(BĐO) - Phường Nhơn Thành (TX An Nhơn - Bình Định) có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, văn hóa tâm linh và các làng nghề truyền thống thú vị đáng để bạn tìm đến, trải nghiệm.  

< Chùa Thập Tháp.

Trên địa bàn phường Nhơn Thành có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Trong đó, di tích chùa Thập Tháp (xếp hạng năm 1990) là một địa chỉ văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách. Cung đường di chuyển thuận lợi cho khách phương xa viếng thăm chùa. Nếu từ trung tâm TP Quy  Nhơn, đi theo QL 1A (về phía Bắc) gần 30 km đến cầu Vạn Thuận (khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành), sẽ thấy con đường bên tay trái có bảng hướng dẫn đi thêm chỉ khoảng 200 m là đến ngôi cổ tự được xây dựng từ thế kỷ XVII.

Di tích thứ hai là tháp Phú Lốc (xếp hạng năm 1995) tọa lạc trên ngọn đồi cao khoảng 80 m so với mực nước biển. Nếu đang ở chùa Thập Tháp, bạn quay trở lại QL 1A và đi về phía Bắc thêm khoảng 2 - 3 km đến ngã tư Gò Găng, rẽ phải và đi thêm khoảng 500 m theo con đường mới mở hỏi thăm người dân sẽ nhiệt tình chỉ bạn đường lên tháp Phú Lốc.

Lên đến đỉnh đồi, phóng tầm nhìn ra bốn phía bạn sẽ thấy công sức leo đồi, rẽ cỏ gai rất xứng đáng khi cả một vùng ruộng đồng, sông suối, làng mạc đẹp như tranh vẽ nằm gọn trong mắt bạn. Tháp Phú Lốc được tạo lập từ thế kỷ XII - giai đoạn đầu của phong cách Bình Định và chịu ảnh hưởng của văn hóa Khmer, có kết cấu mảng khối, kiến trúc toát lên sự uy nghi, hoành tráng.

Điều thú vị và thuận lợi ở phường Nhơn Thành mà ít địa phương có được, khi di chuyển trong phạm vi từ 3 - 5 km, bạn có thể thăm quan được nhiều nơi người dân gắn bó giữ nghề truyền thống. Sau khi tham quan chùa Thập Tháp, có thể tìm hiểu về nghề làm đậu khuôn cũng ở khu vực Vạn Thuận. Nổi tiếng nhất ở địa phương là sản phẩm nón lá Gò Găng, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bảo hộ thương hiệu trong toàn quốc từ năm 2018. Nhiều khu vực ở phường Nhơn Thành đều có tập trung các hộ dân làm nón. Trong đó, có các xóm dân cư ngay phía dưới khu vực tháp Phú Lốc, rất tiện để bạn có thể ghé thăm và tìm hiểu làng nghề.

Ruổi rong ở Nhơn Thành bạn còn có thể đến với hai làng nghề truyền thống khác - làng cốm An Lợi (khu vực An Lợi) và làng bánh hỏi, bánh ướt Nhơn Thuận (khu vực Nhơn Thuận). Nhiều năm đã trôi qua, thợ cốm An Lợi vẫn giữ nguyên cách làm cốm cũ, với nhiều công đoạn vẫn hoàn toàn làm bằng tay. Làng nghề có hai sản phẩm truyền thống là cốm nếp dẻo và cốm gạo giòn. Bạn có thể thưởng thức ngay những miếng cốm thơm ngon hơn vừa được làm tại chỗ, hay mua những bịch cốm về làm quà. Cốm An Lợi không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà đã đi xa khắp trong Nam ngoài Bắc.

Tương tự, đến với làng bánh hỏi, bánh ướt, bạn sẽ thấy vui khi hàng ngày bánh hỏi bánh ướt Nhơn Thuận vẫn đều đặn theo xe khách vào TP Hồ Chí Minh sau đó lan tỏa khắp các tỉnh miền Nam, hay ngược đường đến với những cộng đồng xứ Nẫu trên đất cao nguyên...

Theo Hoài Thu (Báo Bình Định)

Du lịch, GO!