(QHO) - Những con sông lắm thác, nhiều ghềnh của Tây Bắc như sông Đà, sông Mã, sông Nậm Na... tôi đã từng mục sở thị. Nhưng trong chuyến công tác đến huyện Con Cuông (Nghệ An), tôi đã vượt qua 47 thác ghềnh của dòng sông Giăng hung dữ, đó mới thực sự là câu chuyện khó quên.

Mượn xe Honda của người quen ở Tp. Vinh, chúng tôi vượt 150 km trong cái lạnh đầu đông, ngược ngàn lên thị trấn huyện Con Cuông. Dừng chân ở quán cơm ở đầu thị trấn hỏi thăm thì anh chủ quán bảo rằng, để đến với tộc người Đan Lai trong rừng sâu thì chỉ có con đường duy nhất là ngược dòng sông Giăng.

Chúng tôi tiếp tục vượt 15 km đường núi nữa đến hạ nguồn sông Giăng, nơi trú chân của Đồn biên phòng Môn Sơn. Đặt vấn đề vào "xứ" Đan Lai thì Chính trị viên - Thượng tá Nguyễn Ngọc Minh, thở dài: "Thuyền của Đồn biên phòng va vào đá thủng đáy, vẫn chưa sửa được".

Thượng tá Minh một mực ngăn cản khi biết ý định thuê thuyền của người Thái ở Môn Sơn để ngược dòng sông Giăng của chúng tôi. Anh kể rằng, vào tháng 9/1996, nhà báo Nguyễn Nhật Ánh của báo Lao động cũng đi thuyền vào Bản Búng để tìm hiểu về tộc người Đan Lai. Mặc dù Đồn đã chuẩn bị chu đáo, song chẳng may trên đường vào, mưa bất ngờ đổ xuống, lũ tràn về làm thuyền lật. Nhà báo Nguyễn Nhật Ánh bị lũ cuốn. Thiếu úy Trần Hồng Thanh lao vào dòng nước lũ, đưa được nhà báo Nguyễn Nhật Ánh vào bờ thì lại bị một đợt  lũ mới tràn về cuốn trôi…, 3 ngày sau mới tìm thấy thi thể. Sau chuyến đi đó, nhà báo Nguyễn Nhật Ánh bị ám ảnh đến mức không thể làm báo được nữa, phải chuyển công việc khác.

Thấy chúng tôi quyết tâm, Thượng tá Minh đành phải gọi chủ thuyền Quàng Văn Báo (người Thái ở xã Môn Sơn) để "giao phó" trách nhiệm. Báo đã 15 năm hành nghề sông nước và là tay chèo thuyền nức tiếng vùng sông Giăng.

Chúng tôi lên chiếc thuyền gỗ gắn máy, rẽ sóng ngược sông Giăng. Nơi hạ nguồn, lòng sông rộng mênh mông, nhìn về phía trước những tán rừng rậm rạp xanh um. Báo bảo: "Với hơn 30 km đường sông, nhanh thì cũng mất 7 tiếng mới đến xứ Đan Lai, khi vượt thác mọi người nhớ nhanh nhẹn theo chỉ dẫn của tôi nhé". Báo còn kể: "Sông Giăng này có rất nhiều con thác nguy hiểm, nhưng ban đầu không có tên. Cũng chỉ hơn 15 năm nay, người Thái Môn Sơn mới dám đi thuyền vào lõi Rừng quốc gia Pù Mát đến xứ Đan Lai".

Cũng theo lời Báo, tên thác ở sông Giăng do chính người Đan Lai đặt. Và kiểu đặt tên của họ rất kỳ lạ. Cứ có người dân trong bản nào vượt thác mà bị bỏ mạng thì lập tức con thác nguy hiểm ấy mang tên người xấu số. Chúng tôi bắt đầu run sợ trong khi Báo hồn nhiên: "Thác đầu tiên chúng ta vượt là thác Hùng, rồi đến thác Bang, thác Kiếm, thác Mãi, thác Hoa... Tất thảy có 47 con thác". Hỡi ôi, tên thác toàn là tên người!

Báo còn bảo, trong hơn 15 năm ngang dọc sông nước, Báo đã chứng kiến 3 lần một con thác thay tên, nghĩa là đã có 3 người thiệt mạng ở đó. Con thác hung tợn ấy có tên thác Kiếm. Đã rất nhiều lần, Đồn biên phòng Môn Sơn kết hợp với dân bản Co Phạt huy động nhân lực phá đá thông dòng, nhưng không thành công. Bởi thác này là nơi hợp lưu với một con suối nhỏ nên mùa mưa, lũ rừng theo con suối nhỏ mang theo đá hộc, tụ lại, chắn giữa dòng, tạo nên những xoáy nước chết người.

Sau khi vượt qua thác Kiếm thì Quàng Văn Báo lại thông báo: "Chúng ta chuẩn bị vượt thác "Bộ đội Thanh". Tôi dựng tóc gáy. Hóa ra thác này là nơi Thiếu úy Trần Hồng Thanh hy sinh sau khi cứu phóng viên báo Lao động. Theo lời Báo, có lần anh đã chứng kiến lễ hội đầu tiên và vui nhất xứ Đan Lai... lại chính là ngày giỗ bộ đội Trần Hồng Thanh. Không ai bảo ai, nhà nhà tụ họp mổ gà, mổ lợn mang ra đầu thác cúng bộ đội, bày tỏ lòng biết ơn và truyền cho con cháu ghi nhớ câu chuyện bộ đội quên mình cứu người.

Chúng tôi dừng lại ở chân thác "Bộ đội Thanh", thu gọn lại hành lý. Tất cả những vật dụng quan trọng của tôi đều được bọc kín trong túi nilon. Ngước nhìn lên, thấy thác dài chừng hơn 20 mét nhưng nước réo sôi ầm ầm bởi những tảng đá khổng lồ nằm chắn giữa dòng tạo nên những dòng nước tung bọt trắng xóa.

Thuyền chúng tôi từ từ vượt thác. Quàng Văn Báo ghì chắc tay lái, vặn mình điều khiển con thuyền tránh đá ngầm. Phía dưới đáy thuyền tiếng sàn sạt liên hồi vang lên do thuyền va vào đá, rồi tiếng chân vịt chạm vào đá, con thuyền có lúc tưởng như mất lái tròng trành muốn lật. Tôi hai tay ghì chặt mạn thuyền... Giữa mùa đông mà mồ hôi chúng tôi vã ra như tắm.

Sau khi vượt qua thác Bộ đội Thanh, chúng tôi thẳng tiến đến hai bản của người Đan Lai là Bản Búng và Bản Co Phạt. Tại đây, tôi đi chụp ảnh và đến từng nhà già làng, trưởng bản hỏi chuyện. Chúng tôi ở xứ Đan Lai 2 ngày để làm phóng sự rồi lại xuôi dòng sông Giăng trở về hạ nguồn Môn Sơn. Chuyến về cũng khiến tim chúng tôi nhiều lần như nhảy ra khỏi lồng ngực, khi con thuyền của Báo chới với giữa thác ghềnh.

Câu chuyện vượt ghềnh thác sông Giăng, tôi đã kể rất nhiều lần với bạn bè và đồng nghiệp, coi như một chiến tích trong đời làm báo.

Theo Thu Trịnh (Quê Hương)

Du lịch, GO!

Ngược dòng sông Giăng

Ngược sông Giăng

“Ăn cơm Mường Quạ, thưởng cá sông Giăng”