(AGO) - Di tích Văn hóa Óc Eo được tìm thấy trải dài ở các tỉnh Nam bộ, là nền văn hóa thuộc Vương quốc Phù Nam (từ thế kỷ thứ I - VII sau công nguyên). Di tích được phát hiện năm 1942, được Malleret (1901-1970, học giả người Pháp) khai quật lần đầu tiên vào năm 1944.

< Chùa Linh Sơn (chùa Phật Bốn Tay) dưới chân núi Ba Thê.

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,1ha, trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) là 143,9ha, cánh đồng Óc Eo (khu B) là 289,3ha.

< Di tích Gò Cây Thị B trong quần thể Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê.

< Những di vật của nền văn hóa Óc Eo.

Quần thể Khu di tích Óc Eo - Ba Thê có nhiều loại hình di tích phong phú, đa dạng. Theo nghiên cứu khảo cổ, vùng đất này trước đây nằm trên trục thủy đạo chính (Lung Lớn) lại gần bờ biển, có vị thế là trung tâm thương mại sầm uất.

< Mô hình MukhaLinga - Yoni, biểu tượng của thần Shiva, hiện vật tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo.

< Tham quan, tìm hiểu về di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Văn hóa Óc Eo.

Nơi đây còn có ngọn núi cao (núi Ba Thê ngày nay) cung cấp nguồn nước ngọt, nguyên liệu đá, cát cho xây dựng, nguyên liệu cho nghề kim hoàn…

< Hiện vật tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt, nhằm tôn vinh giá trị to lớn của 1 trong 3 nền văn hóa cổ Việt Nam là: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo.

< Tượng thần Vishnu (tượng Phật bốn tay) tại chùa Linh Sơn.

Những năm qua, tỉnh An Giang đã tiếp nhận 8.089 hiện vật do nhân dân hiến tặng và kiểm kê được 84 di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 - 2020, có trên 50.300 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn nền văn hóa độc đáo này.

Theo Thanh Hùng (Báo An Giang)

Du lịch, GO!