(BSL) - Đông đến, khi làn gió lạnh luồn qua các chân rạ khô của cánh đồng Mường Tấc, cũng là lúc rêu vào mùa. Bà con dân tộc Thái ở Phù Yên lượm rêu về rồi khéo léo chế biến thành nhiều món, như rêu hấp, rêu xào, nộm rêu khô... nhưng ngon và lạ nhất có lẽ vẫn là món rêu nướng.

< Bà con bản Búc, xã Quang Huy đập rêu để loại bỏ tạp chất.

Bà Đinh Thị Hạnh, ở bản Búc, xã Quang Huy, nhớ lại: Trước đây, cứ đến mùa cạn, nước nguồn không bị mưa lũ làm vẩn đục, từng tốp phụ nữ đeo “cở đợp” (giỏ đan bằng tre) ra suối Tấc lượm rêu. Nay, lòng suối Tấc bị đào cát lởm chởm, xe cơ giới lội cả ra giữa suối múc đất đá, nên rêu hiếm dần, chúng tôi đành phải tìm mua rêu từ các chợ cóc, chợ trung tâm huyện, nơi các bà, các chị lấy rêu từ suối Khoáng đầu nguồn tinh khiết ở tận xã Mường Bang.

< Lá dong để gói rêu được bà con cắt trong vườn nhà.

Tìm mua rêu đã khó, công đoạn làm sạch rêu còn khó hơn. Để sơ chế, người ta phải mang nào thớt, nào rổ, rá ra bờ giếng đập rêu. Cái khó ở chỗ, công đoạn đập rêu làm sao không để nát mà vẫn phải sạch bùn đất. Sau ba lần đập là một lần rửa, rêu được bỏ vào rổ thưa, vừa súc rửa vừa xé tơi ra từng sợi để nhặt cỏ, rác, loại bỏ những viên sỏi li ti. Cứ thế, qua 4 đến 5 lần “đánh vật”, rêu sạch quánh vào nhau thành từng cục giống như khăn áo được vo tròn trước khi rũ mang phơi.

< Rêu đá sau sơ chế sẽ có màu xanh đậm, sờ vào rất mềm và mát.

Sau khi xé tơi rêu ra, bà con dùng những thứ gia vị trong vườn nhà, như sả, ớt, gừng, hành lá, rau húng, mắc khén cùng với muối, mì chính, tất cả thái nhỏ rồi trộn đều lên.

< Mỗi người một tay cùng trộn rêu để chuẩn bị nướng.

Tiếp đó, dùng hai lá dong rửa sạch, xếp lên nhau, để rêu vào giữa và buộc túm lại bằng lạt tre, rồi vùi vào tro bếp nóng. Cứ thế ngồi trông cho lửa cháy vừa phải, không vội vàng, thỉnh thoảng thay tro để đảm bảo đều nhiệt độ, rêu vùi trong tro nóng càng lâu thì món rêu sẽ càng nhừ và càng ngon.

< Túm rêu suối chuẩn bị được vần vào tro nóng.

Đợi khi lá dong cháy gần đến lớp trong cùng, sờ vào gói rêu thấy mềm thì có thể thưởng thức.

< Rêu vần trên tro nóng càng lâu thì món rêu sẽ càng nhừ và càng ngon.

Mở gói rêu nướng, mùi mắc khén và các loại gia vị hoà quyện, thơm ngào ngạt. Nếm một miếng rêu nướng, cảm nhận rõ vị đặc trưng bùi, mềm, thơm cay của mắc khén và vị thanh thanh của rêu suối, cùng với hương vị đậm đà từ các loại gia vị khiến bất cứ ai thưởng thức rồi đều rất khó quên.  

< Bà con quây quần cùng nhau thưởng thức món rêu nướng nóng hổi.

Đông về, đang rộ mùa rêu, bà con tìm mua bằng được thật nhiều rêu về làm sạch, phơi khô trên gác bếp, tích trữ trong nhà, đợi có khách quý thì mang ra thết đãi. Giữa đêm gió lùa qua các chân cột nhà sàn lạnh buốt, mùi lá dong tươi cháy xém lẫn với mùi rêu nướng tỏa khắp nơi, mọi người quây quần bên bếp lửa bập bùng, cùng nhau nâng chén rượu nồng và bắt tay nhau thật chặt, khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng. Bởi vậy, về Mường Tấc mùa này mà chưa thưởng thức món rêu nướng của đồng bào Thái thì coi như hành trình khám phá vùng đất Phù Hoa chưa thật trọn vẹn!

Theo Lò Thái (Báo Sơn La)

Du lịch, GO!