(ĐGD) - Mình định đăng bài cùng tên về làng Hành Lạc, chợt tìm thấy bài ni hay hay nên đưa vào thay thế, cũng chỉ là Hành Lạc thôi nhưng thật ra tác giả muốn vào làng Nôm... nhưng đường xá đưa đẩy... lại lạc vào ni. Mời các bạn xem...

< Cổng làng Hành Lạc.

(VĐD) - Chuyến đi năm nay xui xẻo, ngày đầu đến Hà Nội bị mất cái túi vải, trong có thuốc men, thức ăn khô trù bị cho hai tuần. Lịch trình đi thành cổ Sơn Tây, quần thể di tích làng Vạn Phúc sau đó về Hưng Yên thăm làng Nôm, tìm đền Phù Ủng (thờ Phạm Ngũ Lão) rồi vào Tràng An Ninh Bình. Với thời gian hai tuần có thể về Thanh Hóa thăm suối “cá thần” và nhiều điểm đã ghi dài dài vào Huế...

< Chợ Như Quỳnh.

Do chuyện không may, lịch trình phải thu gọn, phải tăng vận tốc di chuyển. Sau khi thăm quần thể di tích Vạn Phúc, theo Quốc Lộ 5 tôi chạy thẳng về Hưng Yên. Tài liệu chỉ dẫn Làng Nôm cách Hà Nội chừng 30 km, thực tế không phải vậy. Tính theo kim kilometer, về đến làng Nôm khoảng đường xa gấp đôi.

Lúc qua cầu Như Quỳnh, thấy tên huyện Văn Lâm, tôi dừng xe nhìn xuống chợ Như Quỳnh, ngôi chợ xép làng quê, chừng hơn chục chiếc dù bạc mốc dựng quanh khu đất rộng không quá 15 m mỗi bề. Chợ bán toàn hoa quả: Nho quít, dưa bưởi, cam cốc... Tôi chợt nhớ hải ngoại có ca sĩ Như Quỳnh, hẳn là ca sĩ ra đời sau thị trấn, liệu hai tên có liên quan?

< Về Văn Lâm.

Xuống hết dốc cầu, hỏi đường đi làng Nôm, một bác già bảo, “Ông chạy ngược lại qua cầu rẽ phải, rồi cứ xuôi theo đường tàu sẽ thấy bảng chùa Nôm.” Không biết còn bao xa, đường bộ và đường tàu song song cách nhau chừng mươi mét. Chạy đã khá lâu mà chẳng thấy làng Nôm, lại gặp một làng có tên thật khó nói, tên làng thuộc xóm Bình Khang: Làng Hành Lạc.

Tôi dừng xe, vào một quán nước bên đường, có ý muốn tìm hiểu “sinh hoạt” thực hư của làng này ra sao. Làm gì có chuyện khơi khơi ngoài luật pháp. Trong Nam cũng thường có những tên địa danh tiếu lâm như cầu Rạch Chim, cầu Xẻ Bướm, nghe là muốn cười. Nhưng, “Hành Lạc” thì tượng hình sỗ sàng quá đáng, chẳng lẽ cả làng “đứng đường” về đêm!

Cô hàng quán đưa ra cho tôi chai nước, cười mím chi, tôi toan đặt câu hỏi nhưng may ngăn kịp, ai lại đi hỏi một cô gái trẻ đẹp chuyện lạ đời như vậy. Ngay lúc đó có một cụ ông dáng còn khỏe bước vào, chờ cụ ngồi bàn kêu món xong, tôi xin lỗi cụ, nói ngay thắc mắc của mình. Ông cụ cười vui vẻ:

- Không riêng gì ông, ai đến làng này lần đầu cũng đặt câu hỏi như thế.

Tôi chăm chú hướng về ông già chờ câu giải thích. Ông lại nhẩn nha nhắm cà phê, chưa lên tiếng. Sốt ruột tôi vờ tằng hắng (nhắc cụ).

- Chuyện là thế này...

Ông lại nhấp cafe chưa chịu nói.

- Dạ thưa bác, chuyện thế nào ạ?

- Chuyện có vẻ cổ tích, tên làng đã nhiều lần thay đổi. Hành Lạc trước vốn là bãi bồi sông Hồng, hồi đó có bốn họ Nguyễn, Vũ, Ngô, Trần về đây lập nghiệp rồi đặt tên là trang Bình Lạc (an bình lạc đạo). Về sau lại đổi tên Hòa Lạc, nghĩa là bốn họ cùng vui chung. Đến giai đoạn kháng chiến, có lệnh phải đổi tên làng nên các cụ đã đổi ra Hành Lạc. Hành Lạc theo ý các cụ là “đi trên đường vui.”(1)

Thì ra thế, tôi hiểu nhưng lại muốn hỏi ý ông cụ nghĩ sao về nguyên nghĩa của “hành lạc”. Vừa lúc ông cụ quay qua hỏi tôi:

- Thế ông có biết tục đặt tên con trai con gái của làng này?

