(VNN) - Tục “cướp giọng gà”, ăn trộm cầu may hay “bắt chồng” là những phong tục Tết kỳ lạ của các dân tộc vùng cao Việt Nam.

Câu 1: Dân tộc nào có tục lệ không được động vào kim chỉ để may vá trong dịp Tết?

Đáp án: Theo phong tục của người Mông, vào dịp Tết, phụ nữ kiêng không được động vào kim chỉ để may vá quần áo. Theo họ, làm như vậy mới mong có được áo váy đẹp và lành lặn để mặc trong suốt cả năm.

Câu 2: Dân tộc nào có tục lệ bằng mọi giá không được để gà gáy trước đêm Giao thừa?

Đáp án: Người Pu Péo có một phong tục kỳ lạ là không được để gà gáy trước Giao thừa. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các thanh niên phải đi canh chừng gà trống trong vườn. Khi chúng vỗ cánh, rướn lên chuẩn bị gáy, họ lập tức sẽ đốt pháo ném vào chuồng gà để chúng không gáy nữa.

Câu 3: Dân tộc nào có phong tục ăn trộm để cầu may?

Đáp án: Người dân tộc Lô Lô có phong tục ăn trộm trong dịp Tết để lấy may.

Họ quan niệm, vào thời khắc Giao thừa, nếu ai đi ăn trộm và mang được một thứ gì mới về nhà thì cả năm sẽ gặp may. Tuy nhiên, những thứ họ lấy đều là những vật nhỏ, hầu như không có giá trị như củ tỏi hay thanh củi.

Câu 4: Người dân tộc Hà Nhì xem vận hạn năm mới qua bộ phận gì của gia súc?

Đáp án: Người Hà Nhì dù giàu hay nghèo đều cố gắng mổ lợn vào dịp đầu năm mới. Sau đó, họ dựa vào màu sắc, độ tươi, hình dáng của lá gan lợn để dự đoán vận hạn trong năm.

Nếu lá gan lành lặn, túi mật căng đầy thì năm đó, gia chủ sẽ làm ăn tấn tới, cuộc sống sung túc.

Câu 5: Dân tộc nào có tục lệ “bắt chồng”?

Đáp án: Ngược lại với các dân tộc ở vùng núi phía Bắc có tục “bắt vợ”, người Chu Ru ở Tây Nguyên lại có phong tục “bắt chồng”. Người Chu Ru sống theo chế độ mẫu hệ, vì vậy khi đến tuổi lập gia đình, các cô gái sẽ đi tìm và chọn một người đàn ông mình thích, sau đó thông báo với gia đình. 

Nếu gia đình chấp thuận, họ sẽ cử một người đến nhà trai để cầu hôn. Khi chàng trai và người nhà cùng đồng ý, nhà gái sẽ trao quà và đeo vào tay chàng trai chiếc nhẫn đính hôn.

Theo Thời Vũ (Vietnamnet)

Du lịch, GO!