

Ông Dũng cho biết giá thuê máy gặt đập liên hợp rẻ hơn thuê nhân công nhưng dịch nên không có máy từ các tỉnh khác qua thu hoạch, bỏ thì đứt ruột, lúa đã chín không có người cắt ông cũng bỏ luôn vì làm không xuể.

< Các em nhỏ cũng theo ba mẹ ra ruộng để kiếm tiền.

Nhóm lao động từ các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, Hậu Giang… lên TP.HCM chủ yếu làm thợ hồ, làm công nhân nhưng dịch bị kẹt lại và không thể về quê.

< Chị Hồ Ngọc Hương (quê Kiên Giang, bên trái) cho biết chỉ mong hết dịch để được đi làm, có tiền trả nợ mượn tạm trong mùa dịch này.

< Thông thường chủ ruộng sẽ thuê máy gặt đập liên hợp để đỡ tốn công và chi phí, nhưng vì dịch nên buộc phải thu hoạch bằng nhân công gặt tay và sử dụng máy tuốt.

Trong một đợt đi bắt cá tại mương nước, nghe có người thuê cắt lúa, anh Danh Hiền (ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) về rủ anh chị trong xóm đi cắt lúa thuê kiếm sống qua ngày sau thời gian dài thất nghiệp. Tổng cộng có 5 hộ gia đình tham gia cắt lúa, mỗi ngày chia nhau được hơn 100.000 đồng/ngày.

< Vì nắng tốt nên lúa sao khi được gặt xong sẽ đổ ra sân phơi ngay, tránh để lên mầm.

< Những phần ăn đơn giản được chị Hương chuẩn bị từ sáng sớm để mang theo đi làm.

Chị Hồ Ngọc Hương (quê Kiên Giang) cho biết lúc trước chị và chồng làm thợ hồ, dịch nên thất nghiệp, mới đi cắt lúa thuê được 4 ngày qua.

< Em Ngọc Lợi bắt được chuột đồng mang cho mẹ bỏ vào vỏ để cho phần cơm buổi tối của gia đình.

"Làm này nắng lắm, sáng thì tôi thức dậy nấu cơm bỏ theo ăn, nghỉ ngơi ngay tại ruộng, làm từ 6h sáng cho đến chiều. Vợ chồng đi cắt lúa thuê để có tiền mua này kia, mua sữa cho mấy đứa nhỏ, chứ giờ ở nhà cũng không có làm gì.

< Anh Thạch Hiếu (quê Hậu Giang) cùng cháu trai đi bắt cá ở ruộng sau khi thu hoạch để có thức ăn cho gia đình.

Nhớ quê lắm chớ, tại về không được nên ráng ở đây làm luôn. Giờ tôi chỉ mong hết dịch để đi làm trả tiền trọ, tiền ăn mượn của người ta mấy tháng nay thôi" - chị Hương bộc bạch.

Theo Ngọc Phượng (Tuổi Trẻ)

Du lịch, GO!