(TNO) - Xa lộ Biên Hòa xưa (nay là xa lộ Hà Nội) thẳng tắp cho những làn xe vào Nam, ra Bắc hoặc từ TP.HCM đi miền Đông Nam Bộ, nhưng ít ai biết, đằng sau huyết mạch lưu thông này có nhiều câu chuyện khá bí ẩn.

< Biển báo giao thông trên xa lộ Biên Hòa xưa.

Xa lộ Biên Hòa lúc mới xây dựng có chiều dài 30 km chạy dài từ Sài Gòn lên Biên Hòa, vì thế mới có tên gọi là xa lộ Biên Hòa. Công trình nổi tiếng tới giờ được khởi công xây dựng chính thức từ năm 1959 và hoàn thành vào năm 1961. Ngày 10.10.1984, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Hà Nội, xa lộ Biên Hòa được đổi tên thành xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều người vẫn nhớ đến cái tên cũ xa lộ Biên Hòa.

< "Đêm nay xa lộ Biên Hòa /Dạy em tập lái vespa một mình…" - hai câu thơ của một thi sĩ lãng mạn viết về xa lộ Biên Hòa thời đó.

Câu chuyện về sự ra đời của Xa lộ Biên Hòa (xa lộ Hà Nội) từng gây ra nhiều bàn tán trong dân chúng vào thời đó, đã được nhà giáo - họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười) kể khá chi tiết trong sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975 (NXB Mỹ thuật ấn hành) rất thú vị.

Đầu tiên là do… chất lượng của công trình quá tốt nên dân chúng tò mò. Sách đã dẫn cho biết: "Xa lộ Biên Hòa làm rất phẳng phiu. Từ trước đến khi khánh thành, ở miền Nam chưa có con đường nào rộng và phẳng phiu đến thế. Những người đầu tiên chạy xe trên xa lộ Biên Hòa về kể lại xe chạy êm như ru, khiến cho người nghe càng nao nức muốn thử đi cho biết.

< Xa lộ Biên Hòa năm 1970.

Lý do là xa lộ này làm theo kỹ thuật mới, khác với cách làm đường kiểu cũ thời Pháp là đổ đá dăm/răm lên mặt đường rồi xe chở nhựa đường đổ xuống từng chỗ, sau đó cho xe hủ lô cán cho đều ra. Vì đổ nhựa từng chỗ một nên mặt đường không thể nào bằng phẳng bằng mặt đường đổ bằng máy có chiều ngang rộng và đổ nhựa cùng lúc”….

Kiến trúc và phối cảnh hai bên đường cũng là câu chuyện khiến cho con đường “nổi như cồn” thời điểm đó khi người dân miền Nam lần đầu chứng kiến đèn cao áp thủy ngân được gắn hoành tráng ở xa lộ Biên Hòa. “Ban đêm chạy xe đèn cao áp thủy ngân chiếu sáng trưng nhìn rõ con đường chứ không tù mù như những ngọn đèn vàng trong thành phố Sài Gòn gắn từ thời Pháp.

< Một số tem bưu chính và bì thư phát hành nhân dịp khánh thành xa lộ Biên Hòa.

Lại thêm không có ai bật đèn mà cứ chiều tối chạng vạng là đèn bật lên. Có người hiểu biết giải thích rằng, đó là vì các ngọn đèn có gắn bộ cảm ứng với ánh sáng. Khi ánh sáng xuống thấp tới một mức nào đó thì bộ cảm ứng ra lệnh cho đèn bật lên (?). Khi trời bắt đầu sáng thì đèn tự động tắt đi”, ông Huỳnh Văn Mười kể lại. Thực sự với thời bây giờ thì điều này bình thường nhưng ở thời điểm khi ấy thì còn lạ lẫm với dân chúng.

< Cầu Sàigòn xưa.

Còn một lý do khiến xa lộ Biên Hòa quá nổi tiếng là nhờ xa lộ có cây cầu thật dài. Sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975 tiết lộ thêm, rằng: “Chiều dài của cầu gần trên 986 m. Chiếc cầu này được làm với kỹ thuật mới nên cũng khác hẳn với những cây cầu bằng sắt, lót ván của thời đó mà mỗi khi xe đi qua phải chạy chậm lại vì cầu hẹp và kêu lọc cọc. Với chiếc cầu mới, mặt cầu đổ bê tông như mặt xa lộ nên xe chạy không phải lo giảm tốc độ nữa. Trên mặt cầu cách quãng lại có khoảng nối với đầu nối bằng sắt để khi khí hậu thay đổi thì khoảng bê tông có điều kiện giãn nở để không làm nứt cầu…”.

< Xa lộ Biên Hòa được bắt đầu từ ngã tư Hàng Sanh (hay Hàng Xanh hiện nay).

Vì con đường quá rộng lớn, thẳng tắp, lại chạy qua khu vực hai bên toàn ruộng lúa không có nhiều cư dân sinh sống, chỉ đến Biên Hòa rồi đột ngột dừng lại nên dư luận thắc mắc, tha hồ bàn tán rồi cũng tự dân chúng khi đó suy đoán là người Mỹ làm xa lộ Biên Hòa phẳng phiu như thế chắc để cho phi cơ đáp xuống, phòng khi sân bay Tân Sơn Nhất bị phá hủy.

Vậy có phải Mỹ thực sự muốn làm xa lộ Biên Hòa để phục vụ cho mục đích quân sự và có ý đồ chiếm đóng lâu dài tại miền Nam? Thực hư câu chuyện này ra sao?

< Ngã tư Thủ Đức trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa (đường nằm ngang) khi vừa mới xây dựng, Sài Gòn năm 1961. Bên trái là hướng đi Biên Hòa, bên phải là đi Sài Gòn.

