(BGĐT) - “Cách đây mấy hôm đoàn mình đi Suối Mỡ, được nghe hát văn ở đền Hạ mê quá! Giá như nơi đây tổ chức hát văn thường xuyên để phục vụ khách du lịch thì hay biết mấy”, anh Trần Văn Long, du khách ở Hà Nội - người từng hoạt động trong lĩnh vực du lịch chia sẻ với tôi khi lần đầu đặt chân đến Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ, huyện Lục Nam (Bắc Giang).

Lợi thế “trời cho”

Nhớ lại chuyến đi, anh Long và một số khách trong đoàn chia sẻ, tại những đền, phủ lớn ở miền Bắc, hầu như nơi nào cũng có hát văn và đó không phải là điều gì đặc biệt song được nghe, xem những giá hầu, canh hát của các thanh đồng, cung văn nơi thắng cảnh đẹp như ở Suối Mỡ thì không phải du khách nào cũng biết đến. Đây là lợi thế “trời cho” để góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Suối Mỡ, nếu bỏ qua thì quả là đáng tiếc. Chia sẻ của các vị khách đã thôi thúc tôi gặp gỡ để nghe tiếng nói của những người trong cuộc.

Ngồi trên xe ô tô cùng Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lục Nam Trần Văn Hòa đi từ thị trấn Đồi Ngô vào Suối Mỡ (thuộc xã Nghĩa Phương) trên quãng đường hơn 10 cây số, anh Hòa chia sẻ, Lục Nam hiện có hơn 30 đội hát văn, trong đó riêng xã Nghĩa Phương có gần 20 đội, tập trung ở thôn Dùm với nhiều cung văn trẻ.

- Nếu như huy động thành viên của các đội để làm du lịch như hát quan họ, ca trù hay hát Xoan một số nơi vẫn làm có khả thi không? Tôi hỏi.

- Được chứ, vì thực tế, có rất nhiều đội hát thường xuyên giao lưu, phục vụ các canh hát ở trong và ngoài tỉnh song để làm một cách bài bản, chuyên nghiệp phải có cơ chế, chính sách hợp lý. Anh Hòa nói.

Tại Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, ông Dương Văn Học, lãnh đạo đơn vị thông tin, gần đây, có rất nhiều đoàn khách ở các tỉnh, TP như: Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Hà Nội… về tham quan Suối Mỡ, nghe hát văn tại các đền. Một số đoàn đưa theo cung văn đi hát, cũng có tốp mời những người ở xã Nghĩa Phương tham gia. Có ngày có tới 3-5 đội về đây diễn xướng.

Quả đúng như lời ông Học. Chúng tôi dạo quanh khu vực đền Hạ và có duyên khi gặp gỡ, trò chuyện với tốp cung văn đang chuẩn bị phục vụ đoàn khách ở thị xã Chí Linh (Hải Dương) hát văn tại đền. Trong số này có ông Trương Văn Bình (72 tuổi), quê ở xã Phương Sơn và anh Hoàng Văn Viên (40 tuổi) ở xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Ông Bình có tới 40 năm làm nghề kéo nhị, còn anh Viên cũng theo cung văn đánh trống ở các đền, phủ gần 10 năm nay. Dịp đầu xuân, tốp cung văn của họ tham gia hát khoảng 20 canh/tháng, những tháng khác 10 canh. “Hễ có đoàn khách mời, có lịch hẹn hát, chúng tôi lại cùng nhau đi song địa điểm hát tại đền Suối Mỡ nhiều hơn cả”, ông Bình nói.

Không phải ngẫu nhiên những người như ông Bình, anh Viên lại thường xuyên có mặt ở nhiều canh hát tại Suối Mỡ. Qua đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ là nơi hội tụ hai yếu tố tâm linh và sinh thái, có tiềm năng lớn phát triển du lịch. Nơi đây có hệ thống đền, chùa với những giá trị văn hóa, lịch sử quý còn lưu lại như: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Trần, chùa Hòn Trứng, chùa Hồ Bấc... Cùng đó là những cánh rừng nguyên sinh, núi non trùng điệp, thác nước ngày đêm tuôn chảy.

Năm 1998, đền Suối Mỡ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Suối Mỡ được xác định là điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt là vùng Tây Yên Tử. Tháng 12/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ là khu du lịch cấp tỉnh. CLB Hát văn diễn xướng hầu đồng huyện Lục Nam được thành lập năm 2014 với hơn 30 thành viên.

