(BAVN) - Trong chuyến công tác về huyện Bá Thước, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi may mắn được tham gia đoàn công tác của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông lên đỉnh Pù Luông để khảo sát, đánh giá về một loài lan quý hiếm với tên gọi là Lan kim tuyến, được giới y học mệnh danh là Nam trùng thảo của người Việt.

< Rừng nguyên sinh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa

là môi trường lý tưởng cho các loài lan sinh trưởng và phát triển.

Chạm mặt loài cây “Cơn ác mộng của rừng Tây Bắc”

Từ lâu, trong giới y học cổ truyền đã đồn đại về một giống lan kim tuyến đặc biệt quý hiếm, có khả năng tăng cường sức khỏe đặc biệt và chữa trị được bệnh ung thư, tiêu đường. Có thời gian, cây lan này được rao bán trên mạng với giá 100 triệu/lạng.

< Vượt qua những vách núi đá vôi trong hành trình tìm lan kim tuyến.

Ở Việt Nam hiện nay thống kê được khoảng hơn 15 loài, sinh sống dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Trường Sơn. Loài lan này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d và bị cấm khai thác sử dụng mục đích thương mại. Chính vì thế Trương Viết Hợp công tác ở Trung tâm bảo tồn Phát triển sinh vật và Dịch vụ môi trường rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông bảo rằng: “Hành trình của chuyến đi khảo sát hoàn toàn bí mật, không có đường, luồn rừng leo núi mà đi để tránh bị sơn tràng theo dõi, họ sẽ lên khai thác vì giá trị cây lan này rất cao”.

Chúng tôi xuất phát cùng đoàn cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông từ tờ mờ sáng với hành trang nặng lưng, khi cả núi rừng còn chìm trong màn sương khổng lồ. Xuyên quá những tán rừng thấp với những đàn vắt nhô đầu như nong tằm, nhảy tanh tách khi thấy hơi người, chúng tôi bắt đầu trèo ngang qua nhưng núi đá vôi lởm chởm. Đọc tài liệu về Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thì được biết, khu vực này chiếm vị trí quan trọng ở phía Tây Bắc của dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương, là một mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái núi đá vôi, là khu vực đất thấp lớn còn lại duy nhất ở miền Bắc Việt Nam.

< Vượt qua đoạn rừng có những cây cổ thụ già mục ruỗng đổ xuống chắn lối.

Theo kết quả điều tra lập danh lục hệ động thực vật năm 2013 đã ghi nhận tại Khu bảo tồn hiện có 2.487 loài thuộc 476 họ và 1.329 chi, gồm có 908 động vật; 1.579 loài thực vật. Vì thế nên trên đường chúng tôi đi gặp rất nhiều thảm thực vật lạ và nhiều loài lan nở đẹp bám vào những cây nghiến cổ thụ có gốc to đến 2-3 người ôm.

Mới thoát khỏi ám ảnh với đàn vắt rừng đeo bám, chúng tôi được Trương Viết Hợp cảnh báo về một hiểm họa mới khi trèo trên những dãy núi đá vôi đấy là cây han. Hợp bảo rằng, bên cạnh những loại dược liệu quý, thì trên rừng Pù Luông có rất nhiều cây lá han được mệnh danh là "Cơn các mộng của rừng Tây Bắc". Bởi, chỉ cần chạm và lá cây này sẽ gây ngứa, rát đến tận xương tủy, có cảm giác đau rát kinh hoàng lan tràn khắp cơ thể. Nguy hiểm hơn là vết ngứa rát sẽ lan rộng và kéo dài dai dẳng đến nhiều tháng sau. Loài cây này đã gây nhiều phen kinh hoàng cho giới sơn tràng ở Pù Luông.

< Qua rừng nghiến cổ thụ.

Không chỉ cảnh báo, Hợp còn tận tay chỉ một cây lá han mọc cheo leo trên vách đá để chúng tôi phòng tránh.

Chúng tôi trèo qua nhiều ngọn núi đá vôi thấp, cây, dây dại mọc chằng chị chắn lối, phải dùng dựa phát cây mở đường. Theo những đợt khảo sát trước đây của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, loài lan kim tuyến này thường mọc trên núi đá vôi có độ cao 1500m so với với mực nước biển. Máy định vị của chúng tôi cứ nhích dần từ 200, 400 rồi 700m thì rừng rậm tán thấp đã bịt hoàn toàn lối đi. Rừng ở đây dày đến nỗi, đồng hồ chỉ 12h trưa nhưng có rất ít tia nắng lọt được xuống mặt đất. Chúng tôi lại đi xuyên qua một hang đá nhỏ với thảm thực vật, cây dương xỉ xanh mướt được chút sáng le lói dọi vào đẹp chẳng khác gì đi trong hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình.

