(WSĐ) - Chuẩn bị cho đoàn leo núi, các anh Biên phòng đã thức dậy từ 4h sáng lo cơm nước tươm tất và giúp từng người “kiểm tra” hành trang. Vài bạn trẻ sơ suất quên những vật dụng cần thiết đã lập tức được “bổ sung quân trang” bằng chiếc mũ lưỡi trai mềm của bộ đội hoặc đôi tất chống vắt.

Toàn bộ Ban chỉ huy Đồn Biên phòng 545 và đông đảo anh em chiến sĩ đều có mặt động viên đoàn, khiến chúng tôi lưu luyến mãi đến gần 7h mới xuất phát. Vẫn hai sĩ quan hôm trước ra đón đoàn, nay dẫn đầu đoàn quân tiến vào rừng, chỉ khác là Thiếu úy Khoa đã khoác túi thuốc của Quân y và Thiếu úy Rê đeo bên sườn con dao rừng của người Mông rèn bằng nhíp ô tô, sắc lẻm.

Con đường công vụ mới mở lổn nhổn đất đá men sườn núi, qua những nếp nhà sàn còn mờ mờ trong sương chưa tan hết. Đồng bào Mông đang sửa soạn đi làm nương, lũ trẻ lấp ló sau khung cửa… tất cả đều mở to những đôi mắt tò mò nhưng thân thiện nhìn đoàn người lạ “nai nịt tận răng”. Một sự ngạc nhiên lặng lẽ như thói quen của người vùng cao. Thiếu úy Rê cười: “Các anh là đoàn đầu tiên lên núi mà”.

< Đường công vụ mới mở đến lưng núi, xuyên qua rừng hoang.

Cũng vì là đoàn “dân sự đầu tiên” nên chẳng ai trả lời thỏa đáng cho chúng tôi câu hỏi: leo mất khoảng bao lâu thì lên đến đỉnh? Tất nhiên là mấy cặp “chân dài thành phố” không thể bì với bước chân tuần tra rắn rỏi của Biên phòng rồi. Tôi hỏi thăm một thanh niên vừa lùa cặp trâu mộng ra khỏi chuồng đi kéo gỗ, anh ta tròn mắt: “Lên Pu Xai à? Vất vả lắm đấy. Phải ngủ đêm trong rừng thôi”. Mấy cô sinh viên reo lên thích thú, còn “cánh già” đã nhiều lần nếm mùi ngủ rừng như tôi thì ngần ngại xoa cằm, bụng đã muốn về, nhưng rồi lại dấn bước vì “ít nhất cũng để biết anh em Biên phòng vất vả thế nào chứ”.

Những chuyến leo núi hình như có chung một đặc điểm là bắt đầu với những con dốc thoai thoải và đường rộng, nhưng càng lên cao thì càng dốc hơn và đường hẹp hơn, cuối cùng chỉ còn là lối mòn vừa đủ đặt bàn chân, hun hút mãi vào rừng già rậm rạp. Cảm giác quen thuộc trở lại với dòng mồ hôi túa ra cay xè mắt và nhịp tim hổn hển, dù hai sĩ quan trẻ rất lưu ý “giảm tốc độ”. Giờ leo núi đầu tiên luôn là thời điểm mệt mỏi nhất và dễ khiến người ta muốn bỏ cuộc nhất, vì cơ thể chưa quen vận động. Được cái phong cảnh núi non hùng vĩ và không khí trong lành tuyệt vời, hơi thở nồng nàn hương rừng khiến sức lực như được nhân lên.

Mỗi lúc bước chân trĩu nặng tưởng không sao nhấc lên được, tiếng suối reo phía trước lại thôi thúc gọi mời. Tôi đếm được có đến 7 dòng suối chảy ngang đường, phần nhiều đều trong veo nên chẳng ai ngại ngần vục mặt xuống cho tỉnh người và uống thỏa thuê từng vốc nước mát lạnh như lấy trong tủ đá. Có điều các dòng suối “phân bố” không đều, đoạn thì liên tiếp gặp suối, nhưng rồi lại leo mãi cả mấy giờ liền trong cảnh “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.

Giữa dốc, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng người Mông lên núi thăm đàn trâu chăn thả trong rừng. Người chồng tên Trà xởi lởi bắt chuyện: “Mệt lắm hả? Chân mình ngày nào cũng đi núi mà vẫn mệt đây. Ngồi nghỉ thôi, ăn trái dưa với mình”. Người vợ chỉ lặng lẽ hạ gùi đeo sau lưng, lấy mấy trái dưa chuột núi to như bắp chân, gọt vỏ cẩn thận, cắt từng khoanh đặt trên tấm lá mời chúng tôi và mỉm cười nhìn cả đoàn vừa ăn rất nhiệt tình không khách sáo vừa tấm tắc khen dưa ngọt như nước cam lồ(!)

< Có 7 dòng suối chảy ngang đường lên đỉnh núi.

