(QNO) - Núi Hứa (thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình) cách trung tâm huyện Đầm Hà khoảng 10km, đường đi lại khá dễ dàng, thuận lợi. Nơi đây không chỉ là di tích khảo cổ, phát hiện nhiều công cụ đá của người Việt cổ, mà còn là điểm đến có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, rừng cò hàng nghìn con...

Dẫn chúng tôi men theo con đường ruộng lên thăm rừng cò, ông Đào Xuân Thủy, Chủ tịch Hội CCB xã Đại Bình, chia sẻ: Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, khi những hộ gia đình đầu tiên đến khai hoang, lập chòm xóm ở đất Làng Ruộng này, cò trắng đã từ lác đác từng đàn nhỏ bay về. Có lẽ là “đất lành chim đậu”, cò về đất Làng Ruộng ngày một đông. Từ những ngày ấy, các gia đình ở Làng Ruộng đã ý thức  không đánh đuổi, săn bắt cò, mà ra sức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống cho cò, giữ gìn cảnh bình yên của làng xóm quê hương. Đến giờ, cò về đây có thời điểm đến hàng chục nghìn con, nhiều loại khác nhau, như cò ruồi, cò ngàng nhỏ, cò ngàng nhỡ, cò lùn xám...

Theo nhiều người dân Làng Ruộng cho biết, từ những năm 70, nhờ điều kiện khí hậu trong lành, nguồn thức ăn dồi dào, cò đã tìm về Núi Hứa làm tổ, trú ngụ.

Khu vực sinh sống chính của đàn cò được chia thành 3 tầng. Tầng trên cùng là những ngọn cây cao là nơi cò đỗ. Tầng giữa là những chạc, cành cây nơi cò làm tổ. Tầng dưới cùng là những cành cây sát mặt đất, nơi những con cò nhỏ tập kiếm ăn, tập bay.

Thời điểm thích hợp nhất để ngắm cò ở đây là mùa hè. Khi đó cò vào mùa sinh sản và phát triển, không gian trở nên náo nhiệt hơn, nhất là thời điểm sáng sớm và chiều tối.

Từng đàn cò chao liệng trên bầu trời của đồng quê, tạo nên khung cảnh thanh bình, diễm lệ, khiến du khách choáng ngợp, say mê.

Nếu du khách đến vào mùa đông có thể khám phá nhiều điều thú vị khác ngoài rừng cò.

Dưới chân núi Hứa, di tích khảo cổ Núi Hứa có quy mô hơn 10.000m2. Các yếu tố gốc của di tích gần như còn nguyên trạng, có loại hình hiện vật độc đáo, trong đó điển hình là công cụ mũi nhọn 2 đầu. Đây là loại hình công cụ duy nhất được phát hiện tại Núi Hứa cho đến nay.

Núi Hứa cũng là căn cứ địa cách mạng, là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Đầm Hà. Năm 2012, di tích khảo cổ, lịch sử, danh thắng Núi Hứa đã được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Men theo con đường nhỏ, len lỏi qua rừng tre, lá cây rừng bám trắng phân cò, từ chân Núi Hứa, du khách sẽ trải qua tuyến đường đi bộ với 459 bậc thang để đến với công trình Cột cờ Núi Hứa. Suốt dọc hành trình, thu vào tầm mắt là sắc xanh mướt của núi rừng cùng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Đứng ở Cột cờ, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn bao quát cả một vùng núi rừng bao la...

Nếu về Đầm Hà, hãy đến với rừng cò Núi Hứa, chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên thơ mộng với hàng nghìn cánh cò trắng liệng bay trên nền xanh lam của bầu trời và những cánh đồng thôn Làng Ruộng mênh mông. 

Để đến được rừng cò Núi Hứa, du khách có thể di chuyển bằng đường bộ (ô tô riêng, xe khách, xe máy...). Đến địa phận huyện Đầm Hà, khi còn cách Trung tâm thị trấn Đầm Hà khoảng 4km, ở đường rẽ vào xã Đại Bình, du khách hỏi đường người dân địa phương vào thôn Làng Ruộng. Người dân Đầm Hà rất thân thiện, mến khách, chắc chắn sẽ nhiệt tình chỉ dẫn đường vào thôn, chân Núi Hứa.

Hoặc để dễ dàng hơn, du khách có thể dừng xe ở Bưu điện trung tâm huyện Đầm Hà, từ đây di chuyển bằng xe ôm hoặc taxi đến thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình, khám phá Núi Hứa - rừng cò.

Theo Minh Hà - Hùng Sơn (Báo Quảng Ninh)

Du lịch, GO!

Yên bình rừng cò núi Hứa