(CTTĐTQB) - Từ quốc lộ 1A rẽ lên hướng Tây theo đường tỉnh lộ 12 khoảng 3 km rẽ phía phải chừng 500m chúng ta sẽ đến với di tích đình Tượng Sơn và lăng mộ danh tướng Nguyễn Dụng. 

Đình Tượng Sơn nằm ngay trung tâm xã Quảng Long, trên một thế đất tương đối cao, phía trước có dòng sông Mai (sông Kênh Kịa) chảy qua, sau dựa vào triền cát như ôm trọn lấy làng Tượng Sơn.

Lịch sử xây dựng đình làng gắn với lịch sử xây dựng và phát triển cùng với những biến động về chính trị - xã hội diễn ra trên vùng đất Quảng Long, Quảng Trạch (thời phong kiến thuộc xã Đại Đan, tổng Thuận Bài). Đình được xây dựng vào năm Canh Ngọ (1750), đời vua Cảnh Hưng thứ XI đến nay đã hơn 250 năm.

Đình Tượng Sơn lúc đầu xây dựng để thờ và ghi công các vị tổ đã có công khai khẩn lập ra làng Đại Đan và những vị được vua giao "Bảo quốc hộ dân", sau này thờ các vị thần trung quân ái quốc. Qua ký ức của nhiều thế hệ dân làng, đình Tượng Sơn là một trong những ngôi đình lớn trên đất Quảng Bình lúc bấy giờ. Đình được xây dựng và bài trí khá công phu. Đình gồm sân đình, tiền đình và hậu đình. Sân đình, tiền đình là nơi diễn ra lễ hội và nơi vui chơi giải trí, gặp mặt tế lễ, hội họp, rước sắc của làng. Hậu đình là nơi thờ Thành Hoàng và các vị thần có công với quê hương đất nước. Đình Tượng Sơn là sự kết hợp giữa chính quyền và thần quyền.

Sau vụ đàn áp phong trào Cần Vương ở huyện Quảng Trạch thất bại (1888), thực dân Pháp điên cuồng tìm cách trả thù. Chúng đã lợi dụng hiềm khích giữa dân lương giáo, xúi giục bọn việt gian đội lốt tôn giáo đốt cháy đình làng. Dù rằng lúc này Đình chỉ còn lại dấu tích một thời, nhưng hình ảnh ngôi đình làng vẫn in đậm trong ký ức của mỗi người dân. Với tâm huyết đó, mùa xuân năm Nhâm Tý (1912) đình làng được khởi công xây dựng lại trên nền đình cũ theo kiến trúc của triều Nguyễn. Sau một năm chung lòng chung sức, góp công góp của của cộng đồng làng, đến mùa xuân năm Quý Sửu (1913) đình làng hoàn thành. Về cấu trúc, đình xây dựng lại lần 2 cơ bản vẫn như cũ nhưng đồ sộ và hoàn hảo hơn. Đặc biệt phần trang trí phối cảnh bên ngoài cũng như các chi tiết đường nét hoa văn, chạm trổ hình ảnh con voi trận được khắc ở bình phong đều thể hiện rõ tinh thần thượng võ của vùng đất Tượng Sơn. Riêng phần hậu đình ngoài việc thờ Thành Hoàng làng còn thờ vua Quang Trung và danh tướng Nguyễn Dụng ở chính diện hợp với ý nguyện lòng dân.

Năm 1968, do tính chất của cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt của đế quốc Mỹ, ngôi đình lại bị bom đánh sập. Mãi cho đến năm 1993, Đảng bộ và nhân dân Quảng Long đã phục hồi lại phần hậu đình gồm 3 gian, được xây bằng đá, gạch, xi măng, mái lợp ngói như hiện trạng ngày nay. Tuy nhiên, việc làm đó cũng mới chỉ dừng lại việc phục hồi nơi thờ tự, chứ chưa tái hiện lại phần kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình ngày xưa.

