(TH) - Đỉnh núi Sáng cao 640m so với mặt nước biển gồm hàng chục ngọn núi to, nhỏ hợp thành một quần thể núi tạo thành một dãy gọi là dãy Sáng Sơn nằm ở địa phận 2 xã Đồng Quế và Lãng Công, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Trong khung cảnh hùng vĩ của dãy Sáng Sơn ngăn chia 2 huyện Lập Thạch và huyện Sông Lô ấy thì Thác Bay được đất trời ưu ái cho thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế (huyện Sông Lô).

Khu núi Sáng tiếp liền với di chỉ khảo cổ học thời tiền sử với trận chiến Thu - Đông ở ghềnh Khoang Bộ. Núi Sáng còn ẩn giấu trong thẳm sâu màu xanh cây lá và vẻ trầm mặc của một cảnh quan kỳ vĩ và rất ngoạn mục. Trong núi có rừng nguyên sinh, nhiều loại cây quý, hoa cỏ lạ. Trên núi Sáng có một cảnh đẹp vừa hùng vĩ vừa ngoạn mục đó là thác Bay.

< Dãy Sáng Sơn hùng vĩ và oai nghiêm nhìn từ phía xã Tân Lập, huyện Sông Lô.

Khi nhắc đến Thác Bay thì chỉ có những tay phượt, những khách nước ngoài ưa mạo hiểm, ưa khám phá mới gật gù 'biết' và khen 'hùng vĩ'.

Thác Bay là một hệ thống thác nước tự nhiên gồm 7-9 tầng, nằm ở ngọn núi Sáng thuộc dãy Sáng Sơn – có cha là dãy Ba Vì và mẹ là dãy Tam Đảo.

Đây là thác nước được tạo nên bởi một dòng suối chảy xuống từ đỉnh núi Sáng. Dòng chảy bao đời từ đất núi miên man đổ xuống đã tạo ra nhiều thác ghềnh. Cho đến lúc này, người dân trong vùng vẫn chưa xác định cụ thể có bao nhiêu ngọn thác trong hệ thống thác Bay. Lúc là bốn, có khi đến năm bảy ngọn, rồi có người dân bản địa lại khẳng định có tất cả chín bậc thác.

< Đây là đường đi từ xã Tân Lập, lối vào thác đã được trải bê tông.

Các thác nước nối nhau liên tiếp, càng lên cao, các bậc thác càng cao, tạo nên một cảnh trí ngoạn mục. Thác Bay là tên gọi của ngọn thác cao nhất và được coi là tên chung của cả hệ thống thác này.

< Ngay tại chân thác có một cái quán trông xe.

Lý giải cái tên “Thác Bay”, người dân trong vùng giải thích: “Do thác nằm trên đỉnh núi, nước thác từ trên cao dội xuống, trước khi va vào đá nước thác tung bọt thành những bụi nhỏ li ti lan tỏa như sương, như khói, nên được gọi là Thác Bay”. Riêng các cụ bô lão trong vùng kể lại: “Thác Bay là tên mới đặt, xưa gọi là thác Trống đánh quân reo vì tương truyền ông Nguỵ Đò Chiêm chiêu tập quân sỹ chống giặc phương Bắc”. 

Đến đây, du khách không chỉ được leo thác mà còn được ngắm phong cảnh trên đỉnh núi, sách Vân Đài loại ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn có ghi: "Núi Sáng là ngọn cao nhất trong dãy núi Lịch. Đỉnh núi có dăm sáu chỗ bằng phẳng như cung điện, có đền thờ Đế Thuấn". Ngày nay, những bãi ấy, người dân gọi quen gọi là bãi Bách Dung, tương truyền bãi này xưa kia là nơi tập trận, luyện võ của nghĩa quân Đề Thám trong thời kháng Pháp, đến nay còn lưu lại hang đá, dựa vào tích này mà người dân kính cẩn gọi là hang Đề Thám.

< Nhiều hồ nước, mát lạnh là dĩ nhiên rồi.

Ngay tại chân thác có một cái quán trông xe (giá 5.000đ/xe máy/ngày), kiêm nấu cơm cho các đoàn khách thám hiểm – giá dao động từ 350.000đ - 450.000đ một suất cho tầm 6 người. Bữa ăn có cơm, gà, thịt heo, canh cua, cá, đậu, rau,…

< Một trong rất nhiều tầng thác.

Có hai đường để lên Thác Bay, một đi từ xã Vân Trục và một từ xã Tân Lập. Đây là phía đi từ xã Tân Lập, đường vào thác đã được trải bê tông với hai bên là dãy Bạch Đàn xanh hút tầm mắt dưới nắng vàng, từ đường nhựa vào độ 2km là sẽ đến chân thác.