Đường lên đỉnh Pu Xai Lai Leng không “xương xẩu” bằng một số núi khác tôi đã từng leo, nhưng rất nhiều đoạn dài lại phải phơi lưng dưới nắng gắt chói chang từ quãng 9h sáng trở đi. Nhìn tôi vắt chiếc khăn tong tỏng mồ hôi, Thiếu úy Khoa bảo: “Ngày nắng nóng như thế, nhưng đêm lạnh lắm anh ạ. Với tốc độ này, lên đến đỉnh chắc chắn là tối rồi. Trên ấy rừng rậm, không có chỗ dựng trại, lại nhiều vắt, có lẽ ta nên nghỉ lại lán ở lưng núi, sớm mai leo tiếp thì tiện hơn”.

Cái lán mà Khoa nói, chúng tôi đến nơi vào lúc chính ngọ. Dưới mái tranh lợp khá khéo và kỹ, tường lán và giường nằm đều được ghép bằng những tấm gỗ xẻ chắc chắn, khá rộng. Cửa khóa khiến đoàn quân mệt lử sau một buổi leo núi dưới nắng nóng đều thất vọng.

Thiếu úy Rê chặt một nhánh tre nhỏ, cắm vào sườn núi nơi dòng nước nhỏ mải miết trào ra từ trong lòng núi. Lập tức, chúng tôi đã có một vòi nước trong vắt, mà như các bạn trẻ trong đoàn cảm nhận là “xịn hơn nước khoáng đóng chai”. Rồi hai sĩ quan Biên phòng nhanh nhẹn vòng ra phía sau, nạy một tầm ván to, vừa đủ cho chúng tôi có thể chui vào trong lán: “Mai sẽ đóng lại, không sao mà”.

< Lũ chim non trong rừng rất thân thiện.

Quyết tâm lên đỉnh núi trong ngày, chúng tôi bàn với 2 sĩ quan Biên phòng: “Nằm đây từ giờ đến mai phí quá, hay là leo tiếp rồi quay về lán ngủ, muộn một chút cũng được, như thế mai xuống núi nhàn hơn”. Cả Khoa và Rê đều có ý gàn, lo chúng tôi không quen đi rừng đêm, nhưng rồi đành chiều ý khi cả đoàn sửa soạn đèn pin. Các anh chỉ nhắc chúng tôi lấy nước, vì từ đây lên đỉnh không còn dòng suối nào nữa, và phải thật khẩn trương.

Từ đây lên cũng là hết đường công vụ, chỉ còn lối mòn tuần tra nhiều gai góc và dốc ngược. Rừng càng lúc càng rậm hơn, lắm chỗ mặt trời không thể xuyên nổi qua nhiều tầng lá dày đặc, nên chỉ tạo được một thứ ánh sáng lờ nhờ của hoàng hôn cuối thu. Không còn phải chịu nắng gắt, chúng tôi lại bước vào “vương quốc” của muỗi và vắt.

Dưới chân, lũ vắt đen ngóc đầu sau đám lá và gỗ mục rình rập mỗi bước chân. Nhưng đáng ngại hơn là những con vắt xanh “phục kích” trên cành lá, bất ngờ búng mình xuống người đi qua. Đã có mấy thành viên trong đoàn bị vắt xanh đốt sưng nổi cục từng đám trên vai, trên gáy. Muỗi rừng thì ngoan cố đến liều lĩnh, chỉ chực chui vào tai, bình xịt thuốc mua “dưới xuôi” chẳng nhằm nhò gì với chúng. Lại thêm mấy con ong đất to chùi chũi cũng lởn vởn vo ve thăm dò các vị khách không mời.

Với đám “chủ rừng” như thế, chỉ còn cách là gắng leo thật nhanh, bất chấp gai cào, bùn trượt và chịu những cú ngã đau méo mặt. Lúc này muốn bỏ cuộc cũng chẳng có chỗ mà ngồi, cả đoàn thở hồng hộc leo lên không kịp vuốt mồ hôi trong một nỗ lực gần như tuyệt vọng. Rừng ken dày và tối sẫm, lắm đoạn chẳng nhìn thấy lối mòn, chỉ biết mò mẫm hướng về phía có tiếng cành khô gãy dưới bước chân người leo trước. Thế mới biết thương các anh Biên phòng thường xuyên phải lặn lội trong chốn thâm sơn cùng cốc…

< Đoàn “dân sự” đầu tiên lên cột mốc trên đỉnh Puxailaileng.

Chúng tôi đặt chân lên đỉnh Pu Xai Lai Leng lúc 18h, sau khi phải vượt tổng cộng có lẽ cũng đến gần chục ngon núi thấp hơn. Bóng tối đã gần như bao phủ cánh rừng mênh mông phía sau, chỉ trên đỉnh là còn ánh sáng. Hoàng hôn biên cương như “thương tình” đoàn quân tơi tả, chợt bừng lên những tia nắng cuối cùng vàng tươi rực rỡ, đủ để lung linh năm cánh sao đỏ trên cột mốc số 422 khi chúng tôi ghé môi hôn, đủ cho đám lữ khách ưa phiêu lưu chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm tuyệt đẹp.

