(BQN) - Nằm nép mình dưới chân núi Cao Xiêm - “nóc nhà” của Quảng Ninh, Khe Coóc là một xóm người Dao thuộc thôn Khe Bốc, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu. 

Cách trung tâm huyện chỉ chừng 10km nhưng Khe Coóc lại gần như hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. “Mục sở thị” cuộc sống của bà con nơi đây, chúng tôi mới biết được một Khe Coóc như thế - một mảng màu khác trong nhịp sống hiện đại, hối hả hiện nay.

Gập ghềnh đường lên Khe Coóc

Biết nhiều đến Khe Coóc qua lời kể của các bạn ở Đài TTTH địa phương từ lâu nhưng tôi chưa lần nào có dịp đến nơi đây. Lần này lên Bình Liêu công tác, tôi quyết tâm đi Khe Coóc để tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây. Ngỏ ý với các anh, chị của Đài Bình Liêu, ai nấy đều tỏ ra quan ngại cho chuyến đi này.

< Đường vào Khe Coóc...

Chị Hoàng Gái, người thân thiết với nhiều phóng viên Báo Quảng Ninh, cảnh báo: “Chị từng đi Khe Coóc một lần rồi nên chị biết. Bản này không xa lắm nhưng hiểm trở và gập ghềnh cực kỳ khó đi em ạ. Nhiều cung đường vừa dốc đứng vừa nhấp nhô toàn sỏi đá. Bây giờ nghĩ lại chặng đường vào Khe Coóc vẫn còn thấy sởn hết da gà. Đi là xác định trầy da, dập gối đấy, có đi không?”. Nghe vậy nhưng tôi vẫn kiên quyết gật đầu. Thế là chúng tôi lên đường.

Bình Liêu mùa này mưa nắng thất thường. Thi thoảng lại có những cơn mưa bất chợt theo đám mây. Chúng tôi vừa xuất phát thì một cơn mưa bất ngờ ập xuống như báo hiệu một chuyến đi đầy trắc trở. Để đảm bảo an toàn cho chúng tôi trong chuyến công tác này, xã Tình Húc bố trí thêm một đồng chí cán bộ chính sách tên Bình, trạc ngoài 40 tuổi  đi cùng. Đi hết quãng đường bằng phẳng từ trung tâm huyện vào đến thôn Pắc Liềng 1, xã Tình Húc là đến cung đường hiểm trở dẫn vào Khe Coóc.

Đến đây, anh Bình ới tôi với chị Gái dừng lại, rồi đề nghị: “Từ đây lên bản chỉ còn hơn 4km, chúng ta gửi xe ở đây rồi đi bộ vào thôi. Ở đây cũng vừa mới mưa xong, đường chắc là trơn trượt lắm, không đi được xe đâu!”. Nghe thấy thế, chị Gái khoát tay quả quyết: “Cứ đi đi anh ơi. Bốn cây nhưng mà đường dốc đứng lại khó đi như thế, đi bộ thì mỏi chân lắm. Đến đâu không đi được xe nữa thì để xe đấy đi bộ”.

Tôi đã đi rất nhiều cung đường đồi núi ở trong tỉnh nhưng có lẽ Bình Liêu là địa phương có nhiều cung đường hiểm trở nhất. Và trong số những con đường tôi đã đi qua thì con đường dẫn vào Khe Coóc có lẽ là gian nan, vất vả nhất. Mùa này mưa nhiều nên đất ở trên đường đều bị cuốn trôi hết, trơ lại toàn đá sỏi, đá tảng nhấp nhô, gồ ghề. Những đoạn đường phía dưới toàn bùn đất thì nhầy nhụa, nhão nhoét. Cơn mưa ban nãy càng làm con đường chúng tôi đang đi trở nên khó khăn hơn. Xe vào đoạn đường mòn sình lầy toàn bùn đất thì bánh ngập sâu xuống bùn. Ga mạnh, bánh xe cũng chỉ quay tại chỗ, bắn bùn đất tứ tung. Dắt bộ qua đoạn này là đến những dốc núi dựng cao, nhô toàn sỏi đá. Bánh xe lảo đảo liên tục. Để vượt qua được những chặng đường này, lúc nào chị Gái cũng cài máy số 1.

Vừa đi, chị vừa vít ga đều tay hết cỡ, vừa dùng chân đẩy xe leo lên. Nhìn đôi tay gân đỏ lên vì phải ghìm xe liên tục của chị, tôi thấy thương cho bà con nơi vùng đất rẻo cao này. Sau gần một tiếng đồng hồ vật lộn với con đường, chúng tôi đến được xóm Khe Coóc nằm nép mình dưới chân núi Cao Xiêm.

Cái khó kéo theo cái nghèo

Nhìn từ xa, Khe Coóc hoàn toàn bị vây kín bởi những ngọn núi, rừng cây xung quanh. Đây là nơi cư trú của 90 người Dao Thanh Phán. Cuộc sống của bà con nơi đây nghèo nàn và lạc hậu. Đường đi lại khó khăn, hiểm trở nên Khe Coóc dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Rót nước mời chúng tôi trong căn nhà xây bằng gạch trình tường ẩm thấp, ông Chíu Vằn Thìn, Bí thư Chi bộ thôn Khe Bốc, cho biết: “Trình độ dân trí của người dân Khe Coóc rất thấp, sống rải rác cách nhau hàng cây số. Họ chủ yếu sống dựa vào phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp. Bà con trồng lúa, ngô, khoai, sắn; nuôi con lợn, con gà và trồng một ít hồi, quế. Sản xuất đều manh mún, nhỏ lẻ chỉ đủ để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày theo hình thức “tự cung tự cấp”. Mọi thu nhập chỉ trông chờ vào trồng rừng, nhưng cả xóm hiện chỉ có khoảng 36ha rừng trồng hồi, quế. Người dân làm ăn, phát triển sản xuất hầu như đều mang tính tự phát, thích gì làm nấy, nên không hiệu quả. Chính vì vậy, cả xóm không có lấy một mô hình kinh tế nào rõ nét, hiệu quả. Nhà thì nuôi vài ba tổ ong, nhà thì trồng một ít dong riềng, nhà nuôi dăm con lợn, con gà…”.

