(VNE) - Hết tuần thứ 4 khi đã hoàn toàn hòa nhập với thiên nhiên, ông Sơn thấy bình thản hơn.

< Nhiệt độ ở núi Bà mùa này dao động từ 11 đến khoảng 20 độ C, ông Sơn có mang theo áo khoác, giày và mũ.

Ngày 15/8 là vừa tròn một tháng, ông Trần Kim Sơn (62 tuổi) cùng người bạn đồng hành chuyển từ TP Đà Lạt lên núi Bà, Langbiang. Ông cho biết quyết định lên núi sống được đưa ra giữa tháng 7, khi thông tin về dịch Covid-19 khiến bầu không khí ở thành phố nặng nề, đường phố vắng người hơn. Tự gọi mình là kẻ du mục đã quen với cuộc sống khắp đây đó, ông Sơn muốn được sống và hoạt động giữa thiên nhiên, dù biết ở rừng mùa mưa cũng không dễ dàng.

< Ở điểm trại 1.800 m, ánh nắng rực rỡ hơn.

Với kinh nghiệm nhiều năm du lịch, cắm trại núi rừng và từng là hướng dẫn viên du lịch ở Trung Quốc, ông mang theo lều trại, bạt che mưa, quần áo ấm, một con dao và chiếc nồi nhôm. Ông cho biết không quan trọng đồ nghề cắm trại phải quá hiện đại, chỉ cần đủ để ông chống lại mưa gió, có thể nấu ăn qua ngày.

< Ông Sơn bên những hàng thông.

Tuần đầu tiên, ông cắm trại ở độ cao gần 2.000 m, xung quanh là sương mù dày đặc, không khí ẩm ướt. Cả ngày, từ sáng tới tối mịt, khung cảnh rừng thông vô cùng ảm đạm. Ban đêm, gió mưa tàn tạt vào tấm bạt làm ông không khỏi sợ hãi vì không biết chiếc lều có bị lật tung, khi bên ngoài đang lạnh buốt.

Cách vài ngày, ông đi bộ xuống một cửa hàng dưới chân núi mua gạo, thực phẩm, không quên mang theo vài cục sạc dự phòng gửi tại đây, lần tới sẽ tới lấy để duy trì pin cho chiếc điện thoại đời cũ.

< Nấm rừng mọc lên sau những cơn mưa.

Qua 7 ngày, khái niệm về thời gian trong ông cũng nhạt nhòa. Ông cho biết đã chấp nhận phải sống lâu dài trên ngọn núi này nên việc quên đi thời gian cũng là một cách hay để tận hưởng. Ông cũng rời lều trại xuống độ cao 1.800 m, nơi khô ráo và có nhiều ánh nắng hơn. Ở đây, không gian khiến ông thấy dễ chịu, việc nhóm củi, nấu ăn cũng dễ dàng.

Giờ đây, số buổi xuống núi mua thực phẩm thưa dần, ông dành thời gian vào rừng hái rau rừng theo lời mách của người Lạch (một nhánh của dân tộc K'ho). Họ cũng chỉ cho ông cách phân biệt một số loại nấm rừng nhưng tự nhận mình "nhát gan", ông chưa từng ăn chúng.

< Chùm ngấy hương trên đường vào rừng.

Trên đường đi, ông cũng vô tình phát hiện những con đường rải rác chiếc bẫy cũ mà thợ săn để lại hay những chùm ngấy hương (dạng cây bụi, một loại thuốc dân gian) đỏ rực.

Nhưng ở điểm trại thấp, quãng đường tới suối lấy nước cũng xa hơn, khoảng hơn một tiếng đường dốc. Trên đường di chuyển, ông nhặt những chai nhựa mà du khách vứt lại để trữ nước.

< Hàng ngày, ông phải kiếm củi để nấu nước, nấu cơm.

Giờ đây, những cơn mưa xối xả dù lạnh buốt cũng giúp ông được tắm và trữ nước cho 2 ngày tiếp theo. Với ông, đây là những khoảnh khắc đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng.

Hết tuần thứ 3 rồi thứ 4 khi đã hoàn toàn hòa nhập với thiên nhiên, ông thấy bình thản hơn. "Trải qua 20 ngày đêm sống cùng với sương khói giá rét, chúng tôi nhận thấy rằng hóa ra chế độ ăn uống như nhà tu hành cũng không đến nỗi nào, sức khỏe tinh thần và thể chất chỉ bị bào mòn đôi chút", ông nói.

< Sương mù giăng kín khu rừng cả ngày.

Vì với ông, điều quan trọng nhất để đi rừng là cần sức đề kháng tự nhiên, không phải do ăn nhiều chất bổ mà là quá trình dài luyện tập. Vì vậy dù sống trong điều kiện thiếu ăn, thiếu nước và nhiệt độ xuống thấp thì cũng không bị bệnh. Cái cần thiết thứ hai là năng lượng đến từ ăn uống. Những ngày trong rừng không đủ đầy thực phẩm, mỗi lần vượt qua từng con dốc để lấy nước càng dễ khiến ông thở dốc, mỏi và cần thời gian nghỉ hồi sức lâu hơn. Để cân bằng với nhu cầu của cơ thể, ông sẽ giảm bớt những hoạt động.

Ông Sơn chia sẻ, những ngày sống trong rừng chưa biết khi nào sẽ kết thúc nhưng chưa bao giờ ông thấy muốn bỏ cuộc hay ngừng yêu mến núi Langbiang. Ông cũng hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để có thể trở về TP HCM thăm gia đình và hoàn thành chuyến đi Tây Bắc vào cuối năm nay.

Theo Lan Hương (Vnexpress)

Du lịch, GO!