(TPO) - Không phải rau quả nhập khẩu mà là trái cây mọc hoang trong rừng, trên nương rẫy, bán với giá cả trăm nghìn đồng/kg đang được nhiều khách thành phố săn lùng. Đây trở thành nghề mưu sinh chục năm nay của nhiều người dân Tây Nguyên.

Nghề ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây

Một ngày nắng đẹp, theo chị H’Đel Niê (xã Ea Knuếck, huyện Cư M'gar) cùng bà con trong buôn đi hái trái cây rừng. Chúng tôi men theo lối mòn giữa bụi rậm, lội qua con suối trong veo nước đến mắt cá chân. Nắng xuyên qua tán lá xua tan cái lạnh âm u. Nơi đây, những quả chôm chôm rừng, vải rừng, mít rừng, xoài rừng… xen lẫn dưới tán lá cao chót vót. Căng bạt dưới gốc, chị H’Đel leo thoăn thoắt lên cây, một lúc sau những quả chín mọng rào rào rơi xuống bạt.

Trong câu chuyện với chị, được biết chị theo mẹ đi hái trái cây thuê từ năm lên 6 tuổi, đến nay khoảng 20 năm trèo cây, hái trái. “Công việc này nguy hiểm nhất là vào những ngày mưa, trơn trượt hay khi đụng phải tổ ong, tổ kiến vàng. Quá trình làm nghề tôi bị té ngã 6 lần. Nhớ đời nhất là ngã từ cây chôm chôm cao 12 m xuống rẫy cà phê, bị gãy tay trái, đến nay tôi không thể mang vác những vật nặng”, chị kể.

Ở những buôn làng vùng sâu này, mỗi lần có khách đặt hàng trái cây, thương lái nhờ bà con người Êđê quanh khu vực đi hái. Mùa dịch có ngày mỗi người hái về bán được vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. “Chôm chôm rừng ít nhất mỗi ngày tôi nhập khoảng 50kg, mít rừng năm nay mới bán nhưng ngày nào cũng đi gần tạ. Vào mùa trái cây chính khác, chị đi hái thuê cho người ta”, chị H’Đel trải lòng.

Nghề hái trái cây thuê vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng nhiều phụ nữ chân yếu tay mềm vượt qua nỗi sợ. Họ nói rằng, nếu chịu khó làm thì thu nhập từ nghề này cũng đủ để nuôi sống gia đình.

Tây Nguyên vào mùa mưa, thời điểm trái cây rừng chín rộ, đây là lúc người dân lên các cánh rừng, đồi núi, nương rẫy “săn” hàng về bán cho thực khách và thương lái vận chuyển về xuôi. Đây có thể xem là món quà thiên nhiên của núi rừng ban tặng, nó là món ăn yêu thích làm ngất ngây bao người và đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân.

Làm nghề hái thuê được hơn 10 năm, mỗi khi vào mùa trái cây, anh Nguyễn Văn Hùng (huyện Krông Pắk) đến huyện Cư M’gar, Krông Năng… tìm vườn để hái thuê. Loại trái cây anh chuyên hái là mãng cầu, sầu riêng. Các chủ vựa trái cây thường xuyên thu mua với số lượng lớn. Vào giữa vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày anh hái được gần 2 tạ mãng cầu, sau đó mang về nhập cho thương lái. Trừ chi phí cũng lãi được khoảng 400.000 đồng/ngày, đủ để trang trải sinh hoạt và lo cho các con học hành.

“Trước đây, các loại trái cây rừng, chín rụng đầy gốc, người đi rừng thấy nhặt vài quả về ăn chơi chứ không thấy ai bán. Mấy năm nay, nhiều người lùng mua, mỗi lần vào mùa, các chủ vựa thường thuê tôi đi cùng với người dân ở các buôn làng hái. Mùa trái cây rừng chỉ khoảng vài tháng nhưng mang lại thu nhập khá”, anh Hùng cho biết.

Theo kinh nghiệm của anh Hùng, người làm nghề hái thuê phải biết lựa thế trèo lên cây. Những cây lâu năm, cao và nhiều cành lớn thường khiến việc hái quả vất vả hơn. Nhiều cây, bên ngoài vỏ còn tươi, nhưng bên trong bị sâu đục thân ăn rỗng, nếu trèo không cẩn thận sẽ gặp nạn như chơi. Vật bất ly thân của người hái thuê gồm cây móc inox để túm lấy những cành ở xa và một bình xịt kiến.