Chúng tôi buộc phải đi ngược theo con suối khô, hai bên những tảng đá to như trâu mộng, rêu bám xanh rì, có cảm giác như nơi đây lâu lắm không có dấu chân người. Càng lên cao, không khí thâm u của rừng già tĩnh mịnh gợi lên một cảm giác rờn rợn khó tả. Trương Văn Hợp bảo, nếu ví diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với 17.660 ha là một thảm động thực vật khổng lồ, thì nơi này chính là thủ phủ của thảm động thực vật đó. 

Các cuộc khảo sát trước đây của Khu bảo tồn ghi nhận, nơi đây có dấu hiệu sinh trưởng của các loài thực vật năm trong sách đỏ như Thông Pà Cò, Thông lá đỏ, Lan kim tuyến...  nên khu vục này được Khu bảo tồn và chính quyền bảo vệ nghiêm ngặt.

< Do đặc điểm núi ở Pù Luông là núi đá vôi nên hình thành nhiều hang nhỏ với hệ thực vật trong hang vô cùng phong phú.

Cái thông tin được bảo vệ nghiệm ngặt và ít dấu chân người được chúng tôi kiểm chứng bằng việc bắt gặp một con trăn gấm dài khoảng 3 mét nằm chắn ngang dòng suối cạn. Để mở đường ngược suối, Hợp và một số cán bộ trong đoàn khảo sát đã dùng cây rừng đánh động, dùng những viên đá nhỏ ném về phía con trăn gấm nhưng con trăn vẫn không nhúc nhích, thậm chí nó không thèm ngóc đầu để nhìn chúng tôi. Hợp lý giải: “Con trăn này nó chưa từng có cảm giác bị con người đe dọa đến môi trường sống của nó nên nó mất cảm giác phản xạ trốn tránh con người”.

Chúng tôi đành dùng dựa phát lối để tránh con trăn gấm đó. Cây và dây rừng ở đây ken dày đến nỗi, cây dựa phát vào cứ bật ra như chém vào cao su, có đoạn, chúng tôi phải trườn, leo như khỉ mới qua được đoạn dài khoảng 30m để tránh chú trăn gấm ương bướng.

< Chạm mặt cây lá han được ví là “Cơn ác mộng của rừng Tây Bắc”.

Nhìn vào máy định vị, Hợp bảo, đã đến độ cao là nơi sinh trưởng lý tưởng của lan kim tuyến. Đoàn công tác phát cây dại để tìm. Với tôi, mắt chưa từng mục sở thị loài lan này nên chỉ đứng yên để hoàn hồn sau cái cảm giác gặp con trăn gấm chăn đường. Chừng 15 phút sau, Hợp reo to: “Tìm thấy rồi”. Dưới lớp lá rừng ẩm ướt ven con suối khô, một vài cây lan kim tuyến đang nhú những mần đỏ vươn lên tìm ánh sáng và gió. Hợp cẩn thận dùng những máy móc chuyên dụng để đo độ cao, độ ẩm xung quanh đám lan này mọc. Quanh khu vực đó với bán kính chừng 20 mét, chúng tôi cũng đã phát hiện thêm một vài bụi lan đang sinh trưởng. Hợp bảo, “Các cụ nói cấm có sai, đi đường gặp rùa thì hỏng việc, gặp trăn gặp rắn thì mọi việc hanh thông”. Những đợt khảo sát trước, Đoàn công tác phải mất gần nửa ngày mới tìm được một vài cây lan kim tuyến và cũng không có dấu hiệu giống này sinh trưởng rộng như lần này.

< Rừng nguyên sinh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, môi trường lý tưởng cho các loài lan sinh trưởng và phát triển.

