Nằm ở độ cao gần 2000m so với mực nước biển, Pha Luông được ví như nóc nhà của cao nguyên Mộc Châu, cũng là ranh giới tự nhiên hai nước Việt - Lào. Nơi đây cũng nổi tiếng bởi tình hình an ninh đặc biệt phức tạp, là trọng điểm buôn lậu và vận chuyển ma túy nên bạn chỉ có thể leo lên đỉnh nếu như đã được sự đồng ý của trạm biên phòng Pha Luông đặt ở dưới chân núi. Tuy còn nhiều khó khăn là vậy nhưng đây hiện là điểm trekking rất thu hút cộng đồng phượt khi đến với Mộc Châu.
Từ 4 giờ sáng, chúng tôi đã phải thức dậy để bắt đầu chặng đường chinh phục đầy gian nan trước mắt. Khoảng cách từ trung tâm Mộc Châu đến trạm biên phòng Pha Luông - tọa lạc tại xã Chiềng Sơn - dài khoảng 30km. Theo lối quốc lộ 43 hướng đi cửa khẩu Loóng Sập, chúng tôi rẽ trái đi Chiềng Ve khi đã đi được 20km từ thị trấn. Tiếp 3km đường nhựa cuối cùng, chúng tôi đã tiếp cận con đường đất độc đạo dẫn lên trạm biên phòng. Chỉ dài chừng 7km thôi nhưng quả thật khó như "lên trời" với những dốc gắt, gập ghềnh lên xuống, với vực thẳm song hành ngay bên cạnh bánh xe. Con đường này năm xưa đã được nhà thơ Quang Dũng tả lại:"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời"
Thật khó tưởng tượng sẽ vượt con đường dốc này thế nào nếu là vào ngày mưa, khi trời khô ráo là vậy mà những chiếc xe luôn phải để số 1, đôi khi kèm theo việc người ngồi sau phải xuống phụ đẩy xe lên dốc. Điều ngạc nhiên xen lẫn thích thú đó là việc dọc đường bạn sẽ được chiêm ngưỡng vô vàn tảng đá khổng lồ dọc ngang lối đi, cũng là điểm chụp ảnh rất ấn tượng. Sau khi gửi xe và làm thủ tục đăng ký với trạm trưởng Pha Luông, chúng tôi chính thức bắt đầu hành trình trekking (hình thức đi bộ đường dài trên nhiều bề mặt địa hình) dưới sự dẫn đường của một người anh bản xứ.Quãng đường đầu tiên phải vượt qua dài khoảng 2km đi lên đồi cỏ tranh và những ruộng bậc thang người Mông để tiếp cận rừng già bao quanh chân núi.
Nắng sớm cùng việc đã mất khá nhiều sức cho đoạn đường khó đi lên trạm nên vượt qua được đồi cỏ tranh cũng là lúc chúng tôi thấm mệt. Thật may mắn là sau đó hành trình chỉ còn đi xuyên rừng nên dù leo chỉ có lên dốc mà không xuống nhưng cái nắng cũng đã không còn ảnh hưởng nhiều đến bước chân của đoàn.Hệ thực vật của rừng quốc gia Xuân Nha hết sức đa dạng, sau khi vượt qua khu rừng trúc, tiếp đến là thảm rừng già.Chúng tôi đã ồ lên thích thú vì bắt gặp khu rừng cây lá phong - một loại cây tưởng như chỉ có ở các nước ôn đới - vốn cũng có lác đác ở một số địa danh vùng cao Tây Bắc khác như Tam Đảo, Chế Tạo, Sapa. Đó cũng là báo hiệu cho việc sắp lên được tới đỉnh Pha Luông, khi loại cây này thường mọc ở nơi có không khí lạnh. Thảm lá phong rơi ken đặc phủ kín con đường mòn xuyên rừng.Sau bốn tiếng trekking vượt qua rất nhiều loại địa hình khác nhau, đã có lúc tưởng phải bỏ cuộc, chúng tôi cuối cùng cũng đã đặt chân được lên trên đỉnh Pha Luông.Và phần thưởng cho tất cả mệt nhọc đó đã hiện ra sừng sững đầy mê hoặc với khung cảnh thiên nhiên quá đỗi hùng vĩ trên đỉnh núi biên giới tự nhiên này.