< Từ ngày có điện, cuộc sống của người dân Khe Coóc được cải thiện hơn.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Khe Coóc là đường giao thông đi lại. Ông Thìn tâm sự: Mặc dù không cách xa trung tâm xã, huyện là bao nhưng đường ở đây quanh năm đi lại khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa, người dân hầu như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nước mưa cộng với nước thượng nguồn từ trên núi Cao Xiêm đổ xuống khiến đường bị xói mòn nghiêm trọng, thậm chí còn gây sạt lở. Năm 2015, được các tổ chức, đoàn thể trong xã hỗ trợ 5 tấn xi măng, thôn đã đầu tư làm đường bê tông rộng 50cm, dày 5cm ở một số đoạn đường hiểm trở. Tuy nhiên, đến nay những đoạn có đổ xi măng đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Do đường đi khó, nên mọi nông sản của bà con làm ra đều khó tiêu thụ, bị người mua ép giá. Việc giao lưu, trao đổi hàng hoá với bên ngoài cũng chỉ diễn ra một tuần/lần.

Không chỉ đi lại cách trở, nguồn nước sạch cũng chưa đến được với bà con, nên dân bản ở đây thường dẫn nước từ trong khe về làm nước sinh hoạt. Từ cuối năm 2015 trở về trước, Khe Coóc còn chưa có điện lưới. Không có điện sinh hoạt khiến cuộc sống của bà con dân bản khó khăn trăm bề. Việc tiếp cận văn hoá thông tin bị hạn chế. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì càng xa vời đối với người dân nơi đây. Từ việc khó về đường đi, điện chiếu sáng đến việc mù thông tin văn hoá khiến cho cuộc sống ở Khe Coóc đã nghèo về vật chất còn nghèo cả về tinh thần. Xóm có 18 hộ thì cả 18 hộ đều là hộ nghèo.

< Vải của gia đình anh Chíu Chăn Sống, xóm Khe Coóc, thôn Khe Bốc, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu chỉ để dùng vì vận chuyển đi bán quá khó khăn.

Đi cùng ông Chíu Vằn Thìn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Chíu Chăn Sống, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhất của xóm. So với những hộ khác ở Khe Coóc, nhà anh được xem là khá giả với ngôi nhà cấp 4 xây bằng gạch xi măng với vài vật dụng đơn sơ. Ngoài nuôi lợn, nuôi gà, gia đình anh còn nuôi ong lấy mật, đào ao thả cá; trồng rau màu các loại, trồng cây dong riềng làm miến cung cấp cho thôn, xã.

Anh Sống chia sẻ: “Chúng tôi chăn nuôi, trồng trọt theo kiểu mùa nào thức nấy. Việc gì hai vợ chồng tôi cũng làm. Nếu mỗi một loại được tính là một mô hình kinh tế thì gia đình tôi có nhiều mô hình lắm. Nào là ong lấy mật, nào là lợn thịt, nào là dong riềng… Thế nhưng, tôi chỉ trồng và chăn nuôi theo kinh nghiệm, không ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên hiệu quả không cao. Không có vốn để đầu tư nên chỉ làm nhỏ lẻ, chỉ đủ phục vụ gia đình chứ chẳng mang lại thu nhập gì lớn. Thời gian gần đây, tôi đang tính xem mình nên làm tập trung một mô hình kinh tế nào đó, chứ không làm dàn trải như thế này nữa. Song, vẫn chưa biết nên làm gì và làm như thế nào cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Khe Coóc. Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng tôi mà còn là trăn trở của đa số bà con nơi này”.

18 giờ, mặt trời xuống núi, cả xóm Khe Coóc chìm sâu vào núi rừng trong tiếng côn trùng kêu rền rĩ. Những nóc nhà khuất lấp sau những rặng cây rừng xanh đen thăm thẳm. Thấp thoáng đâu đó le lói chút ánh sáng mờ mờ từ bóng điện đỏ. Khung cảnh của xóm Khe Coóc lúc này quá đỗi tịch liêu. Nhìn khung cảnh này, nỗi lo lắng về con đường trở về huyện gian nan phía trước của chúng tôi dường như tan biến. Thay vào đó, đau đáu trong lòng tôi vẫn là câu nói xúc động của ông Bí thư Chi bộ Chíu Vằn Thìn: “Bản mình còn nghèo, chỉ mong sao bà con sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó, lạc hậu. Đất nước bây giờ phát triển rồi, mong Nhà nước quan tâm đến vùng cao khó khăn này, sớm cho chúng tôi một con đường và hơn hết là dạy chúng tôi làm các mô hình kinh tế hiệu quả”.

Theo Hoàng Anh (Báo Quảng Ninh)

Du lịch, GO!