Đình Tượng Sơn là một công trình lịch sử - văn hóa, là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất Quảng Long là nơi trao truyền giá trị văn hóa giữa các thế hệ. Các phong tục, lễ hội của làng diễn ra ở Đình đều tập trung phản ánh các quan niệm thờ cúng và thể hiện tư tưởng người nông dân làng xã trong sự tôn vinh các vị thần.

Đặc biệt, các trò chơi như cướp cù, chọi gà, đi voi, đấu vật... trong các ngày lễ hội (lễ Nguyên Đán; lễ Xuân Thử; lễ Thượng Nguyên; lễ Hạ Nguyên; lễ giỗ Thành Hoàng 15/6), là những hoạt động mà thông qua đó để dân làng gửi gắm những mong muốn của mình vào cuộc sống vào thế giới tâm linh.

Cùng với những giá trị về văn hóa mà dân làng Tượng Sơn đã tạo ra và gửi gắm, ngôi đình làng cũng đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử diễn ra trên quê hương mình.

Trong những năm vận động thành lập chi bộ Đảng ở địa phương, Đình Tượng Sơn là nơi các chiến sĩ cộng sản đi lại, họp kín để trao đổi, tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng.

Thời kỳ tiến tới tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8, đình làng cũng là nơi diễn ra các cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy hưởng ứng sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Đêm 19/8/1945, tại đình làng, Ban vận động và chỉ đạo khởi nghĩa xã được thành lập. Tại đây ngày 23/8/1945, tên lý trưởng đã giao nộp ấn tín và sổ sách cho Việt Minh.

Hoà bình lập lại (1954), đình Tượng Sơn là trụ sở hành chính trong một thời gian khá dài của uỷ ban xã Quảng Long.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đảm bảo cho việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Đình Tượng Sơn trở thành nơi tập kết, dừng chân của các đơn vị bộ đội, nơi trung tâm tiếp nhận hàng hóa, vũ khí. Ngoài ra đình cũng là nơi chứa đựng quân khí của đại đội 365, pháo 37, Bệnh viện Quảng Trạch cũng đóng ở đây.

Khi phát hiện được những điểm cất dấu hàng nên đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt vùng đất Quảng Long, lúc này đình đã bị đánh sập. Nhưng với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Long đã dùng số gỗ còn lại để làm hầm phòng không, hầm cứu thương và phần lớn đưa ra làm cầu Kênh Kịa cho xe qua. Có thể nói trong những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đình Tượng Sơn đã góp một phần đẩy nhanh sự nghiệp thống nhất đất nước.

Cách đình Tượng Sơn khoảng 1 km về hướng Bắc là phần lăng mộ của danh tướng Nguyễn Dụng. Ông là một người con của làng Tượng Sơn, sinh ra trong thời buổi loạn lạc chế độ phong kiến Đàng Ngoài khủng hoảng sâu sắc, bên cạnh đó chính quyền chúa Trịnh lộ rõ sự mục nát phản động, đàn áp dân nghèo.

Ở Đàng Trong dưới chế độ chính trị hà khắc và ngột ngạt của họ Nguyễn, nhân dân từ lâu đã tích chứa bất mãn. Với sự bùng nổ của phong trào Tây Sơn 1771, đã đưa Nguyễn Dụng đi theo dưới ngọn cờ của Nguyễn Huệ với mục đích chính là giải phóng dân nghèo, đem lại cuộc sống ấm no cho quê hương mình. Ông đã cùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đi suốt cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đầu năm 1785, Nguyễn Dụng cũng có mặt trong đội quân do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến vào Mỹ Tho, làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1/1785).

Theo trích lược lịch sử làng Tượng Sơn ghi lại: ’’Trên đường tiến quân đại phá quân Thanh (1789), tướng Nguyễn Dụng luôn đi đầu trong đội quân tiên phong thiện chiến (chủ yếu là con em vùng Thuận Hóa), mang tính tiền trạm, mở đường cho Nguyễn Huệ cùng binh sĩ tiến công. Với công lao đó, ông được phong chức Chưởng Võ’’.