Không còn sức mà reo hò, chẳng còn hơi mà cười nói, chỉ biết nắm tay nhau thật chặt để chúc mừng cả đoàn không thành viên nào bỏ cuộc, để cảm ơn những người lính chu đáo tận tình… Đúng như tên gọi của ngọn núi này, đứng trên đỉnh chợt thấy trời thật gần, khi mây trôi phía dưới. Phóng tầm mắt ra xa, hai bên sườn núi cây lá bạt ngàn quấn quít như mối tình Việt – Lào gắn bó thủy chung.

Trời tối hẳn khi chúng tôi rời đỉnh núi. Dù ai cũng có đèn pin, gắng đi sát nhau để tập trung ánh sáng, vẫn chỉ soi được vài mét trước mặt, phải rất thận trọng mới không lạc đường. Rừng đêm mát lạnh đầy những âm thanh huyền bí, nghe ghê ghê, nói như mấy bạn trẻ là “nếu một mình ở đây thì đến chết vì sợ”. Cậy đông người nên chúng tôi cứ bước thấp bước cao mà xuống thật nhanh, ai cũng chỉ mong về lán kiếm chút nước, vì nước mang theo đã hết nhẵn, vừa khát cháy cổ vừa đói quặn ruột.

Bỗng giữa đoàn có tiếng con gái la thất thanh. Chúng tôi giật mình rọi đèn pin trở lại và nổi gai ốc khi thấy con rắn lục xanh lè đang quăng mình trườn qua chân cô gái. Nhanh như điện, Thiếu úy Rê tuốt dao lao tới, chỉ một nhát chém đứt đôi con rắn độc. Cả đoàn một phen hú vía, phải đứng thở một lúc cho lại hồn, rồi tìm thêm mấy cành cây, vừa đi vừa khua khoắng phía trước và xung quanh.

Giờ tôi mới hiểu vẻ ngần ngại lúc trước của các anh Biên phòng khi chúng tôi nằng nặc đòi lên Mốc rồi xuống luôn trong đêm. Những người lính phong trần trấn ải biên cương ấy đâu có ngại vất vả, mà họ hiểu hơn lũ “điếc không sợ súng” chúng tôi rằng rừng đêm luôn đầy bất trắc khó lường.

Leo xuống nhanh hơn, nhưng cũng phải hơn 22h giờ đêm chúng tôi mới về đến căn lán ở lưng núi, sau khi đã vắt cạn chút sức lực còn lại. “Điểm danh” đủ mặt, không ai hề hấn gì ngoài những vết xước trầy thâm tím “thường tình” khi leo núi, các anh Biên phòng mới thở phào như trút được nỗi lo. Thiếu úy Khoa chìa cho tôi nắm lá: “Anh biết cây gì đây không? Rau tàu bay đấy”, có cả một cái hoa chuối rừng, chẳng biết các anh hái được từ lúc nào, giờ đã rửa sạch, thái nhỏ nấu với mì tôm và thịt hộp. Cả đoàn nhất trí là chưa bao giờ được nếm món gì ngon đến thế.

“Đêm rét không chăn”, chúng tôi đốt lửa dựa lưng nhau cho ấm, thiếp đi trong tiếng gió ngàn hòa tiếng suối rì rào và thức dậy khi ánh bình minh trong trẻo đã rắc ánh vàng đầu tiên trên rặng núi “nóc nhà xứ Nghệ” cùng tiếng chim rừng ríu ran.

< Tuyết từng rơi ngập trời trên đỉnh Puxailaileng hồi tháng 1/2016.

Ngoái nhìn lên, đỉnh Pu Xai Lai Leng vẫn hiên ngang và kỳ vĩ chìm trong mấy bạc. Chợt nghĩ một ngày không xa, khi con đường công vụ hoàn thiện, rất có thể nơi đây sẽ hình thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn giữa điệp trùng Trường Sơn hùng vĩ.

Xuống đến chân núi, Thiếu úy Rê tháo con dao rừng đêm qua vừa chém rắn, tặng tôi: “Anh hay đi rừng, giữ lấy mà phòng thân. Dịp nào tiện lại lên đây thăm Biên phòng nhé!”

“Nghệ An là nơi có đường biên giới dài nhất cả nước, tiếp giáp với nước bạn Lào. Đặc biệt, đoạn biên giới do BĐBP Nghệ An quản lý thu hút số lượng lớn công dân xuất, nhập cảnh làm ăn, du lịch, cùng với đó là nhiều đường mòn, lối mở có thể qua lại biên giới dù địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Đồn Biên phòng Na Ngoi, thuộc Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An (đóng trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) quản lý, bảo vệ 3 cột mốc từ 420 đến 422 cùng một mốc dấu với đường biên giới dài 16,552km, tiếp giáp huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào)”.

Theo Nguyễn Việt (Web Sống Đẹp)
Du lịch, GO!