Khi đưa trái đã hái xuống phải thật khéo léo và cẩn thận, tránh trái xây xước, dập nát sẽ không bán được cho thương lái. Mùa trái cây chín rộ, nghề hái thuê lại đắt khách, ai cũng dễ dàng kiếm được việc với tiền công khá cao.

Theo già Y’Khuyn (huyện Cư M’gar), các loại trái cây rừng có giá dao động từ 20 -25 nghìn đồng/kg. Ra khỏi buôn làng trở thành “đặc sản” có giá 70 -80 nghìn đồng/kg. Lợi ích mà các loại quả này mang lại giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ðộc, lạ hút khách

Đi dọc đường liên huyện, liên tỉnh xuyên Tây Nguyên, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chị, các mẹ người Êđê bày bán nhiều loại trái cây có nguồn gốc từ rừng. Bà H’Juyn cầm quả bơ có hình dáng dài, nhỏ bằng nắm tay, mỗi quả có trọng lượng từ 1 đến 3 lạng. Bẻ đôi quả bơ, ruột màu vàng, đậm vị, dẻo tương tự như bơ 034, khác biệt là loại quả này không có hạt.

“Tại các vườn thì người ta gọi bơ này là bơ đực, nhưng một số hàng bán hoa quả gọi bơ mini, bơ móng tay. Mặc dù giá đắt ngang bơ sáp loại ngon trên thị trường song bơ không hạt tí hon vẫn đắt khách. Vì loại bơ này hầu như chưa xuất hiện tại các chợ do khá hiếm nên khách tò mò mua thử. Mùa nào thức nấy, hiện đang vào mùa nhiều loại trái cây rừng chín rộ như: mít, vải, dâu da, xoài, chôm chôm, gùi, chay…”, bà H’Juyn cho biết.

Thường xuyên ngồi bán trái cây rừng ở Tỉnh lộ 8 (đoạn qua xã Cư Suê, huyện Cư M’gar), chị H’Wau Adrơng chia sẻ, trái cây rừng sinh trưởng tự nhiên, mọc rải rác khắp nơi chứ không tập trung một chỗ. Cây thường to, cao, có nhiều cây đã thành cổ thụ. Loại trái cây này có mùi thơm đặc trưng, mang đậm hương vị của núi rừng, được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá nhỉnh hơn so với trái cây thông thường.

Đưa quả mít chỉ nặng từ 0,3-0,5kg/quả được bán với giá 35.000-40.000 đồng/quả, ăn có vị chua chua ngọt ngọt, mùi thơm đặc trưng. “Đây là mít rừng hay còn gọi là mít nài. Những năm trước, các loại quả rừng như chôm chôm, vải, măng cụt tôi bán chạy lắm. Khoảng 3 năm gần đây, nhiều người hỏi mua mít rừng, tôi lấy về bán cho vui, nhưng số lượng người đặt ngày càng nhiều, hàng về đến đâu hết đến đó”, Chị H’Wau nói.

Chị Nguyễn Thị Trang (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) vốn “ghiền” trái cây rừng nên vào mùa này, cứ có dịp đi phố chị ghé vào những sạp trái cây ven đường của các bà, chị người Êđê tìm mua. Những loại quả có vị thanh, lạ nên dù đắt hơn trái cây thông thường, chị và bạn bè vẫn cố gắng tìm mua bằng được.

Khoảng 3 năm nay, nhu cầu mua trái cây rừng của khách hàng ở các tỉnh tăng cao nên nhiều thương lái chịu khó “săn” hàng để gửi cho khách. Tùy vào nhu cầu của khách, họ tìm mua trái cây rừng trong các buôn người Êđê.

“Bình thường tôi chỉ bán những loại trái cây như: Bơ Booth, bơ 034, sầu riêng, mít Thái… Năm nay, theo yêu cầu của khách, ngoài vải rừng, chôm chôm rừng, măng cụt rừng (mỗi ngày nhập từ 50 - 60 kg)… thì mít rừng là một loại quả mới khá “hút” khách ngoại tỉnh như: Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Đà Nẵng. Trái cây rừng có vị thơm đặc trưng, người thưởng thức có thể biến tấu để tạo nên những món ăn lạ miệng, đầy cuốn hút trong mùa nắng nóng”, chị Nguyễn Thị Phương Thúy (huyện Cư M’gar), một thương lái chuyên mua bán các loại trái cây đặc sản của Đắk Lắk chia sẻ.

Theo NT (Tiền Phong)

Du lịch, GO!