Thú vị một dòng sông
Sông Thom theo như cách lý giải của Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Thu Sương là do đọc trại từ Thum - tiếng của người Khmer. Dù vậy, nhiều người vẫn lầm tưởng nó là dòng sông Thơm!
Dắt chúng tôi đi nhiều nơi trên địa bàn huyện để khảo sát, chị Sương đưa chúng tôi đến quán cà phê để ngắm dòng sông Thom. Ngồi uống ly cà phê, thưởng thức trái dừa xiêm xanh, ngắm dòng sông, bao mệt mỏi của người lữ khách phương xa như tan biến. Tâm hồn cùng hòa mình với dòng sông, ngắm nhìn những con thuyền lững lờ trôi êm đềm khiến cho lòng thấy nhẹ nhàng hơn.
Sông Thom - cái tên gợi cho người nghe nhiều điều thú vị. Hai bờ con sông, sóng nước nhấp nhô, vỗ bờ nhẹ nhàng. Nhà - vườn cây cối xanh tươi của người dân cứ san sát nhau tạo nên khung cảnh thơ mộng, bình yên đến khó tả. Đi thuyền giữa lòng sông nhìn quang cảnh hai bên như những bức họa đồng quê đẹp mê hồn, nhất là lúc bình minh và hoàng hôn.Điều đặc biệt là con sông này hiền hòa, thân thiện như tính cách con người nơi đây. Mực nước con sông tự bao đời chỉ có bấy nhiêu, ít khi dâng cao mà cũng chẳng mấy lúc xuống cạn. Vì thế mà nhà cửa xây dựng lên cứ sát ra tới mé sông, sống gần gũi với con sông.
Song Thom được đào vào năm 1905, dài hơn 15km nối liền sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Đây là con đường tắt, đi từ Tiền Giang xuyên qua Bến Tre để đến Trà Vinh. Sông Thom được người Pháp đào, với mục đích chính ban đầu là nhằm phát triển giao thông đường thủy, vừa phục vụ dẫn nước, tưới tiêu, rửa phèn.Từ đó, để khai thác nông nghiệp và tận thu nông sản tại thuộc địa. Vốn là kênh đào, có diện tích mặt ngang nhỏ nhưng qua thời gian, nhiều lần nạo vét, rồi sạt lở, nên lòng kênh rộng ra như bây giờ.
Viên ngọc quý
Ngày nay con sông này đang được ví như một viên ngọc quý của Bến Tre nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Hai bên bờ sông Thom – Mỏ Cày, các cơ sở sơ chế - chế biến dừa mọc lên dày đặc. Còn lòng sông là cảnh tượng thuyền ghe tấp nập qua lại, tạo cảnh trên bến dưới thuyền thật vui mắt. Chính các cơ sở này đang tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương. Đến Công ty Dừa Liên Thành, chúng tôi thấy hàng chục lao động đang làm việc miệt mài hăng say. Chị Nga, làm việc tại Công ty Dừa Liên Thành cho biết, mỗi ngày có thể lột được khoảng 2.000 trái dừa, với tiền công là 450.000 đồng. Người làm ít cũng cả ngàn trái, được vài trăm ngàn một ngày. Khoản thu nhập tốt cho gia đình, dù vất vả, khó nhọc, nhiều khi còn nguy hiểm,vì ngọn nầm (vật dụng bằng sắt nhọn, sắc, dựng đứng) chỉ cần lơ là, sảy tay là dính thương ngay.
Ngày nay, dừa – ngoài là cây xanh, cho bóng mát, mang nhiều giá trị văn hóa - tinh thần còn đem lại cho người dân nhiều giá trị về mặt kinh tế. Có đến “thủ phủ” sơ chế dừa hai bên dòng sông Thom – Mỏ Cày mới thấy hết được giá trị của cây dừa.trái dừa có thể lấy vỏ làm xơ chỉ dừa, gáo dừa làm đồ thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, cơm – nước dừa làm bánh kẹo, mứt, dầu dừa… Còn thân dừa dùng để làm nhà, đồ lưu niệm… kể cả mụn dừa, vốn là rác thải, gây ô nhiễm môi trường thì nay cũng được làm thành phân để bón cho cây cối, hoa kiểng…
Một dòng sông vừa bình yên, vừa thơ mộng lại mang đến cho con người nhiều sinh lợi. Sông Thom – Mỏ Cày hiện đang được quy hoạch để phát triển du lịch. Ông Nguyễn Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam cho biết, huyện đã quy hoạch và phát triển chợ dừa nổi trên sông Thom và chúng tôi đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ liên quan với kỳ vọng đón được nhiều khách đến, ở lại và chi tiêu nhiều hơn trong thời gian tới.Khảo sát trên tuyến sông này, chị Sương nói nhiều về những điều để có thể phát triển du lịch gắn với dòng sông này. Đặc biệt là hướng đến xây dựng các sản phẩm gắn với chợ dừa nổi, tham quan các cơ sở sơ chế dừa (lột vỏ, tách cơm, xe chỉ xơ dừa…), khám phá văn hóa đời sống của cư dân hai bên bờ sông…
Mong rằng, với sự tấp nập trên bến dưới thuyền của chợ dừa nổi gắn với nhiều hoạt động khác, sông Thom sẽ là điểm nhấn của đến Bến Tre nói riêng và khu vực Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc nói riêng.
Theo Thanh Tùng (Báo Du Lịch)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.