(BACM) - Là địa phương cực Nam của Tổ quốc, với 3 mặt giáp biển, huyện Ngọc Hiển được thiên nhiên ưu đãi hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và nhiều sản vật vô cùng phong phú.

Tên của huyện được đặt tên theo người anh hùng thời chống Pháp Phan Ngọc Hiển (1910 - 1941). Huyện Ngọc Hiển có 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Rạch Gốc (huyện lỵ) và 6 xã: Đất Mũi, Tam Giang Tây, Tân Ân Tây, Tân Ân, Viên An, Viên An Đông.

Do ranh giới phía bắc của huyện là sông Cửa Lớn và sông Bồ Đề nên địa bàn huyện Ngọc Hiển bị tách biệt như một cù lao. Nhìn chung địa hình bằng phẳng, nhưng địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông rạch tự nhiên và kênh mương chằng chịt, có nhiều con sông rất rộng (sông Cửa Lớn có chiều rộng từ 400 - 1.000m).

Ngọc Hiển có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Mũi Cà Mau được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Ngoài ra còn có Di tích lịch sử cấp Quốc gia đảo Hòn Khoai, Khu di tích lịch sử Quốc gia Bến Vàm Lũng, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Cây me Tân Ân, Di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ xã Viên An; danh thắng cồn Ông Trang, sông Cửa Lớn, cửa biển Tân Ân, cửa Bồ Đề, Khu du lịch Khai Long 

Ngọc Hiển có các làng nghề truyền thống như: Tôm khô Rạch Gốc, cá khoai Đất Mũi và đặc biệt là nghề muối ba khía được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia… Tất cả đã tạo cho huyện Ngọc Hiển một lợi thế vô cùng to lớn để phát triển du lịch.

Huyện Ngọc Hiển là huyện cuối cùng trên bản đồ của đất nước Việt Nam, có Mũi Cà Mau là điểm mốc quốc gia cuối cùng trên đất liền về phía Nam (có ý nghĩa như Mục Nam Quan ở biên giới phía Bắc).

Chủ tịch UBND huyện, ông Lý Hoàng Tiến thông tin: “Ngọc Hiển là địa phương phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh. Tại Mũi Cà Mau có biểu tượng Cột cờ Hà Nội, Điểm cuối đường Hồ Chí Minh, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, Cột mốc tọa độ Quốc gia, biểu tượng cua biển, khu sinh thái cộng đồng…, tạo điều kiện thu hút lượng lớn khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đưa ra mục tiêu xây dựng xã Đất Mũi trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh; phát triển mạnh du lịch sinh thái gắn với hình thành, phát huy các làng nghề truyền thống; nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng thế mạnh phục vụ du lịch; đến cuối năm 2025 thu hút khoảng 1.050.000 lượt khách đến tham quan du lịch. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện phát triển trên 40 điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, phát triển 5 làng nghề truyền thống, 4 sản phẩm mang tính đặc trưng của Đất Mũi, 4 tuyến du lịch. Tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế Khu du lịch Đất Mũi; tranh thủ mở rộng phát triển du lịch những nơi thuận lợi ở các xã: Tân Ân, Tân Ân Tây, Tam Giang Tây và Viên An; phối hợp chặt chẽ với Vườn Quốc gia mở tuyến du lịch sinh thái để khách tham quan về rừng, hiểu được cảnh vật và con người Đất Mũi”.

Theo Huỳnh Lâm (Báo Ảmh Cà Mau)

Du lịch, GO!