(BQN) - Nhờ dòng sông Phước Giang êm đềm chảy qua, nên thôn Hội An, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) trở nên thơ mộng, yên bình. Dòng sông tưới mát, tô thắm ruộng đồng, vườn tược, để rồi trải dài khắp thôn một màu xanh tràn đầy nhựa sống. Nơi đây có những người dân quê thân tình, đôn hậu, chịu thương, chịu khó.

Những ngày đầu tháng 7, có dịp đi trên cây cầu Hưng Nhơn còn vương mùi nhựa mới dẫn lối vào thôn Hội An, một khung cảnh bình yên hiện ra với con đường vào thôn trải dài bê tông, sạch sẽ. Hai bên đường là những ngôi nhà khang trang, kiên cố, mới toanh. Phía trước mỗi nhà, người dân còn trồng hàng rào hoa bươm bướm, hàng cau, hàng dừa... 

< Sông Phước Giang chảy qua thôn Hội An, đem lại nguồn sống và vẻ đẹp nên thơ cho vùng quê nơi đây.

Điều thi vị hơn cả là ven bờ sông Phước Giang, người dân trồng những cây dừa nước làm khách đến tham quan không khỏi liên tưởng đến rừng dừa nước ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Tại đây, có một vài hộ dân thôn Hội An mưu sinh bằng nghề cào ốc, cào hến, lưới mành...

Cần mẫn với nghề cào ốc có ông Lê No. Khoảng 3 giờ sáng ông No đã lên thuyền nhỏ ra giữa dòng sông cào ốc đến tận 10 giờ trưa chở một thuyền đầy ốc trở về. Ông No cho hay: Người dân trong thôn Hội An ai cũng siêng năng, chịu khó.

< Những hàng dừa nước ở ven sông Phước Giang được người dân thôn Hội An gìn giữ.

Vừa làm ruộng, trồng bắp, vừa tranh thủ ngày nắng cào ốc, bắt cá để kiếm thêm thu nhập nuôi sấp nhỏ đi học. “Tôi sinh ra và gắn bó với mảnh đất này đã 60 năm. Cha ông ngày trước truyền nghề sông nước tôi cũng theo học và làm tới bây giờ. Tuy công việc vất vả nhưng khí hậu nơi đây thoáng đãng, mát mẻ nên cũng vơi bớt phần nào nhọc nhằn”, ông No chia sẻ.

Người dân thôn Hội An còn trồng thêm những lũy tre để giữ đất ven sông. Các bà, các chị không quản cái nắng trưa hè, đem ớt mới hái ra ngồi dưới hàng tre phân loại, rồi kể từ chuyện xưa đến chuyện con cái sắp bước vào mùa thi cử, hay mong dịch bệnh chóng qua để cuộc sống trở lại bình thường.

Lối vào những xóm nhỏ ở thôn Hội An có những hàng dừa trải dài, thẳng tắp. Dừa ven ruộng, dừa trong vườn nhà. Nhiều nhà còn trồng một hàng rào dừa xanh thẳm. Trưởng thôn Hội An Võ Văn Thảo cho biết: Ở thôn này nhà nhà đều trồng dừa. Ngày trước, nhiều nhà còn trồng dừa để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Như hàng dừa ở con đường dẫn vào nhà tôi có từ thời tôi còn là cậu học trò lớp 1, lớp 2. Hàng dừa đó lớn lên theo từng năm tháng. Đến bây giờ có lẽ nó đã cao 15m, 20m”. 

Người dân thôn Hội An còn biết quý trọng những nghề truyền thống như nghề dệt chiếu, đúc rèn, làm bánh nổ, bánh in vào dịp Tết cổ truyền. Họ rất phấn khởi khi ở ngọn đồi cao nhất trong thôn có ngôi chùa Thọ Sơn Cổ Tự. Người cao niên trong thôn kể lại, ngôi chùa này có từ thời kháng chiến chống Pháp và bị chiến tranh tàn phá hư hỏng nặng, sau đó, chùa mới di dời sang thôn Xuân An cũng ở xã Nghĩa Hà. Bây giờ, thể theo nguyện vọng của tăng ni, phật tử, chùa Thọ Sơn Cổ Tự được cấp phép di dời về chốn cũ là thôn Hội An. Nơi ngôi chùa tọa lạc không khí trong lành, cây xanh bao quanh và đứng đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bao la, trù phú quanh dòng sông Phước Giang đang lững lờ trôi...

Theo Đăng Sương (Báo Quảng Ngãi)

Du lịch, GO!