(TH) - Đầu năm đi lễ đền, chùa là một phong tục đẹp từ ngàn đời của người dân Việt. Đền Đại Cại- Lục Yên - Yên Bái cũng là một trong những điểm đến được đông đảo du khách thập phương hướng về.

Đền Đại Cại nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên hữu là sông Chảy, trước mặt là suối Ðại Cại. Tương truyền đền được xây dựng hơn 300 năm trước, thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh - một nữ tướng văn võ song toàn dưới thờ hậu Lê. Bà được triều đình phong chức Tổng binh, sau này được nhà vua phong sắc nữ tướng. Bà là người đắp luỹ xây thành chống lại giặc nhà Mạc và cũng là người lập ra chợ búa cho nhân dân vùng này.

< Chùa tháp Hắc Y - đền Đại Cại.

Ðền Ðại Cại có kiến trúc đẹp, có đủ các đồ thờ tự như bát nhang đồng, ngai thờ sơn son thếp vàng, đề có trạm trổ tứ quý làm từ gỗ tứ quý như chò chỉ, vàng tâm, lõi thọ, đinh hương. Ðặc biệt, những tảng đá kê cột đình, cột đền được chạm trổ hình mặt trăng, hoa sen, lá đề, mỗi tảng nặng hơn 100 kg. 

< Bệ cột đá dấu tích chùa Thượng Miện.

Ðền có chiêng đồng, chuông đồng, có sắc phong của vua Cảnh Phong và vua Tự Ðức. Ngôi đền có kiến trúc đồ sộ, các chân tảng kê cột loại lớn có đường kính tới 45cm, loại nhỏ 32cm để đỡ các cột nách, cột lòng, mỗi tảng nặng hơn 100kg. Các chân tảng đều chạm 16 cánh hoa sen đều đặn vây quanh.

< Đỉnh tòa tháp cửu phẩm liên hoa.

Tại đây còn tìm thấy bệ Phật hoa sen bằng đất nung, bát sứ, lọ sứ men ngà rạn trang trí hình cánh sen rất đặc trưng của nghệ thuật thời Trần. 

Năm 2001 đền được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Hàng năm cứ vào ngày 16 tháng giêng, lễ hội đền Đại Cại được tổ chức.

< Toàn cảnh núi Hắc Y.

Đứng ở đền Đại Cại có thể nhìn thấy núi Hắc Y, trên núi có vườn cây, ao cá, bàn cờ tiên… Tương truyền thần Hắc Y là tướng thời Trần, có công đánh giặc bị thương rồi về “hóa” tại đây.

Nằm trong cụm di tích còn có thành Nhà Bầu là phần thành đất, bãi quần ngựa,… nơi luyện quân một thời oanh liệt trong lịch sử dân tộc.

Du lịch, GO! tổng hợp