(LĐO) - Người Mường tỉnh Hòa Bình đã và đang giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Nét văn hóa nhà sàn được người dân nơi đây phát triển ngành du lịch cộng đồng, giúp nâng cao giá trị truyền thống và mang lại nguồn kinh tế để duy trì cuộc sống.

Cách trung tâm TP.Hòa Bình khoảng 15km, tại xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong xóm dân cư người Mường, tất cả vẫn giữ cho mình nếp sống trong nhà sàn truyền thống.

Nhà sàn được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Nó không chỉ là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, dân tộc mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống văn hóa riêng.

Nhà sàn là kiến trúc đã có từ lâu đời của người dân tộc Mường ở xóm Mỗ, sự tích ra đời do ông cha kể. Cụ thể, từ xa xưa, có một lần, vị Lang cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa cầu xin Lang đừng giết thịt, bù lại rùa mách cho cách làm nhà sàn. Rùa dạy: “Bốn chân tôi là bốn cột cái; hai mai tôi là hai mái nhà; xương sống tôi là đòn nóc; chặt cây lim làm cột; lạt buộc bằng cây giang; cỏ gianh dùng để lợp".

Bản Mường ở xóm Mỗ 2 là 1 trong số ít xóm, bản của tỉnh Hòa Bình còn giữ được đầy đủ nét truyền thống. Dưới chân núi, thấp thoáng trong màu xanh của thiên nhiên, cây rừng là những mái nhà sàn ẩn hiện.

Khu làng Mường cổ với những nếp nhà sàn đơn sơ, mộc mạc, nhịp sống yên bình đã trở thành điểm du lịch, thăm quan thu hút nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế.

Ông Đinh Văn Liến (61 tuổi, chủ homestay Luận Thảo) cho biết: "Tôi cùng người trong gia đình tự vào rừng đón gỗ về dựng lên ngôi nhà này từ hơn 30 năm trước. Cách thức dựng nhà sàn được cha ông truyền lại, đến nay chúng tôi vẫn giữ lại vì nó là văn hóa truyền thống của dân tộc Mường".

Gia đình ông Liến mở các dịch vụ nghỉ dưỡng cộng đồng, đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước trải nghiệm, đặc biệt du khách đến từ nước Pháp rất nhiều.

Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta, gia đình tôi cũng như cả xóm Mỗ 2 đều tạm dừng đón khách đến thăm quan.

Xóm Mỗ 2 hiện có khoảng 40 nóc nhà, giữa những biến chuyển xã hội, người dân nơi đây vẫn giữ được cho mình nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Hầu hết tất cả mọi người đều sinh sống bằng nhờ làm nông nghiệp, nhưng khi có khách du lịch đến thì mỗi người đều có thể là hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách về cuộc sống, sinh hoạt, những nét đặc trưng của nhà sàn. Mọi người đều có ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc.

Theo Trọng Văn (Lao Động)

Du lịch, GO!