(TTO) - Vốn được mệnh danh là “thành phố không ngủ”, TP.HCM giờ đây trở nên vắng lặng hơn trong những ngày giãn cách theo chỉ thị 16.

< Một người đàn ông sống ở con hẻm trên đường Tôn Đản, quận 4 ngó ra ngoài khi thấy người lạ.

Nếu như Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường, thì TP.HCM cũng thường được nhắc đến với những con hẻm quanh co ngay tại trung tâm thành phố. Những ngày này, dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều con hẻm bị phong tỏa, sinh hoạt của nhiều người dân cũng ảnh hưởng theo.

< Người dân đứng xa xa trông về đầu con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh.

Cuộc sống của người dân bên trong những con hẻm tại TP.HCM đang chầm chậm trôi, trái ngược với khung cảnh tất bật của những ngày dịch chưa hoành hành. Những gì hiện ra trước mắt họ giờ đây là một khung cảnh "bé xíu" được nhìn từ con hẻm.

< Người đàn bà trên tay cầm theo các nhu yếu phẩm, góc nhìn từ con hẻm đường Tôn Đản, quận 4.

Những đôi mắt từ hẻm nhỏ trông về hướng những sợi dây đang được giăng chằng chịt. Vài người đi đi lại lại ngang qua, con hẻm như một khung cửa sổ để họ nhìn ngắm thế giới bên ngoài.

< Một đoạn đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 bị phong tỏa, cách ly y tế về dịch COVID-19.

Ở vài nơi, người dân chủ động đặt bảng thông báo, yêu cầu người lạ hoặc các shipper không được tự ý vào hẻm. Vì vậy, mọi giao dịch đều được thực hiện tại sợi dây chắn - nơi phân tách giữa thế giới bên ngoài và bên trong con hẻm.

< Màu áo của các tài xế giao hàng thuộc nhiều hãng khác nhau trở thành "điểm nhấn" của đường sá Sài Gòn mùa COVID.

Tình làng nghĩa... hẻm trở nên gắn kết hơn bao giờ hết bởi giờ đây, tất cả đều chung hy vọng dịch chóng qua, gia đình được khỏe mạnh. Họ dành thời gian để sắp xếp, dọn dẹp lại nhà cửa. Lâu lâu thèm cảm giác được nói chuyện, người đứng trong nhà, người ở ngoài cửa, cách nhau 2 mét vẫn rôm rả những câu hỏi han thân tình.

< "Hẻm cụt, người lạ không vào khu vực này" là dòng chữ được gắn tại nhiều con hẻm ở Sài Gòn vào mùa dịch.

Việc đi lại vốn không còn thoải mái như trước, người dân chỉ được phép ra đường khi thực sự cần thiết nên họ tranh thủ đi mua đồ ăn rồi nhanh chóng trở về nhà để hạn chế tiếp xúc.

< Người dân ra đầu hẻm để nhận nhu yếu phẩm từ tài xế giao hàng.

"Tôi thương Sài Gòn từ những con hẻm thương ra. Mới ngày nào chị bán xôi còn đứng đầu ngõ, anh xe ôm vắt chân lên xe ngủ tạm giấc trưa, các em nhỏ nô đùa, chạy quanh hẻm. Giờ đây mọi thứ tĩnh lặng.

< Con hẻm nhỏ bên cạnh chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh trở nên tĩnh lặng khác thường.

Tôi mong rằng Sài Gòn sẽ sớm chữa lành vết thương của mình, để mau chóng về lại với cuộc sống ban đầu" - anh Hồ Hoàng Phi Long, sinh sống tại quận 1, chia sẻ.

Theo Châu Tuấn, Lê Phan (Tuổi Trẻ)

Du lịch, GO!