Với chiều dài lúc khánh thành là 30 km, Xa lộ Biên Hòa chạy từ Sài Gòn tới Biên Hòa là công trình giao thông nổi tiếng thời đó, với nhiều ưu điểm và hiện đại bậc nhất nên nhiều câu chuyện thực hư cứ thế thêu dệt?

Khởi công từ 1959 đến 1961 thì hoàn thành, Xa lộ Biên Hòa do hãng thầu lớn nhất của tư bản Mỹ ở miền Nam là hãng thầu RMK – BRJ thi công. Hãng thầu này hồi đó được độc quyền xây dựng các công trình quân sự cho Mỹ (với trên 100 công trình) nên có thuê mướn tầm 40.000 công nhân, trong đó có những lực lượng lao động đến từ các nước phụ thuộc Mỹ đến làm việc.

< Công trình hình tháp cao là tháp điều áp của nhà máy nước Thủ Đức năm 1971, ngày nay vẫn còn.

Trong cuốn sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975 (NXB Mỹ thuật ấn hành) nhà giáo - họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM kể về công trình này như sau: “Theo kế hoạch, chính phủ Việt Nam Cộng hòa sẽ thành lập khu công nghiệp tại vùng Biên Hòa. Còn vùng Sài Gòn là trung tâm thương mại và khu dân cư sẽ tiêu thụ hàng hóa sản xuất từ khu công nghiệp này. Đối với những người sống tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Biên Hòa sẽ có con đường cao tốc đi lại cho nhanh. Dự định đó ngày nay nhìn đã thấy rõ là nhiều người sống tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Đồng Nai vẫn di chuyển trên xa lộ Hà Nội mỗi ngày và nhà cửa hai bên xa lộ Hà Nội ngày càng xây san sát...”.

< Bưởi người dân mang ra bán trên Xa lộ Biên Hòa.

Theo sách đã dẫn cho biết: “Cách thức phát triển mới thì việc làm hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống trước rồi sau đó các nhà máy, hãng xưởng mới mở ra là hợp quy luật. Vì thế, lúc đầu chỉ làm xa lộ thôi, còn các hãng xưởng sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp Biên Hòa khi các chủ hãng thấy có đường xá lưu thông thuận lợi. Đến năm 1975 xa lộ Biên Hòa làm đúng chức năng mà những nhà qui hoạch trước đó đã dự định: Có nhiều hãng xưởng mở ở khu công nghiệp Biên Hòa. Hàng ngày, nhiều công nhân tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Biên Hòa được xe buýt của công ty chở đi...

< Nhà máy nước nằm cạnh xa lộ Biên Hòa xưa.

Các công nhân tụ tập tại một số điểm ở Sài Gòn, xe buýt ghé đón và chở đi Biên Hòa. Chiều xe buýt lại chở công nhân về thả ở các điểm tụ tập”.

Đến cuối thập niên 1960 đầu 1970, phía Nam lại tiếp tục có Xa lộ Vòng Đai được xây dựng, sở dĩ người ta gọi là Xa lộ Vòng Đai vì xa lộ không nối liền hai TP mà chỉ chạy chung quanh TP Sài Gòn, công trình do công binh của Nam Hàn xây dựng nên còn được gọi Xa lộ Đại Hàn.

< Một đoạn Xa lộ Vòng Đai (hay Xa lộ Đại Hàn) xưa.

Chuyện thêu dệt râm ran thời đó, ngoài việc nói Mỹ làm đường xa lộ Biên Hòa để phục vụ cho quân sự là Mỹ có ý chiếm đóng lâu dài tại miền Nam hoặc làm phi đạo để máy báy đáp xuống nếu Tân Sơn Nhất gặp sự cố, thì vẫn còn có những ý kiến khác nữa.

Ông Huỳnh Văn Mười tiết lộ: “Khi Xa lộ Biên Hòa hoàn thành, có người cũng cho rằng xa lộ này để chuyển quân cho nhanh hoặc xa lộ vành đai để phòng thủ Sài Gòn. Có những người từng đi Pháp, trước đây giải thích Xa lộ Biên Hòa là để nối với Khu công nghiệp thì không hiểu là Xa lộ Vòng Đai này để làm gì vì chẳng nối với khu công nghiệp nào cả nên lại thắc mắc tiếp.


Còn người đi du học Mỹ về thì giải thích đây là cách xây Xa lộ Vòng Đai như các TP bên Mỹ. Dĩ nhiên trong thời chiến thì Xa lộ Vòng Đai sẽ giúp cho việc di chuyển của quân đội dễ dàng hơn vì không phải xuyên qua TP đông đúc nhưng tới thời bình, Xa lộ Vòng Đai sẽ nằm trong toàn bộ hệ thống xa lộ nối liền các TP khi có nhiều xa lộ khác tiếp tục làm thêm”.

Từ những lập luận và kiến thức của một nhà nghiên cứu, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM kết luận: “Nếu nhìn vào thời điểm Xa lộ Biên Hòa được xây dựng năm 1959 thì có thể thấy mục đích của con đường không phải là để phục vụ chiến tranh. Người có kiến thức về cách xây dựng một quốc gia công nghiệp thì xem người Mỹ đang giúp cho miền Nam công nghiệp hóa. Do đó, cũng là một con đường mà Xa lộ Biên Hòa với kiến thức khác nhau, người ta có thể gán cho nó những mục đích khác nhau, từ đó có các thái độ khác nhau với con người làm ra công trình đó”.

Theo Lê Công Sơn (Thanh Niên)

Du lịch, GO!