(TH) - Ngoài là điểm du lịch dã ngoại, “trốn nắng" trong những ngày hè cực kỳ lý tưởng, Mũi Si (Quảng Trị) còn có công trình hầm địa đạo độc đáo...

< Bãi đá rêu xanh thơ mộng ở Mũi Si.

Mũi Si là dải đất bằng phẳng khá rộng nhô ra biển, tọa lạc đoạn giữa cung đường chạy ven biển từ “nữ hoàng bãi tắm” Cửa Tùng ra địa đạo Vinh Mốc (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Đặc biệt, ngoài những rặng phi lao cao vút trên dải đất hình tam giác nhô ra cao hơn mặt biển chừng 30m, dưới chân Mũi Si là bãi biển hoang sơ cùng bãi đá tuyệt đẹp… Mũi Si đang trở thành địa chỉ được nhiều gia đình, du khách chọn là điểm trốn nắng trong những ngày hè nắng như đổ lửa này ở Quảng Trị.

Mũi Si nằm trên cung đường ven biển từ bãi tắm Cửa Việt - bãi tắm Cửa Tùng và Trạm đèn biển Cửa Tùng - địa đạo Vinh Mộc - Mũi Lay và Hải đăng Mũi Lay - Mũi Trèo và cách đảo Cồn Cỏ 30km… đường chim bay. Đồng thời, Mũi Si nằm ngay bên QL9D, rất thuận tiện cho những chuyến du lịch dã ngoại, đặc biệt là ngày nghỉ cuối tuần.

Từ dải đất nhô ra biển tuyệt đẹp này, đi theo con đường mòn nhỏ xuống khoảng 30m, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh hữu tình nơi đây.

Ngay bên bãi biển hoang sơ, chân núi Mũi Si như được tạo hóa tạc dựng những tác phẩm điêu khắc hiếm có. Những mỏn đá nối đuôi nhau với những hàng rêu xanh ngát sau một mùa đông dài không nhiều người đến đây. Tất cả còn mang chút gì đó vô cùng hoang sơ và mang đậu màu của biển từ những con thuyền, những hàng phi lao xanh ngát hay làn da mặn mòi cùng nụ cười hiền hậu của người dân.

< Địa đạo Mũi Si.

Cũng tại dải đất bazan nhô ra biển tuyệt đẹp này, du khách còn ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng địa đạo Mũi Si - một trong những công trình địa đạo đã được quân và dân xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh kỳ công đào để trú ẩn, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Địa đạo Mũi Si dài khoảng 200m, gồm 3 cửa ra vào và 1 cửa thông hơi hướng ra biển. Đây cũng là một trong những địa đạo độc đáo nằm trong hệ thống địa đạo Vinh Mốc và làng hầm Vĩnh Linh.

< Trên đỉnh Mũi Lay.

Men theo đường biển thêm 2 km nữa tới địa phận xã Vịnh Mốc là nới có địa đạo Vịnh Mốc nổi tiếng, khách có thể đi thẳng đến Mũi Lai. Nằm cách T.P Đông Hà khoảng 30km về phía Bắc, vùng Mũi Lai (hay còn gọi mũi Lay) - Hồ Xá với diện tích khoảng 250km2 thuộc phần phía Đông huyện Vĩnh Linh. Trong một không gian không lớn lắm, vùng Mũi Lạy-Hồ Xá tập trung nhiều dạng địa hình đặc sắc ít nơi nào ở Việt hội tụ đủ.

Tại đây du khách như lạc vào một thế giới đường hầm lộ thiên với các mương xói dạng toả tia điển hình như trong sách giáo khoa cắt vào bề mặt vòm basalt và khối cát vàng đỏ với chiều sâu 4-5m, rộng 2-3m kéo dài cả kilomet từ đỉnh xuống chân vòm.

< Hải đăng Mũi Lay.

Nằm ở đầu mỏm phía Đông Bắc mũi Lai là ngọn hải đăng Mũi Lai. Chiều cao toàn bộ là 37,9m, chiều cao tâm sáng là 37,5m, chiều cao công trình là 12,5m (tính đến nền móng công trình), chiều rộng trung bình là 3,2m (đối với tháp đèn).

Được đưa vào hoạt động năm 1976, ngọn đèn này có tác dụng báo vị trí mũi Lai, đèn ven biển, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Bình - Quảng Trị định hướng và định vị.

Rời mũi Lai, khách sẽ ghé thăm mũi Trèo. Mũi Trèo tọa lạc ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, đây là địa điểm khá mới mẻ không chỉ với du khách tứ phương mà ngay cả với những người dân bản xứ.

Mũi Trèo khá cao so với mực nước biển, từ trên mũi nhìn xuống mới cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ của tạo hóa. Đứng đây, ta có cảm giác mình đã bỏ lỡ nhiều thứ kì diệu của cuộc sống được thiên nhiên ban tặng. Tránh xa với cuộc sống xô bồ, tấp nập của các thành thị lớn, du khách sẽ ngạc nhiên với cảnh núi cao hùng vĩ, phía dưới là đại dương mênh mông bất tận. Vì thế, việc tạo dáng để lưu lại những bộ ảnh cưới nơi đây là điều không nên bỏ lỡ.

Du lịch, GO! tổng hợp