Một điều đặc biệt của Pha Luông khác với nhiều ngọn núi khác là trên đỉnh núi có bề mặt rất rộng, bằng phẳng trải dài như sân vận động phủ đầy cây cỏ. Sẽ thật tuyệt vời nếu như được cắm trại tại đây trên nền đá bằng phẳng vậy để ngắm hoàng hôn và bình minh nhưng do đặc thù an ninh vùng biên giới, điều đó hiện nay dường như là không thể thực hiện.Cột mốc 264 thiêng liêng và đường biên giới tự nhiên Việt - Lào với hai thảm thực vật khác hẳn nhau nhìn từ trên núi xuống.Giây phút nghỉ ngơi trên đỉnh núi, cũng là lúc từng thành viên trong đoàn mỗi người một góc chìm đắm trong sự mê hoặc của núi rừng Pha Luông. Choáng ngợp từ những cơn gió thốc lên từ dưới thung lũng, các bản làng nơi vùng biên viễn bé xíu như những ô cờ trong hệ thống rừng quốc gia Xuân Nha, đến những đám mây khổng lồ la đà trước mặt như giơ tay ra là chạm tới.Do cấu tạo địa hình cùng những đứt gãy tự nhiên trong quá trình hình thành núi đá từ ngàn năm về trước, đỉnh Pha Luông có rất nhiều khe núi, vách núi co ra thụt vào rất đặc biệt với nhiều hình thù đa dạng.Mỗi góc núi lại là những tảng đá xếp chồng lên nhau nên đây cũng là những góc chụp ảnh rất đẹp cho những ai ưa mạo hiểm với cảm giác chênh vênh giữa đất trời.Cuối cùng hành trình chúng tôi cũng kết thúc an toàn sau tổng cộng bốn leo núi, một tiếng nghỉ ngơi ăn trưa trên đỉnh và khoảng hai tiếng rưỡi cho chặng về. Không quá khó cho việc lên đỉnh Pha Luông nhưng cũng là không dễ nếu như thiếu quyết tâm. Và phần thưởng đạt được chắc chắn nhiều hơn rất nhiều những gì chúng tôi đã đổ mồ hôi công sức, khi một lần trong đời được chiêm ngưỡng tuyệt tác Pha Luông của Tây Tiến năm xưa, theo cái cách rất riêng của chúng tôi.
Một số lưu ý và kinh nghiệm cho bạn chinh phục Pha Luông - nóc nhà của Mộc Châu:Nếu xuất phát từ Hà Nội, thời gian hợp lý nhất để bạn có thể hoàn thành trekking Pha Luông bảo đảm sức khỏe là hai ngày hai đêm.
- Xuất phát chiều tối thứ 6. Ngủ đêm Mộc Châu
- 4-5 giờ sáng từ Mộc Châu vào Trạm Biên phòng Pha Luông theo lối quốc lộ 6 - Chiềng Ve - Chiềng Sơn. Quãng đường đất dài 7km đặc biệt khó đi, sẽ cần phải tay lái thật vững và nếu trời mưa bạn nên gửi xe đi bộ lên trạm.
- Tổng hành trình leo sẽ vào khoảng tám tiếng (bao gồm leo lên, nghỉ trưa trên đỉnh và xuống núi). Bạn nên căn thời gian để có thể trở về trạm biên phòng lấy xe kịp xuống thị trấn. Trường hợp không kịp có thể xin biên phòng cho nghỉ đêm luôn tại trạm. Ăn uống nhờ các chiến sỹ mua đồ về nấu chung.
- Phải liên hệ trước nếu như muốn nghỉ đêm lại. Đặc biệt quan trọng phải có người thông thạo đường lên đỉnh để tránh việc đi nhầm sang nước bạn.
Theo Nguyễn Chí Nam (Báo Nhân Dân)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.