(BQN) - Đèo Quán Thơm thuộc địa phận thôn Thuận Hòa, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), cách TP.Quảng Ngãi chừng 20km về hướng tây nam. Nơi đây nổi tiếng bởi những truyền thuyết về núi cao, vực sâu và dinh Bà, nơi thờ tự nữ tướng Tây Sơn Lê Thị Tân.

Bên núi cao, bên vực thẳm

Đèo Quán Thơm tuy không cao và dốc lắm, nhưng sau lưng đèo là núi Ngang, trước mặt là sông Vệ. Phần lớn đèo nằm bên sườn núi sát mé sông. Đứng trên đèo nhìn xuống sông sâu thăm thẳm, làm cho cảnh đèo thêm hùng vĩ. Khúc sông Vệ trước mặt đèo mang tên sông Ba Vực, do khúc sông này có ba cái vực nằm kề nhau. Trong ba vực, vực nằm dưới chân đèo, đoạn đầu đèo là vực rộng và sâu nhất! Vực rất sâu và nguy hiểm, nên độ sâu của vực hiện không ai biết được.

Những người thợ lặn cho biết, càng xuống sâu càng thấy lạnh và tối, vì thế không một ai dám lặn xuống tận đáy vực. Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống, sông Ba Vực như một con bạch xà khổng lồ, uốn mình bên sườn đèo.

Sau lưng Ba Vực khoảng chừng năm sáu chục thước vào hướng núi, có một vũng lầy rộng, gọi là cái sình. Sình ăn liền với Hóc Thu (cách Ba Vực chừng 450m), nên tục gọi là sình Hóc Thu. Sình Hóc Thu quanh năm bùn đọng sền sệt, ngay cả những ngày hè nóng cháy nứt nẻ ruộng đồng, sình cũng không khô cạn. Chung quanh sình đất ẩm thấp và dần về trung tâm sình chỉ còn đọng lại một vũng to như lỗ trâu lăn. Nhưng không ai biết sình Hóc Thu sâu đến đâu! Tương truyền rằng, sình Hóc Thu có một lỗ ăn thông ra vực ở đầu đèo.

Linh thiêng dinh Bà

Ông Nguyễn Năm (75 tuổi), người thôn Thuận Hòa, cho hay: Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe chuyện về dinh Bà từ những bậc cao niên trong làng. Tương truyền, dinh Bà thờ bà Lê Thị Tân, một nữ tướng thời Tây Sơn. Không ai rõ nữ tướng quê quán nơi nào. Bà cùng chồng đi dẹp giặc và đã giao chiến cùng quân triều Nguyễn tại đèo Quán Thơm. Trận chiến kéo dài từ sáng đến chiều, ngựa không phút rời, kiếm không lúc nghỉ.

Trận chiến ác liệt, bà đã hy sinh anh dũng. Nhớ công đức hy sinh cao cả của bà, dân địa phương lập miếu thờ trên lưng đèo. Dinh chính được xây dựng trên một nền đá tự nhiên rộng và bằng phẳng. Trong dinh có thờ một búi tóc và một hạt lúa lớn gấp bội lần hạt lúa bình thường. Ngày xưa, mỗi năm vào mùa xuân và thu, dân làng mổ heo, bò cúng tế Bà. Vì linh thiêng, nên ngoài hai ngày lễ chính, những ngày vọng dân làng cũng thường đến dâng lễ.

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, theo lời tâu của quan cai trị địa phương, nhà vua sắc phong nữ tướng làm thần.

Trong chiến tranh, vì chiến sự khốc liệt, nên dinh Bà trở nên hoang vu, người dân lập một miếu nhỏ bên đường để bạn hàng đi buôn và dân làng thờ cúng nhang đèn mỗi lần đi qua. Đèo Quán Thơm là con đường độc đạo từ huyện Nghĩa Hành đi lên vùng Suối Bùn, xa hơn là huyện Ba Tơ. Hằng ngày, nhiều dân buôn thường mang mắm muối qua đèo lên miền núi bán và mua hàng từ vùng sơn cước chuyển về xuôi. Những người dân buôn mỗi lần ngang qua đèo, đều dừng chân trước miếu để đốt nhang cúng vái.

Ngày nay, dinh Bà được tu sửa khang trang. Trang thờ bên đường cũng được làm lại sạch đẹp hơn. Dinh chính nằm trên triền núi. Dinh có hai miếu thờ xây bằng xi măng, mái ngói cong, nền lót gạch bông. Hai bên miếu thờ là hai sân nhỏ tráng xi măng, có mái tôn che nắng mưa, mỗi sân có một bộ bàn ghế đá dành cho khách thập phương ngồi nghỉ ngơi. Từ đường đèo, người ta đục vào vách núi xây hai bậc tam cấp hai bên dinh, để làm đường lên dinh. Những cây cổ thụ âm u sau dinh Bà ngày xưa nay đã không còn, nhưng thay vào đó là những tàng cây che phủ chung quanh, làm cho dinh luôn có bóng mát.

Theo Li Lam (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!