< Hồ Bò Lạc nằm dưới chân núi Sáng.

Đường đến đây sẽ qua hồ Bò Lạc - một hồ chứa nước được người dân địa phương xây dựng nên bằng trí tuệ, sức lao động và lòng quyết tâm cao hơn núi từ những năm 80 của thế kỷ trước.

< Một khe suối nhỏ và nước chảy xiết nên rất khó đi lại, bạn trẻ chọn cách vượt qua bằng cách đi trên những mỏm đá lớn.

Có 2 đường lên thác, một đường mòn (men theo suối), đường thứ 2 là đi trực tiếp dưới lòng thác. Trước khi vượt thác, bạn nên tháo giày, mặc áo phông, quần kaki, bỏ điện thoại hoặc máy ảnh vào túi nylon bởi đá ở đây rất trơn, có những chỗ nước sâu và chảy xiết. Việc sẩy chân ngã ướt hết người, trầy xước chân tay, điện thoại, máy ảnh dầm trong nước… là chuyện thường.

< Hố Quan Tài là nơi này.

Theo cách lội ngược theo dòng suối sẽ mạo hiểm và khó khăn hơn nhiều nhưng bù lại, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng núi, của thác nước từ một góc khác, hoang sơ, quyến rũ vô cùng. Suối ở đây có những hòn đá rất to như câu thơ của một lữ khách đã từng đến thăm: "Đường lên thác ghập ghềnh những đá/Suối chảy rì rào mát tận chân mây”. Bởi vậy, ngoài lương khô, nên mang theo ít bông gạc để băng bó vết thương khi không may bị ngã.

< Một bạn trẻ đang leo một vách núi cao tầm 10m để lên tầng thác thứ 5.

Trên đường lên đỉnh thác sẽ qua “Hố Quan Tài”, tên mà người địa phương thường gọi về hố nước rùng rợn này. Đây là một hố nước tự nhiên, do nước suối chảy lâu năm bào mòn mà thành. Điều đặc biệt là thiên nhiên đã vô cùng khéo léo tạo tác chiếc hố hình chữ nhật tựa như chiếc quan tài lớn, hơn nữa hố này rất sâu (tầm 3m), nước rất lạnh và thường sẫm màu hơn chỗ khác. Du khách đến đây, nếu đi một mình thì không nên tắm bởi đã có một số tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Nước thác ở đây chảy quanh năm, đặc biệt khi mưa xuống thì chảy rất xiết. Nên khi trời mưa, nếu có lỡ leo thác thì nên tìm chỗ cao ráo trú lại, đợi khi mưa tạnh rồi mới xuống sẽ an toàn hơn.

< Á à, một cô tiên xuất hiện à?

Núi Sáng có nguồn nước dồi dào tạo ra nhiều ghềnh thác, hồ nước đẹp và cung cấp nguồn thủy lợi, thủy sản. Những đoạn suối lớn là môi trường sống của nhiều loại thủy sản (cá bống, cá trê, cá rô, trạch chấu, tép, tôm, cua…). Những người đi núi thường câu cá nướng tại chỗ. Một bếp lửa, một bầu rượu, dăm ba xiên cá làm nên bữa tiệc cho những du khách yêu cuộc sống thiên nhiên.

< Thác Bay.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã cho đắp những dòng suối lớn tạo ra các con đập giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ du lịch sinh thái. Đó chính là hồ Bò Lạc ở phía Nam, hồ Suối Sải ở phía Bắc núi Sáng. Ngoài ra gần đó còn có khu sinh thái dã ngoại (vườn cò Hải Lựu), khu di tích văn hóa lịch sử (tháp Bình Sơn), địa danh lịch sử (ghềnh Khoan Bộ) và làng nghề chế tác đá Hải Lựu.

< Cách Thác Bay độ 1 km và nằm ngay cạnh Hồ Bò Lạc là Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức. Thiền viện vốn là tên gọi của chùa Kim Côn cổ (có tuổi đời 700 năm) trước khi được tôn tạo, được xây dựng trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, xung quanh ngôi chính điện của Thiền viện được 3 quả núi bao quanh giống như chiếc ngai vàng, từ ngôi chính điện này có thể nhìn thẳng ra sông Lô chảy cuồn cuộn song song với dãy Sáng Sơn.

Khách cũng có thể ghé thăm một số địa danh khác của huyện sông Lô như: Lát Mưa (X. Lãng Công), Tháp Bình Sơn (TT. Tam Sơn), Vườn cò Hải Lựu (X. Hải Lựu), Làng nghề chế tác đá Hải Lựu (X. Hải Lựu), Ghềnh Khoan Bộ (X. Phương Khoan).

Du lịch, GO! tổng hợp từ Thanh Niên, Petrotimes và nhiều nguồn khác.