Từ nhiều năm nay, nhất là dịp đầu xuân, hàng vạn du khách lại về suối Mỡ chiêm bái, vãn cảnh, xem, nghe hát văn, hầu đồng. Đặc biệt, vào dịp lễ hội đền Suối Mỡ, nơi đây còn tổ chức hội thi hát văn thu hút hàng trăm cung văn, thanh đồng ở các tỉnh, TP tham gia. Đây là nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của lễ hội Suối Mỡ, khẳng định giá trị, sức lan tỏa của loại hình di sản đặc sắc này.

Cuối năm 2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hát văn, diễn xướng hầu đồng ở huyện Lục Nam, nhất là khu vực đền Suối Mỡ càng được quan tâm. Vài năm gần đây, từ nguồn vốn T.Ư, tỉnh, huyện, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ đã được đầu tư gần 180 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm môi trường sinh thái.

Tạo sức hút cho du lịch Suối Mỡ

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế song qua nắm bắt, việc tổ chức, quản lý đối với hoạt động hát văn ở đây vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Những canh hát tại đền Suối Mỡ hiện hầu hết do các thanh đồng đứng ra tổ chức. Mỗi canh kéo dài từ 3-5 tiếng, khách tham quan sẽ không đủ kiên nhẫn để xem hết các giá hầu. Mặt khác, việc thu phí cũng không thực hiện được vì hình thức này diễn ra ở đền. Hơn nữa, nếu chỉ đơn thuần xem, nghe hát ở các đền, cả đơn vị quản lý và khách sẽ bị động vì những hoạt động này không phải là dịch vụ phục vụ các tour du lịch.

Được biết, cơ quan chuyên môn huyện Lục Nam cũng mong muốn đưa hát văn trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Suối Mỡ song để làm được điều đó cần sự hợp tác từ nhiều phía vì loại hình nghệ thuật này gắn với tín ngưỡng. Lực lượng chính tham gia là các thanh đồng, cung văn, những người cao tuổi. Việc truyền nghề, dạy hát cho thế hệ trẻ chưa thực sự phát triển. Thời gian tới, Phòng Văn hóa sẽ tham mưu UBND huyện hỗ trợ, tạo điều kiện để CLB Hát văn diễn xướng hầu đồng huyện phát triển hội viên, khuyến khích thành viên CLB dạy hát cho thế hệ trẻ; đưa hát văn vào phục vụ hằng ngày tại khu du lịch kết hợp giới thiệu du khách về di sản hát văn.

Ngoài ra, để hát văn trở thành “đặc sản” của du lịch Suối Mỡ rất cần sự quan tâm hơn nữa của UBND, cơ quan chức năng huyện Lục Nam, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị di sản, như: Thường xuyên tổ chức liên hoan hát văn, diễn xướng hầu đồng; các cuộc giao lưu giữa các CLB hát văn trong, ngoài huyện. Tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu trong việc sưu tầm, bổ sung các tài liệu thực hành, tạo ra “thương hiệu” hát văn Suối Mỡ để thu hút khách.

Có một tín hiệu vui là dự án nâng cấp, sửa chữa đền Hạ, Nhà hát văn được đầu tư với tổng giá trị khoảng 20 tỷ đồng đã được UBND huyện khánh thành đầu năm 2019. Đây là địa điểm tổ chức hoạt động diễn xướng hát văn phục vụ nhân dân, du khách gắn với phát triển du lịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, trong tour du lịch Suối Mỡ cần có chương trình hát văn, lựa chọn những tiết mục đặc sắc phục vụ du khách. Đi kèm với đó là cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng, CLB hát văn với đơn vị làm tour du lịch bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, cũng như tuân thủ quy định của pháp luật. Sở VHTTDL nên xây dựng quy chế quản lý danh lam, thắng cảnh gắn với phát triển du lịch…

Hy vọng tương lai không xa, du khách khi đến Suối Mỡ sẽ được thưởng thức hát văn- một sản phẩm du lịch đặc trưng theo nhu cầu, sở thích mà không phải đợi đến các liên hoan, lễ hội. Đây cũng là một trong những giải pháp hút du khách và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên quê hương sông Lục, núi Huyền.

Theo Công Doanh (Báo Bắc Giang)
Du lịch, GO!