Chúng tôi lại mất 8 tiếng đồng hồ đánh vật với dưới những tán rừng, di chuyên bằng nhiều cách như leo trèo, đu, đi bộ và tăng bo xe máy trên đường đất trơn oành oạch để về đến trạm gác rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Chuyến đi này, chúng tôi chỉ mang về là những tấm ảnh và để lại rừng là những dấu chân. Nhưng trong tôi vẫn hoài nghi, giống cây lan mà chúng tôi tìm thấy, đã chụp ảnh có phải là loài lan kim tuyến vô cùng quý hiếm được ví như Nam trùng thảo của người Việt hay không?

Mục sở thị Nam trùng thảo

Qua tìm hiểu một số thông tin từ người già ở xã Thành Sơn thì được biết, trước đây, loài lan này mọc rất nhiều ở rừng Pù Luông. Từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã tìm thấy và nhận biết những giá trị đặc biệt của giống lan này nên bắt bà con trong vùng tìm kiếm, phơi khô rồi chuyển đi. Người Pháp còn xây dựng hẳn một sân bay trực thăng trên đỉnh Pù Luông để vận chuyển sản vật, trong đó có Lan kim tuyến và vàng về Pháp. Thông tin này được chúng tôi xác thực một phần thông qua tài liệu và báo chí rằng, trước năm 1996, khu vực này là thủ phủ của tỉnh Thanh Hóa về nạn khai thác vàng sa khoáng. Sau khi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập vào năm 1999 đã khoanh vùng bảo vệ và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thì nạn khai thác vàng mới chấm dứt hẳn.

< Loài lan kim tuyến sinh trưởng ở Pù Luông được ví như Nam trùng thảo của người Việt.

Chúng tôi cũng mang một phần thắc mắc còn lại hỏi Trương Văn Hợp thì được khẳng định rằng, trong lịch sử huyện Bá Thước cũng có ghi chuyện Pháp xây dựng sân bay trực thăng trên đỉnh Pù Luông, sau này sân bay đó bị binh đoàn Tây Tiến (Binh đoàn này nổi tiếng trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng) đánh chiếm. Mặt khác qua nhiều cuộc khảo sát, điền dã của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cũng đã phát hiện dấu tích nền móng và mặt bằng của sân bay này trên một ngọn núi cao ở Pù Luông.

Qua tìm hiểu ông Kho Nếch, ở bản Kho Mường ở xã Thành Sơn thì được biết, ông cũng chỉ nghe bố mẹ kể lại rằng trước năm 1945, những người bị ho, bị sốt, bị ốm yếu lấu ngày trong bản thì thường sai người nhà lên rừng tìm một loài lan mang về phơi khô, nấu lấy nước uống thì chữa bệnh vô cùng hiệu nghiệm. Còn đến đời ông Nếch, cũng đi khắp hang cùng ngõ hẻm của núi rừng Pù Luông ông chưa từng thấy loại lan này mọc, hoặc có thấy, ông cũng không biết đấy là loài lan kim tuyến quý hiếm.

Được biết, năm 2017, Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát các loài lan phân bố trên các sinh cảnh khác nhau như: rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, rừng lá rộng thường xanh trên núi đá vôi, rừng nửa rụng lá nhiệt đới trên đất thấp tại Pù Luông cũng đã thu thập được 24 mẫu lan rừng thuộc 12 loài, trong đó có một số loài lan quý hiếm như: Quế lan hương (Aerides odorata Lour. 1790), Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume, 1825), Thủy tiên hường (Dendrobium amabile (Lour.) O’Brien, 1909)... 

< Đo nhiệt độ, độ cao, độ ẩm vùng lan kim tuyến sinh trưởng và phát triển.

Mục đích của chuyến công tác này nhằm điều tra và thu thập bổ sung về số lượng và thành phần một số loài lan còn thiếu hoặc có số lượng ít tại Vườn thực vật của Bảo tàng và tạo môi trường, cảnh quan phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan và học tập.

Mặt khác theo kết quả điều tra chính thức của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được tiến hành vào tháng 9/2019 cũng đã ghi nhận có 230 loài, 176 chi thuộc 82 họ từ lâu đã được người dân biết đến và sử dụng trong việc chữa bệnh. Theo khảo sát còn có 33 loài cây thuốc quý hiếm, nguy cấp có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam, năm 2007 như cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến đá vôi, khôi tía...

Qua những thông tin trên, đích thị chúng tôi đã tìm thấy loài dược liệu quý chính là lan kim tuyến, loài lan được mệnh danh Nam trùng thảo của người Việt.

Theo Hải Yến (Báo Ảnh VN)

Du lịch, GO!