(TH) - Bãi đá cổ Karang có diện tích koảng 57.760m², phân bố tại khu giáp ranh giữa xã Phước Hải và thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách làng đồng bào người Chăm ở Mỹ Nghiệp hơn 1km. 

Nằm cách quốc lộ 1A khoảng 4km và cách làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân) chừng hơn 1km là bãi đá san hô cổ rộng lớn và hoang sơ. Người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp gọi đây là bãi đá cổ Karang, nghĩa là bãi san hô cổ có từ lâu đời gắn liền với đời sống của người Chăm Ninh Thuận.

Vùng lõi của bãi đá cổ Karang trải rộng trên diện tích khoảng 4 - 5ha, với hàng nghìn tảng đá lớn, nhỏ hình thù độc đáo, kỳ lạ. Ở đây, người ta có thể bắt gặp loài cỏ thỏ kỳ lạ phủ đầy trên san hô cổ, có thể bắt gặp những cây hoa bằng lăng mọc xen giữa những bụi xương rồng. Không gian hoang sơ và bình yên như thế đã gắn với ký ức tuổi thơ của bao người lớn lên từ ngôi làng cổ Mỹ Nghiệp.

Với những ai đam mê nhiếp ảnh, bãi san hô cổ mang đến cảm giác thật đặc biệt. Rừng san hô trên cạn với những tảng san hô đã bị phong hóa có nhiều hình thù khác nhau như khiến cho nơi này trở nên huyền bí và đầy mê hoặc. Và đó là một thứ cảm giác mê hoặc như đến từ miền cổ tích kỳ ảo.

Nhiều người cho rằng, để hình thành bãi san hô cổ trên cạn rộng lớn này, đòi hỏi quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm.

Trải qua bao năm tháng, dù nơi đây vẫn là một ẩn số kỳ diệu mà chưa ai có thể giải mã, nhưng dấu vết của một không gian từng được biển ôm lấy thì vẫn có thể nhận biết ngay trên khuôn mặt thô ráp, sậm màu của san hô.

Trong khi đó, các bậc cao niên ở làng Mỹ Nghiệp kể rằng, ngày xưa nơi đây là bờ biển, ở đó có một làng Chăm sinh sống. Hàng năm khi trời trở gió nam, cũng là lúc cộng đồng Chăm tổ chức lễ Rija Nâgar, được gọi là lễ hội đầu năm.

Theo tục lệ, dân làng đều tựu về và mang theo nhiều sản vật đến bày biện tươm tất tại nơi làm lễ.Trong khi tiếng trống Paranưng, tiếng trống Ginang rộn ràng, ông Bóng, bà Bóng đang múa thay mặt dân làng giao tiếp với thần linh để cầu phúc, cầu mưa và cầu cho một năm mới mọi sự tốt lành thìbỗng đâu có một miệng núi lửa phun trào trùm lên nơi đang hành lễ.

Sau đó, tất cả người trong làng đang làm lễ cúng trong lễ Rija Nâgar đã hóa đá san hô và hình thành nên những hình hài, với các tư thế như lúc đang hành lễ.

Dòng chảy thời gian đã đi qua nơi này. Dòng chảy đã khiến bãi san hô tách dần khỏi biển và trở thành di sản đặc biệt. Để rồi di sản ấy vẫn đang song hành cuộc sống của người Chăm hôm nay, trong ngôi làng Mỹ Nghiệp cũng lâu đời và còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá.

Bãi đá cổ này là một trong những địa điểm có cảnh quan độc đáo, còn khá hoang sơ, có tiềm năng khai thác hoạt động tham quan, du lịch và xây dựng công viên địa chất phục vụ nghiên cứu khoa học.

Thời gian gần đây, sau khi được người dân đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, bãi đá cổ Karang đã thu hút nhiều người đến tham quan và nghiên cứu. 

< Khai thác cát trái phép xâm hại bãi đá cổ Karang.

Tuy nhiên, đây cũng là lúc một số người dân ở địa phương bắt đầu chú ý đến giá trị của bãi san hô cổ nên đã tổ chức san ủi lấn chiếm mặt bằng, xâm hại nghiêm trọng.

< Bãi đá cổ Karang bị đào phá, san ủi nghiêm trọng.

Tại hiện trường chiều 16/3, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm tảng đá cổ bị xe ủi, xe múc đào xới làm vỡ nát nằm lăn lóc khắp bãi đá cổ.

Cách đó không xa, một mỏ cát khai thác trái phép đang hoạt động, xe múc khoét sâu xâm hại đến bãi đá cổ. Một số hộ dân sống gần bãi đá cổ cho biết, họ nghe tin sắp tới bãi san hô cổ sẽ làm du lịch, đất sẽ có giá nên họ sẽ bán khi Nhà nước hỏi mua.

Để bảo tồn và khai thác hiệu quả bãi đá cổ Karang, UBND tỉnh Ninh Thuận giao cho UBND huyện Ninh Phước triển khai các biện pháp quản lý đất đai, khoáng sản, không để người dân san ủi lấn chiếm để sản xuất, khai thác đất đá làm biến đổi hiện trạng, môi trường sinh thái; tiến hành đo đạc, xác lập bản đồ ranh giới tổng thể để khoanh vùng bảo vệ.

Theo Báo Pháp Luật, CAND và nhiều nguồn ảnh khác

Du lịch, GO!