(BCB) - Trong tuyến trải nghiệm du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, xã Kéo Yên (Hà Quảng) là một điểm dừng chân khám phá, trải nghiệm độc đáo với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng với bề dày truyền thống lịch sử và nền văn hóa giàu bản sắc.

Trong hành trình khám phá Kéo Yên, điểm dừng chân đầu tiên là “thung lũng hình túi” nằm ở xã Kéo Yên, cách thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) về phía Đông Bắc, thung lũng Kéo Yên phát triển dọc theo một đứt gãy cùng hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Thung lũng khá hẹp ở phía Tây Bắc, mở rộng dần về phía Đông Nam, đồng thời bề mặt thung lũng cũng nghiêng dần về phía này - vì thế được gọi là “thung lũng hình túi”.

Một dòng suối chảy giữa thung lũng dù chỉ hoạt động vào mùa mưa nhưng cũng khá mạnh cuốn theo cả đá cuội, đá tảng nằm rải rác hai bên bờ và lòng suối. Từ thung lũng ngược lên sườn núi khá dốc nhưng phần đỉnh lại khá bằng. Tập hợp các đỉnh bằng cùng tạo nên bề mặt san bằng phản ánh một kiến tạo khá bình ổn.

Thung lũng có giá trị di sản địa chất lớn vì toàn bộ thung lũng, sườn và đỉnh khu vực Kéo Yên phát triển trên đá vôi hình thành trong điều kiện biển nông và ấm cách ngày nay khoảng 300 triệu năm (kỷ Carbon - Permi). Trong khi đó địa hình hiện tại lại phản ánh những quá trình địa chất trẻ hơn nhiều, như: xâm thực, bóc mòn, phong hóa…, chỉ từ khoảng 5 triệu năm trở lại đây làm nên cảnh quan karst dạng cụm đỉnh - lũng điển hình của chu trình tiến hóa karst nhiệt đới, có giá trị về di sản địa chất.


Đến Kéo Yên còn được trải nghiệm giá trị lịch sử bởi đây là mảnh đất ghi dấu ấn thời kỳ cách mạng Việt Nam 1941 - 1950. Năm 1941, khi Bác Hồ về nước thành lập Mặt trận Việt Minh, xã Kéo Yên được chọn là nơi tổ chức lớp huấn luyện tại Lũng Slưa Thai… Xã có 4 đồng chí được Bác Hồ đặt tên “Kiên, Quyết, Đấu, Tranh”, gồm các đồng chí: Kiên là Ngụy Văn Dèn, Quyết là Lý Văn Khuyến, Đấu là Triệu Văn Liền, Tranh là Lục Văn Hòa… Năm 2000, xã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu.

Là xã 100% dân số là dân tộc Nùng nên Kéo Yên được tô điểm bởi nền văn hóa bản địa rực rỡ sắc màu, thể hiện trong trang phục, tín ngưỡng và văn hóa dân gian của cộng đồng người Nùng tại địa phương. Trải nghiệm văn hóa ẩm thực đem lại nhiều điều thú vị. Đặc biệt nhất, hấp dẫn nhất chính là các món ăn đặc sản theo mùa tại đây có món nhộng ong vò vẽ và nhộng cây báng rất thơm ngon.

Một trải nghiệm độc đáo nữa khi khám phá Kéo Yên đó là “nền văn hóa đá” rất đặc trưng. Những dãy núi đá hùng vỹ giữ đất thành những thửa ruộng bậc thang dưới chân núi bao quanh những xóm nhỏ; con đường quanh co ôm vách núi đá; tường rào xung quanh các ngôi nhà dân đều xây bằng đá; người dân trồng trọt trên các hốc đá, khoét đá để tìm dòng nước...

Đá vừa như một “điểm tựa” vững chắc cho con người nơi đây cùng họ đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn lại vừa như một biểu tượng cho tính cách con người mảnh đất này luôn vững vàng, kiên cường mạnh mẽ mà chất phác, thủy chung. Chạm mắt vào đâu cũng một màu đá xám xen lẫn màu xanh của nương ngô, màu vàng của ruộng lúa tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ.

Kéo Yên được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc đẹp, chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử… cùng với cuộc sống yên bình, con người bình dị mà mến khách nên sẽ là điểm dừng chân khám phá, trải nghiệm thú vị và còn bao điều bí ẩn đang chờ đón du khách.

Theo Xuân Lam (Báo Cao Bằng)

Du lịch, GO!