Địa danh tuy thuộc xã An Cư nhưng lại có điểm giáp ranh với xã An Hảo, lại đi bằng đường Ô Tức Sa của thị trấn Chi Lăng. Lằng nhằng như thế, nên phải có người biết đường dẫn đi mới không mất thời gian. Chưa kể, phải băng qua con đường nhỏ, chạy một đoạn đường bê-tông do người dân địa phương tự làm, rồi bắt đầu hành trình “băng rừng, lội suối”.
Đường đi khá vất vả, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Nhưng bù lại, chúng tôi có mặt vào thời điểm xả đập hồ Thủy Liêm trong mùa mưa, nước đổ mạnh từ trên vách đá cao tạo thành các dòng thác, dòng suối cực kỳ đẹp mắt, trắng xóa cả mảng rừng.Các bạn trẻ tranh thủ đùa nghịch dưới dòng nước mát lạnh, với không gian hoang sơ và chụp ảnh đủ kiểu. Theo cảm nhận của tôi, chuyến đi khá thú vị, bởi có thể tự mình khám phá, tìm đến những điểm mới, lạ ở những nơi tưởng chừng rất quen thuộc.
Thác Otuksa An Giang là một con thác bắt nguồn từ động Thủy Liêm trên đỉnh núi Thiên Cấm Sơn. Thác đổ nước xuống hồ Otuksa, len lỏi qua các vách đá và tạo thành một dòng thác hùng vĩ, mạnh mẽ như bản tình ca hoang dã giữa huyện Tịnh Biên.Dòng nước mà thác nước này tạo nên đẹp, thơ và ấn tượng chẳng kém gì những con thác ở miền Trung hay miền Bắc. Với độ dốc của vách đá lên đến 20 mét, nước chảy rất xiết vào mùa mưa hoặc những lúc xả đập hồ Thủy Liêm, vang vọng thứ âm thanh đặc trưng của núi, của rừng.
So với nhiều điểm đến ở An Giang khác, Otuksa gần như còn rất hoang sơ. Nơi đây chỉ có dấu chân của những phượt thủ, những du khách băng rừng, vượt suối để đến chiêm ngưỡng khung cảnh mỹ miều, tráng lệ.Vẻ đẹp của thác nước giữa lòng miền Tây hòa trộn giữa sự mạnh mẽ, trong lành và có nét gì đó hoang dại, mộc mạc. Quanh thác là vách đá, là rừng cây tạo nên khung cảnh hữu tình tựa như trong phim kiếm hiệp.
Trên đường trở ra, chúng tôi gặp nhiều nhóm khác tiến vào. Đoạn đường rừng trở nên nhộn nhịp, đầy dấu chân của người phố thị. Dừng lại ở quán nước gần hồ Ô Tức Sa, các bạn tôi thay quần áo khô, còn tôi mon men lại gần chủ quán.Bà Bướm (47 tuổi) vui vẻ cho biết, bà là người địa phương, dựng quán đã hơn 20 năm nay, nhưng ít vào rừng đến suối. “Biết trong đó có lúc nước nhiều tạo thành thác, thành suối, nhưng sức khỏe không cho phép nên tôi chỉ tập trung buôn bán. 5 giờ sáng dọn ra, tối dọn vào, chủ yếu bán nước giải khát cho bộ đội, người dân đi làm rẫy, vườn. Khách phương xa cũng có, nhưng lúc đông, lúc vắng. Cuộc sống tạm ổn, đủ nuôi gia đình, nên tôi chưa có ý định thay đổi”- bà tóm gọn nhịp sống và suy nghĩ của mình trong vài câu nói, rồi tiếp tục thả hồn vào bộ phim trên tivi.
Gần đó, một số người dân thư thái ngồi uống nước, đăm chiêu bên bàn cờ tướng. Vài người lại ngủ trưa trên võng, bỏ mặc nắng chiều ngoài sân. Thoáng chốc, khoảng không yên bình lại tràn ngập. Hồ nước Ô Tức Sa trên cao phản chiếu mây trời, cũng chẳng buồn động đậy làn nước, đối lập hoàn toàn với dòng chảy ầm ào của những nơi chúng tôi vừa gặp.Tìm hiểu thêm, tôi được biết, anh Đào Ngọc Lâm (sinh năm 1993, ngụ xã An Hảo) là người mang cảnh đẹp của dòng suối Ô Tức Sa đến các trang mạng xã hội về du lịch trong tỉnh. Anh bộc bạch: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, nên khá rõ về cảnh vật xung quanh. Suối Ô Tức Sa chảy từ động Thủy Liêm (núi Cấm) qua thác rồi đổ xuống hồ. Nước chỉ chảy mạnh vào mùa mưa và khi xả đập...
... Muốn mọi người biết đến Ô Tức Sa nhiều hơn, tôi đã chụp ảnh và chia sẻ thông tin rộng rãi. Cả tháng qua, không ít người liên lạc, nhờ tôi hướng dẫn đường đi, tôi sẵn lòng giúp đỡ. Khi trở về, họ đều rất thích thú với khung cảnh này, lại tiếp tục chia sẻ hình ảnh, nên ngày càng nhiều người biết đến. Tuy nhiên, hệ lụy đáng buồn là nhiều nhóm thanh niên mang đồ ăn, thức uống đến đây dã ngoại, nhưng không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Hiện giờ, nước ở Ô Tức Sa đã ít dần, đục hơn, nhưng rác xung quanh khu vực lại tăng đáng kể”.Hồ Ô Tức Sa tập trung lượng nước mưa lớn, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân thị trấn Chi Lăng và các xã: Vĩnh Trung, An Cư, An Hảo, Tân Lợi của huyện Tịnh Biên, được mệnh danh là một trong những hồ “nước trời” của vùng Bảy Núi. Chuỗi khung cảnh thác - suối, hồ của Ô Tức Sa trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều bạn trẻ thích đi phượt.Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo An Giang, lãnh đạo UBND xã An Cư khuyến cáo: “Hồ Ô Tức Sa rất sâu, đã từng xảy ra vụ học sinh đuối nước khi đến chơi, tham quan. Khu vực trên là trọng điểm về quân sự, còn rừng lại thuộc rừng phòng hộ. Nếu đi vào rừng, có thể gặp nguy hiểm do đá lởm chởm gây hụt chân, nguy cơ cây rừng đổ ngã. Vì vậy, mọi người cần cân nhắc kỹ trước khi tìm đến”.
Chạm vào nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên để được truyền thêm sức sống, rèn luyện sức khỏe… là một trải nghiệm cần thiết của người trẻ, một lối sống tích cực cần được duy trì. Tuy vậy, Ô Tức Sa như một địa điểm điển hình, nhắc nhở mọi người về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, về đảm bảo an toàn ở các cung đường phượt gắn với quản lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Làm tốt những điều đó là cách giữ gìn, trân trọng những món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho đất và người An Giang.
Tổng hợp từ báo An Giang, DulịchVN và nhiều nguồn khác...
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.