(VNE) - Bỏ lại "phố thị xô bồ", ngược về cung đường quốc lộ 20 đến thị tứ Dran để cảm nhận được sự bình yên khó lẫn.

Dran thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng được hình thành cùng thời điểm với thành phố Đà Lạt đầu thế kỷ XX. Thị trấn được đặt tên bởi người Pháp, nằm lưng chừng giữa hai con đèo dài Dran và Ngoạn Mục. Một góc nhỏ thị tứ Dran nằm dưới chân đập hồ thủy điện Đa Nhim.

Từ Đà Lạt có thể nhìn về giáo xứ Lạc Lâm ở Dran, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ở, viết thư cho người tình ở Huế và sáng tác nhiều bài nhạc để đời.

Du khách đổ đèo Dran trên cung đường đầy hoa, thông xanh và nắng vàng Đà Lạt.

Lúc đầu Dran chỉ là một trạm dừng chân trên tuyến đường sắt răng cưa từ Phan Rang lên Đà Lạt. Sau đó những người lao động làm tuyến đường sắt, đồi trà Cầu Đất... dừng lại khai hoang, lập nghiệp.

Từ TP Đà Lạt về Dran khoảng 40 km, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những thung lũng bậc thang rau "thuần tự nhiên". Hệ thống tưới nước tự động được nông dân Đà Lạt lắp đặt vào để sản xuất nông nghiệp.

Những triền đồi được san gạt, tạo thành những cung ruộng bậc thang tuyệt đẹp nhìn từ trên cao.

Một căn nhà nhỏ bên những luống rau xanh rì ở ngoại ô Đà Lạt.

Những bóng nón chập chùng với màu xanh của rau, tiếng cười giòn tan của những chị gái nông phu vùng ngoại ô sẽ khiến tâm hồn bạn xua tan những mệt mỏi, áp lực của công việc.

Tháng 11, trên khắp những triền đồi phố núi, về vùng đất Đơn Dương, Đức Trọng... phủ sắc vàng rực của hoa dã qùy.

Một góc nhà thờ xứ Đơn Dương giúp du khách cảm nhận sự yên bình của vùng đất này sau chặng đường dài khám phá.

Từ Dran du khách có thể theo quốc lộ 27 về Ngã ba Phi Nôm để trở lại Đà Lạt hoặc xuôi đèo Ngoạn Mục khám phá vùng đất Ninh Thuận.

Theo Phước Tuấn (Vnexpress)

Du lịch, GO!