(TH) -  Hòn Tro là một hòn đảo hình thành do hoạt động của núi lửa dưới biển ở phía nam đảo Phú Quý (cách bờ biển VN 130km, 10,16N-109,01E), ngoài khơi Nam Trung Bộ Việt Nam vào năm 1923. Hòn đảo núi lửa này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn sau đó biến mất trong lòng biển sâu. Hiện nay hòn Tro là bãi đá ngầm.

Hòn Tro (tiếng Pháp: île des Cendres, nghĩa là "đảo tro") là một hòn đảo mới hình thành vào năm 1923 ở phía nam đảo Phú Quý, ngoài khơi Nam Trung Bộ Việt Nam.

Đó là khoảng thời gian từ tháng 2- 3/1923, người dân địa phương thấy một cột khói lửa phun lên kèm theo những tiếng nổ vang trời ngoài khơi quần đảo Phú Quý. Sự kiện địa chất long trời lở đất này đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện một hòn đảo.

Các bô lão địa phương kể lại: Đêm 30 tháng chạp năm Nhâm Tuất, vào lúc dân trên đảo đang chuẩn bị đón giao thừa thì bổng nhiên nhà cửa bị rung chuyển làm nghiêng đổ các chân đèn trên bàn thờ. Các đợt rung chuyển mỗi lúc một mạnh thêm và tiếp tục mãi cho đến 2 tuần sau thì đột nhiên ngoài biển khơi phía tây nam xã Tam Thanh ngày nay có một cột khói đen dựng đứng phun lên mù mịt cả một vùng trời.

Vài ngày sau xuất hiện một cột lửa đỏ rực bốc lên cao và cũng chừng 5 ngày sau nữa khi cột lửa từ từ hạ xuống và tắt hẳn thì dân làng thấy một hòn đảo nhỏ nhô lên khỏi mặt nước cao độ vài chục mét.

Hòn này hình tròn với đường kính khoảng 40m, trên mặt có cát trắng và xung quanh có những cạnh đá bậc thang thoai thoải, hơi nước vẫn bốc nghi ngút. Sau vài tháng kể từ ngày có hiện tượng lạ đó, hòn này bị chìm dần xuống mặt nước  và hình thành nên một bãi đá ngầm dài 700m và rộng gần 500m.

Trùng với lời kể của các bô lão địa phương: Ngày 2/3/1923, tàu chạy bằng hơi nước Wakasa-maru của Nhật đi từ Hồng Kông đến Singapore nhìn thấy ngoài khơi bờ biển Đông Dương ở vị trí 100 10’ Bắc và 1090 Đông, phía nam đảo Phú Quý, một cột khói mà thuyền trưởng Horikawa và các thủy thủ nghĩ là một vụ cháy tàu.

Thuyền trưởng Horikawa cho thay đổi hướng đi của tàu với dự định tiếp cứu thủy thủ đoàn chiếc tàu lâm nạn. Đến gần hơn, họ nhận ra đó là một vụ phún xuất hỏa sơn. Cột hơi nước và khí lên cao đến 2.000 m với những tiếng nổ mạnh phát ra từng đợt.

Ngày 8/3, chiếc tàu Carlisle của Anh đi trinh sát, phát hiện ở chính tọa độ trên một đảo núi lửa nhỏ dài 450 m và cao 30 m. Ngày 8/3 năm đó, quá trình phun trào núi lửa đã xảy ra, nhưng yếu ớt. Ngày 15/3/1923, núi lửa tạm ngừng phun để đến 20/3/1923 nó phun trở lại lần cuối. Kết quả đợt phun trào ấy là sự hình thành của một hòn đảo từ tro bụi núi lửa. Lúc ấy dân đánh cá gọi là Hòn Tro.

Ngày 13/3, đoàn khảo sát thủy văn của Pháp ở Đông Dương nhận được lệnh yêu cầu thực hiện một cuộc thám sát hòn đảo mới. Các kết quả của cuộc thám sát, kèm theo một bản đồ... sẽ được trình cho Viện hàn lâm khoa học Pháp thời bấy giờ.

Một cuộc đổ bộ lên đảo được thực hiện ngày 17/3. Đảo được hình thành bởi một đống mảnh vụn của một chất màu đen có lỗ rất nhẹ - hiển nhiên là tro núi lửa; và do đó đảo được gọi là Hòn Tro. Những khối đặc sít hơn được tìm thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đỉnh. Khối lớn nhất cao 0,75 m và có bề ngang 0,5 m. Đảo có hình móng ngựa hay trăng lưỡi liềm mà hai sừng bị cắt gọt thành vách đứng cho thấy một sự sụp đổ đã xảy ra. Tổng thể này vả lại ít rắn chắc và không chịu đựng được sóng biển.

Miệng hố từ đó thoát ra tro và hơi nước nằm ở phía bắc đảo. Các thăm dò độ sâu cho thấy đảo nhỏ này rất dốc. Cách xa bờ 150 m, độ sâu đã ngoài 30 m. Cách xa bờ 1km, độ sâu là 100m.

Trước đợt hoạt động của núi lửa Hòn Tro, ngày 8/2/1923, tàu của hải quân Hoàng gia Anh khi đi qua vùng này còn phát hiện thêm một hòn đảo khác với chiều dài 30,5 m, cao 0,3 m, cách Hòn Tro 3,7 km cũng đã phun lửa cao 12 m, xung quanh nước xoáy rất mạnh. 

Ba tháng sau Hòn Tro biến mất. Các nhà khoa học cho rằng Hòn Tro có thể đã bị sóng gió đánh tan, do nó hình thành từ những sản phẩm núi lửa chưa được cố kết chặt chẽ. Vì thế đã gọi Hòn Tro là “hòn đảo phù du”. Ngày nay, Hòn Tro chỉ còn trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học.

Hòn Tro nay không còn và trở thành bãi đá ngầm, tuy nhiên một số nhà khoa học lo ngại hoạt động núi lửa ở Nam Trung Bộ vẫn có thể xuất hiện, đặc biệt là khu vực Hòn Tro. Do đó, việc thiết lập một trạm quan sát địa chấn ở đảo Phú Quý sát với cụm núi lửa Hòn Tro nhằm theo dõi và dự báo sự xuất hiện của chúng qua những chấn động nhỏ trước khi phun là cần thiết.

Các nghiên cứu cho biết thêm: Ngoài khơi Việt Nam vào năm 608, núi lửa hoạt động mạnh, khi nguội lại tạo thành những đảo núi lửa. Đảo Phú Quý (Poulo Cecir) nằm cách bờ biển Bình Thuận khoảng 120 km về phía đông, không phải là một đảo núi lửa. Hòn Tro (Ile des Cendres) sẽ được giới thiệu sau đây, là một núi lửa ngầm với đỉnh của nó nằm dưới mặt biển 20 m. Veteran cũng là một núi lửa ngầm chưa biết rõ độ sâu. Hai núi lửa này nằm trong nhóm đảo Catwick, cách đảo Phú Quý khoảng 50 km về phía nam.

Dulịch, GO! tổng hợp