(BDV) - Lực lượng kiểm lâm, các cán bộ, công chức công tác tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường La, Sơn La được bà con nhân dân gọi là những người lính “ăn gió, uống sương”. Bởi, họ là những chiến sĩ tiên phong có thời gian "ăn rừng, ngủ rừng" trên đỉnh Sam Síp nhiều hơn ở nhà...

"Ăn gió, uống sương"

Ban quản lý KBTTN Mường La nằm trên đỉnh Sam Síp thuộc bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Nơi đây có những người lính "ăn gió, uống sương", đang ngày đêm canh giữ những cánh rừng nguyên sinh.
Đã hơn 3 năm trôi qua, hậu quả của cơn lũ lịch sử xảy ra rạng sáng ngày 3/8/2017 tại xã Nặm Păm và thị trấn Ít Ong (Mường La) vẫn còn đó. Mặt đường Tỉnh lộ 109 đi qua địa phận xã Nặm Păm vẫn còn lởm chởm đá. Mất hơn 1 giờ, chiếc xe 2 cầu chở chúng tôi liên tục phải cài số 1 để ngược dốc lên đỉnh Sam Síp.

Với diện tích rộng 15.806,44ha, KBTTN Mường La có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m so với mực nước biển, cao nhất là đỉnh Sam Síp 1.924m. Độ dốc bình quân 30 độ, nhiều nơi độ dốc trên 40 độ, nhiều khe sâu và hẹp, nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Đó là những lý do tạo nên một địa hình vô cùng hiểm trở, khó khăn trong việc đi lại.

"Do địa bàn quản lý rộng nên trong quá trình tuần tra, kiểm soát anh em gặp rất nhiều gian nan. Mỗi khi đi tuần, thứ duy nhất cầm theo là chiếc balô đựng gạo, nước. Đến khu vực nào, tối ngủ thì hái rau rừng ở nơi đó ăn cùng cơm. Ở khu vực giáp tỉnh Yên Bái, mỗi lần đi tuần phải mất 2 - 3 ngày ăn rừng, ngủ rừng.

Có những người lần đầu tiên đi rừng bị kiệt sức, lật cổ chân phải nhờ anh em cõng mới về được" - ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Ban quản lý KBTTN Mường La chia sẻ.

Hiện Ban quản lý KBTTN Mường La có 20 cán bộ, viên chức, chia thành 3 tổ bảo vệ rừng đóng trên địa bàn 3 xã: Ngọc Chiến, Nặm Păm, Hua Trai. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý KBTTN Mường La đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân sống xung quanh khu rừng đặc dụng về giá trị của động, thực vật quý hiếm đang sinh sống tại khu bảo tồn. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát rừng.

Bên cạnh đó, Ban quản lý KBTTN Mường La đã triển khai các chương trình dự án hỗ trợ sản xuất vùng đệm theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bằng việc cấp phát giống cây ăn quả, cây công nghiệp cho các hộ dân sống xung quanh vùng đệm. Hoạt động này đã góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ban quản lý KBTTN Mường La còn phối hợp Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế ký hợp đồng với 10 người thuộc 3 xã Ngọc Chiến, Nậm Păm và Hua Trai để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, theo dõi và cập nhật các đặc tính, tình hình sinh trưởng, phát triển của loài vượn đen tuyền... Đồng thời, khu bảo tồn phối hợp với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu thực hiện các cuộc điều tra chuyên đề, từ đó xác định được các loài động, thực vật quý hiếm và đưa ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tiếp theo.

Hưởng nhiều lợi ích từ rừng

Ông Hoàng Trọng Thắng - Phó Giám đốc Ban quản lý KBTTN Mường La cho biết, bản Ít, xã Nặm Păm là một trong những bản làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Từ khi thành lập KBTTN Mường La đến nay, ở địa bàn bản Ít chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Được phân công nắm địa bàn, ông Quàng Văn Cường - Tổ trưởng Tổ phụ trách xã Nặm Păm thường xuyên phổ biến các quy định về Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng cháy và chữa cháy cùng với các nghị định, thông tư trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân bản Ít.

Ông Lường Văn Hặc - Trưởng bản Ít cho biết: "Bản Ít được giao quản lý 834,232ha rừng. Bản có 15 thành viên nằm trong đội quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Tháng cao điểm, các thành viên thường xuyên cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn tham gia tuần tra rừng. Ngoài ra, nhờ công tác tuyên truyền, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã nâng lên rất nhiều".

Theo ông Hặc, vừa rồi, bản được chi trả 407,2 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Bởi vậy, tất cả các hộ dân trong bản đều có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. Gần chục năm trở lại đây, bản Ít không xảy ra tình trạng cháy rừng, xâm hại rừng. Đa dạng sinh học được duy trì, bảo vệ nên vẫn còn nhiều loại động, thực vật quý hiếm.

Anh Cà Văn Văn - dân bản Ít bảo: "Số tiền DVMTR chúng tôi nhận được không lớn, nhưng đó là động lực để bà con giữ rừng tốt hơn. Không chỉ được nhận tiền DVMTR, chúng tôi còn được Nhà nước cấp cho giống cây ăn quả (xoài, mận) về trồng. Nhờ vậy, người dân không xâm hại đến rừng và động vật hoang dã. Từ đó, diện tích rừng được giao cho bản Ít bảo vệ ngày càng phát triển tốt hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày một được cải thiện và nâng cao".

Đa dạng các loài động vật, thực vật

KBTTN Mường La được thành lập theo Quyết định 511/QĐ-UBND, ngày 7/3/2016 của UBND tỉnh Sơn La. Tổng diện tích quy hoạch là 15.806,44ha, thuộc địa phận 3 xã: Hua Trai, Ngọc Chiến, Nặm Păm. Trong đó, diện tích đất rừng trên 12.000ha, còn lại là diện tích đất chưa có rừng và đất khác. Phân theo khu chức năng, gồm 3 phân khu: Khu bảo vệ nghiêm ngặt 8.047,41ha, khu phục hồi sinh thái 3.339,65ha, khu dịch vụ hành chính 31,02ha.

Theo Tuệ Linh (Báo Dân Việt)
Du lịch, GO!