< Nhà thờ Họ.

- Dạ tôi mới đến lần đầu cũng chưa kịp tìm hiểu, xin bác giảng cho.

Làng này có lệ con đẻ ra, trai là tên “Cò”, gái tên “Đĩ”.

- Sao lạ vậy bác, như vậy con trai cả làng đều tên Cò?

- Không, Cò là để phân biệt trai gái, đứa trẻ vẫn có tên riêng. Chẳng hạn tên Dũng, tên Xuân... nhưng lúc gọi, bố mẹ đều thêm Cò vào: Cò Xuân, Cò Dũng... Con gái thì Đĩ Lớn, Đĩ Bé, Đĩ Thơm... Ấy là do ông bà xưa kia cứ nghĩ đặt tên xấu cho dễ nuôi, khỏi bị ma bắt.

- Hay nhỉ.

- Nhưng không phải ai muốn gọi người khác là “Cò” cũng được đâu, phải ở vai trên hoặc chí ít cũng bằng vai phải lứa. Có một cô mẫu giáo về nhận công tác ở trường mới trong làng Hành Lạc, đến giờ đón cháu, các bà, các mẹ cứ ới ới gọi: “Cô cho tôi đón cò Dân,” rồi “Cò Luân ơi cháu ra bà ẵm,” cô giáo cứ ngẩn tò te chẳng hiểu gì.

< Cầu đá.

Bây giờ đã thay đổi, chỉ còn số ít các cụ, con trai đã đỗ kỹ sư tiến sĩ, đã có gia đình mà vẫn “Cò Luân tiến sĩ đâu.”

Hiểu được đôi điều về làng Hành Lạc, tôi cảm ơn ông cụ rồi tiếp tục đi làng Nôm. Vẫn con đường ô tô song song với đường sắt, xe không mấy sảng, trên đường không thấy bảng báo làng Nôm. Chừng mười cây số mới gặp bảng chỉ chùa Nôm theo một con đường nhựa rẽ trái qua cánh đồng lúa xanh, làng mạc xa tít mờ mờ nơi chân trời.

Vào đến đầu làng đã nom thấy cổng làng không xưa lắm, bốn trụ vuông trên vòm cổng đắp đại tự ba chữ, một chữ bên trái đã bị bong mất, hỏi ra đó là: “Đồng Cầu Nôm.” Theo sử liệu thì làng đã có từ 200 năm, thời đầu của triều nhà Nguyễn. Hiện nay làng có trên dưới 150 gia đình. Trước đây, người dân trong làng có nghề buôn đồng nát. Bà con ở đây đi mua đồng nát về bán lại cho các lò đúc đồng ở địa phương và các vùng lân cận.

< Cổng nhà.

Qua cổng làng, tôi rất đỗi ngạc nhiên, trước mặt là một khung cảnh hữu tình ít thấy. Con đường lát gạch đỏ chạy quanh một hồ nước rộng từ đầu đến cuối làng. Hồ nước trong xanh không rác rến như những nơi khác. Dọc đường làng là những ngôi nhà xưa, cổng cổ. Một số nhà đã xây cất lại theo bây giờ nhưng vẫn giữ nguyên chiếc cổng từ lâu đời.

Ngắm toàn cảnh một lúc, tôi đi dần vào cánh trái của làng, chầm chậm qua từng nhà, êm đềm vắng lặng như mặt nước hồ giữa làng. Một ông lão đang thẩn thơ bên đường, cho biết thêm về lai lịch làng Nôm: “Ngày xưa là làng Thông, sau đổi thành Đại Đồng, bây giờ làng Nôm do có chùa Nôm, ngôi chùa cổ nổi tiếng của làng.”(2)

Con đường cuối làng chạy vòng qua bờ bên phải, nơi đây có đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng. Trước sân đình, có hồ nước rộng thả hoa súng đỏ, bên hồ có cây đa cổ thụ, rễ phụ từ trên cao rủ xuống không biết từ bao giờ, có lẽ đã mấy mươi năm, nay thêm hai gốc phụ ăn sâu dưới hồ. Cạnh đình có những nhà thờ họ còn giữ nguyên dáng cổ nguyên thủy, tường vách mốc rêu sứt mẻ, khơi gợi tìnhh hoài hương, người đi xa về không khỏi cảm động.

Đình tuy không lớn nhưng ngoại cảnh của đình nhiều hạng mục độc đáo: cầu đá ra nhà thủy tạ lục giác mái hai tầng, các chuôi mái đều đắp rồng uốn thanh nhã. Cầu hoàn toàn bằng đá, mặt cầu, trụ cầu, đà ngang đều bằng đá và công phu chạm khắc trang trí rất mỹ thuật.

