(QNO) - Đến với Tiên Yên, bên cạnh gà Tiên Yên, bánh gật gù hay khâu nhục thì Tiên Yên còn có bánh gio là thứ quà quê được yêu thích bởi mùi vị thơm ngon và dễ mua về làm quà.

< Bánh gio Tiên Yên thơm nức hương vị, chấm với mật mía rất ngon.

Bánh gio không có gì xa lạ với thực khách bởi nhiều vùng quê, nhiều địa phương đều có bánh gio, có khác chăng là thức chấm, cách gói và hương vị, màu sắc đặc trưng mà thôi. Mỗi nơi lại lưu truyền công thức để làm nên chiếc bánh gio mang đặc trưng của quê hương mình. Bánh gio Tiên Yên có màu vàng hổ phách đặc trưng, trong suốt, quả thật chỉ nhìn đã thấy ngon, hấp dẫn.

"Sản phẩm này được chúng tôi tìm kiếm và đưa đến Hội thi từ các hộ có hàng chục năm kinh nghiệm, nức tiếng ở Tiên Yên. Và từ lâu, đây cũng là món quà quê ưa thích mà nhiều du khách tới địa phương tham quan không quên mua về làm quà. Quả thật, mỗi nơi đều có bánh gio nhưng hương vị bánh gio của Tiên Yên cũng thật đặc biệt và riêng có"... 

< Bánh gio Tiên Yên được giới thiệu tới du khách, người dân trong Tuần Văn hoá - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III, năm 2020.

... chị Đỗ Thị Bích Hồng, đại diện đoàn đưa sản phẩm ẩm thực của huyện Tiên Yên tại Hội thi Tuần Văn hoá - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III, chia sẻ.

Bánh gio Tiên Yên khác với bánh gio của những địa phương khác bởi người dân Tiên Yên thường sử dụng cây dền gai, thậm chí một số nơi còn dùng loại lá rừng đặc trưng mang tên lá la để chế nước gio ngâm gạo. Trước mỗi buổi làm bánh, nghệ nhân thường lên rừng hái lá và cành cây rồi đem đốt lấy tro. Tro sau khi đốt được rây thật mịn và đem ngâm với nước sôi cho lắng.

Phần nước tro trong sẽ dùng để ngâm cùng gạo nếp làm bánh. Tuy nhiên, nhiều hộ trước khi mang gạo ngâm nước tro còn ngâm gạo nếp qua vài tiếng với nước muối nhạt. Thao tác này vừa giúp gạo sạch hơn, vừa giúp món ăn ngon và nhìn ngon mắt hơn.

< Bánh gio bên các loại đặc sản của Tiên Yên.

Một điểm cốt yếu tạo nên bánh gio Tiên Yên đó là việc lựa chọn nguyên liệu. Người dân Tiên Yên chọn thứ gạo nếp cái hoa vàng, hạt to đều cho vào nước tro ngâm chừng một đêm cho tới khi trắng, mềm, trà bằng tay nát là đạt. Gạo ngâm xong được vớt ra, dội sạch bằng nước mưa hoặc nước giếng khơi, để cho ráo mới đem gói. Lá gói bánh thường là lá dong, lá ỏng hoặc lá chuối.

Bánh thường được gói có hình dạng như chiếc bánh chưng gù loại nhỏ, thon nhọn dần ở 2 đầu và vồng cao như bàn tay khi nắm lại ở phần giữa. Trông khá gọn và đẹp mắt.

Bánh gói xong được đem luộc chín. Thời gian luộc tùy thuộc vào kích cỡ bánh. Bánh chín vớt ra nhúng ngay vào chậu nước lạnh cho bánh mau nguội, giữ màu xanh lá và làm sạch bề ngoài của bánh. Cuối cùng, bánh được treo lên cao, thoáng gió cho ráo nước.

Bánh gio làm thành công thì bên trong lớp lá kia nếp không còn ở dạng gạo mà cả chiếc bánh trở thành một khối bột trong, mịn như một khối thạch trong suốt, thơm mùi nước tro.

Bánh gio là món bánh mát lành, dễ ăn. Khi thưởng thức, bánh thường được chấm với đường cát trắng, đường thẻ, mật ong. Nhưng ở đây, một số hộ còn công phu chưng mật mía cô đặc.

Đến Tiên Yên, thăm phố đi bộ, bạn nên thưởng thức, tìm mua đôi ba chiếc bánh gio dân dã để làm quà cho người thân và để hiểu thêm về những nét ẩm thực của mảnh đất trung tâm vùng Đông Bắc tươi đẹp này.

Theo Hà Phong (Báo Quảng Ninh)

Du lịch, GO!