Ngày 24/12/1788, khi hàng vạn quân sĩ cùng với đội quân voi chiến đi qua sông Gianh, Nguyễn Dụng đã đưa đại binh về đóng ở đình làng Tượng Sơn quê mình để nghỉ chân, chấn chỉnh lại đội ngũ, đồng thời chiêu mộ thêm binh lính. Tại đây, dân làng nô nức thực hiện lời kêu gọi của Nguyễn Huệ "nhất tâm suất vi binh", làng có rất nhiều người được phiên chế vào đội quân chiến đấu của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Lúc này hơn bao giờ hết phong trào nông dân Tây Sơn đang phát triển thành một phong trào dân tộc rộng rãi. Khi tiến quân ra Tam Điệp, ngày 15/1/1789, Quang Trung mở cuộc tấn công lớn nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân địch, tướng Nguyễn Dụng cũng nằm trong đạo quân chủ lực vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy). Dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung, một lần nữa Nguyễn Dụng đã góp một phần công lao của mình vào cuộc đại phá 29 vạn quân Thanh, ông được vua Quang Trung phong đến chức Thống chế quận công.

Trong suốt hành trình tiến đánh quân Thanh cho đến khi thắng lợi, Nguyễn Dụng là một tướng tài được Quang Trung trọng dụng. Để tưởng nhớ đến công lao của Nguyễn Dụng và đội quân voi trận của Quang Trung, dân làng Đại Đan lấy tên đình làng là ’’Tượng Sơn’’ và Đình cũng được vua Quang Trung - Nguyễn Huệ phong tặng hai câu đối:

"Đệ nhất nghè thổ vương miếu vũ
Kim ấn ban phong Tượng Sơn thôn".

Nguyễn Dụng mất ngày 20/6 ất Hợi (1815), được dân làng rước vong linh lập bàn thờ tại đình làng để ghi nhớ công lao của một người con quê hương đã ghi nghĩa lớn giúp nước, giúp đời. Với những đóng góp của mình, ông được triều Nguyễn truy phong và dưới thời vua Tự Đức (1847-1883) lăng mộ của ông được xây lại to và đẹp hơn. Lăng mộ được đặt theo hướng Tây Nam, xây bằng đá và gạch có tường bao quanh. Phần trước lăng mộ có bình phong trang trí bởi những đường nét gấp khúc, uốn lượn mềm mại, ở giữa bình phong có đắp nổi hình con hổ dũng mãnh. Sau bình phong là phần mộ, bia mộ và am thờ danh tướng Nguyễn Dụng với dòng chữ Hán ghi ở thân bia ’’Đại tướng quân Nguyễn tướng công Trung thần giáng quân công’’.

Am thờ được xây theo hình chữ nhật dài 2,1m, rộng 1,2m, cao 3m. Mái được lợp bằng ngói liệt, bốn góc mái có hình tượng 4 con rồng cách điệu uốn lượn, bay bổng, chụm đầu tại đỉnh và giữa là mặt trời toả sáng. Nhìn chung phần kiến trúc ở đây mang phong cách lăng mộ thời Nguyễn như vẫn thường thấy trên vùng đất Quảng Bình. Qua thời gian một phần lăng mộ đã bị hư hỏng.

Đình Tượng Sơn và lăng mộ danh tướng Nguyễn Dụng có giá trị lớn về lịch sử. Những bước đi của lịch sử đều để lại dấu ấn gắn bó chặt chẽ với di tích. Có thể nói những giá trị lịch sử trên đã vun đắp thêm bề dày văn hóa - lịch sử của đình làng Tượng Sơn làm cho nó xứng đáng là một công trình văn hóa cần được giữ gìn và bảo vệ.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Quảng Bình - Ảnh internet
Du lịch, GO!