(TH) - Chỉ cách Hà Nội khoảng 50km, đến với thôn Trần Phú, xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên bạn sẽ được chiêm ngưỡng chiếc cổng làng độc đáo và hiếm có này.

Có lẽ không ai nhớ được gốc đa cổ thụ tại đây có từ bao giờ. Các cụ cao niên trong thôn cũng chỉ biết rằng, từ khi sinh ra cây đa đã hiện hữu tỏa bóng mát cả một góc thôn là nơi hóng mát của dân làng và là nơi vui chơi của lũ trẻ nhỏ.

Từ xa xưa cho tới tận ngày nay, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình vẫn luôn là những nét đẹp quen thuộc và gần gũi ở nhiều làng quê Việt. Dù sau này đi xa đến đâu chăng nữa, chỉ cần nhìn thấy bất cứ một trong những cảnh vật đó là người con nào cũng sẽ đều nhớ về quê hương và nơi mình sinh ra.


Điều khiến nơi này trở nên đặc biệt và ai đi qua cũng phải thích thú dừng lại ngắm nhìn chính là bởi chiếc cổng làng "độc nhất vô nhị". Nó không phải xây từ gạch ngói hay xi măng thông thường mà lại được kết từ chính thân của loài cây cổ thụ này.

Nhờ sự kỳ diệu của tạo hóa, rễ của cây đa không biết tự bao giờ cứ thế trồi lên từ lòng đất, vươn mình mạnh mẽ và rồi bất ngờ quấn chặt, tạo một khoảng trống bên dưới giống như cổng làng.

Thậm chí, trải qua không biết bao sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mưa nắng thất thường và còn từng bị sét đánh đến gãy ngọn nhưng cái cây gần 500 năm tuổi ấy vẫn trường tồn theo thời gian mà còn cực xanh tốt.

Được biết, ‘cụ đa’ này ngày xưa được trồng cạnh một miếu thờ thành hoàng làng, qua vài trăm năm, cây còn miếu mất. Cũng do chịu đựng sương gió, mưa bão, sấm sét, đôi khi lũ trẻ nghịch ngợm đốt lửa, ‘cổng làng’ độc đáo này có lúc đã già nua, xơ xác, khiến thôn dân lo lắng. Ngày nay, để gìn giữ cây quý đến này nay, người dân trong thôn luôn quan tâm, chăm sóc và bảo vệ cây để đây là nơi ghé thăm với những du khách khi đến với vùng đất Hưng Yên thơ mộng.

Vì không quá xa trung tâm thành phố Hà Nội, nơi đây được nhiều người dự đoán sẽ là một điểm đến thú vị dành cho những ai yêu thích thiên nhiên và muốn được khám phá, chiêm ngưỡng cảnh vật này tận mắt. 

Hình thù độc đáo của chiếc cổng làng thôn Trần Phú nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Rất nhiều người bày tỏ muốn được ghé thăm tận mắt và lưu giữ một bộ ảnh đẹp.

“Đẹp quá, lần đầu mình mới thấy cổng làng vài trăm tuổi như vậy, chắc hẳn nó đã chứng kiến biết bao cuộc đời đi ngang quá đó. Thật kỳ diệu mà", bạn An Nam bày tỏ.

Tài khoản Trần Nhung chia sẻ: “Mình không ngờ lại có cây đa nhiều tuổi đến vậy, mong người dân nơi đó có thể giữ gìn và bảo tồn chiếc cổng làng này được bền lâu".

“Nhìn cổng làng thế này làm mình nhớ quê quá, đi làm xa 1 năm về nhà có vài lần.", Ngô Bích Ngọc bình luận.

Ngoài chia sẻ những cảm xúc khi chứng kiến một cảnh quan kỳ thú, một số cư dân mạng cũng hào hứng tiết lộ thêm những chiếc ‘cổng làng’ độc nhất vô nhị khác tại miền quê Việt Nam.

Hai cây đa cổ thụ có tuổi đời đến 700 năm kết thành một chiếc cổng làng cho thôn Phương Độ (Xuân Phương, Phú Bình, Thái Nguyên).

Người dân ở đây ví hai cây đa như vợ chồng bởi sự gắn bó, quấn quýt với nhau qua bao thăng trầm thời gian tạo thành một vòm cổng huyền bí.

Gốc đa làng Phương Độ mang lại cảm giác ngỡ ngàng và bồi hồi khiến bất cứ ai ngang qua cũng phải dừng chân.


Nhiều ngôi làng khác xây cổng làng bằng gạch, bê tông đồ sộ. Thế nhưng tại Thanh Uyên, Tam Nông, Phú Thọ, ‘cụ đa’ tự tạo cổng đi lại cho người dân.

Người dân Suối Cốc coi chiếc cổng làng làm từ cây sanh là ‘báu vật’ bởi nó đã che chở cho bao người trong những năm tháng chiến tranh.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Yan.vn, Hanoitv.vn, Webtintuc...