Ngày 11 tháng giêng - ngày mở đầu lễ hội hàng năm của làng. Tiếng chiêng trống, bát âm nổi lên rộn rã, lan rất xa. Từ ngày hôm trước, ngôi làng nhỏ bé đã bắt đầu xôn xao lễ “Bao sái”- lễ rước nước từ giếng đá chùa về đình để các bô lão “tắm rửa” cho Thánh; bởi những người con của làng làm ăn, lập nghiệp xa quê đã bắt đầu trở về.

< Hồ nước trước đình làng.

Đúng 8 giờ sáng 11 tháng giêng, đám rước hội bắt đầu xuất phát từ đình. Không rõ năm dựng đình nhưng các cụ cao niên vẫn nhớ lần trùng tu lớn cách đây chừng trăm năm.

Hiện nay, cây đa ở đình cũng đã hơn 100 năm tuổi, vẫn xanh tốt quanh năm. Những cột đá, hay giếng cổ 200 năm, làng vẫn bảo tồn nguyên vẹn. Nhất là dọc bên hồ là những ngôi nhà cổ, nhà thờ Tổ của tộc họ Nguyễn, Lê, Tạ... tạo nên một vượng khí muôn thuở và nói lên nét văn hóa độc nhất vô nhị ở đất kinh kỳ phố Hiến xưa nay.

Cái Bống đi chợ Cầu Nôm

Sao mày không rủ cái Tôm đi cùng

Cái Tôm nó giãy đùng đùng

Nó trôi ra bể lấy chồng lái buôn

< Cổng làng Nôm.

Người người trong vùng đều biết câu ca dao, lời ru nổi tiếng trên, nhưng có lẽ ít ai biết, làng Cầu Nôm - một làng buôn đồng nổi tiếng xưa kia, ở châu thổ sông Hồng. Người con gái làng Nôm đôi khi bị hiểu một cách lệch lạc do những câu ca mang tính nghề nghiệp của làng.

Tổ nghề buôn bán đồng nát là ở làng Nôm. Làng đã từng được vua nhà Nguyễn giao cho đúc tiền đưa về kinh thành, bởi dân ở đây có nghề đúc đồng tinh xảo vào loại sớm nhất nước ta. Hiện các lò đúc vẫn còn bập bùng cháy cho đến nay. Đồ tế tự bằng đồng bày bán các phiên chợ và còn được đưa đi khắp nơi trong nước. Chính vì thế mà từ xưa, nói đến làng này, là ai cũng nhớ tới câu ca dao:

“Đồng nát thì về cầu Nôm

Con gái nỏ mồm về ở với cha”.

Hoặc:

Hỡi cô má đỏ hồng hồng

Cô đi lấy chồng cô bỏ quê cha

Đến khi cô trở về già

Quê chồng cô bỏ quê cha cô về

Theo một thống kê, làng Nôm còn gần mười căn nhà có tuổi trên dưới trăm năm. Nhà dân san sát xung quanh mặt hồ dài ở giữa khiến làng Nôm có dáng như chiếc thuyền đặt theo hướng Bắc – Nam, mũi Bắc là cây đa mái đình, mũi Nam là cổng làng. “Do làng có hình con thuyền nên người làng Nôm cứ phải đi làm ăn xa.

Nhưng, đã bao thế hệ dày công vun đắp thì làng Nôm mãi như con thuyền neo bến sông Nguyệt Đức như một di sản làng cổ luôn được gìn giữ ca tụng trong dân gian. Để tiện việc đi lại giữa các xóm, làng Nôm đã cho đắp một con đường cùng cây cầu ngang qua chính giữa hồ làng.

< Tác giả.

Làng Nôm là thế giới riêng của người yêu hòa bình thích thanh tịnh, không bị tiếng còi xe, tiếng máy nổ làm ô nhiễm không gian. Lui tới mấy lần vẫn chưa muốn rời đi, cảnh yên tĩnh trong lành của miền quê như muốn giữ chân du khách. Tôi ghi thêm vài hình ảnh rồi tạm biệt qua chùa Nôm, một ngôi chùa cổ nổi tiếng còn giữ được trên trăm pho tượng đất đã trải qua mấy trăm năm.

(1). Nhiều tài liệu ghi: Thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm từ lâu đã nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Ngày nay tinh thần hiếu học đó vẫn được duy trì, hiện cả thôn có 17 thạc sĩ, 450 cử nhân, kỹ sư. Đó là còn chưa kể, hằng năm, thôn có hàng chục học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. (Mong rằng “tiến sĩ” đừng soạn sách dạy trẻ nếm cứt gà, “kỹ sư” chớ làm cầu vừa khánh thành đã sập, lại còn chống chế “cầu sập đúng qui trình”!)

(2) Làng Nôm, âm hưởng rất dân dã hàm ý về di sản, di tích của một miền. “Đại Đồng” hẳn là tên gọi khi đất nước đi theo con đường cộng sản, và có lẽ ý nghĩ xa lạ quá nên người dân không dùng.

Theo Trần Công Nhung (Viễn Đông Daily)

Du lịch, GO!