(ĐGD) - Chỉ là một cuốc lang thang, nói nôm na là đi... chợ, ăn sáng rồi ghé vào viếng Miếu Bà Ngũ Hành ở Phú Đông - Nhơn Trạch, Đồng Nai.

< Qua Phú Đông thì trước tiên phải qua phà cái đã, phà Cát Lái. Phà rời bến nhưng cứ đứng một chỗ, quay vòng vòng khiến mình thắc mắc. Hóa ra tài công đang chờ chiếc tàu chở container to chà bá kia đi qua. Cọ quẹt với nó chỉ có nước thăm Hà Bá sớm mà nước thì đang lạnh...

Ngôi đình này bọn mình chạy qua lại biết bao lần rồi nhưng chuyến này mới ghé vô: trang nghiêm, sạch sẽ và rất thoáng mát, ngồi ghế đá mát lạnh, nghe tiếng ve sầu kêu...

< Qua phà, ghé ăn phở, dĩ nhiên là Thùy Trang, chỉ 30k rất chất lượng. Không phải ở Nhơn Trạch phở mô cũng rẽ mà ngon đâu! Nhiều chỗ bán 40k nhưng dở ẹc, lèo lèo vái lát thịt cho có, còn thua xa phở 25k gần nhà. Hàng hóa ở chợ cũng vậy, có món rẻ, có món giá trời ơi lắm! Ăn xong, chạy đến ngã 3 Phước Lý thì rẽ phải vô đường 19. Thêm một đoạn dài nữa thì đến đình.

< Nói đình chứ thật ra là Miếu Bà Ngũ Hành. Miếu được tái lập năm Bính Thân 1956 (tức là đã có từ trước đó nữa), tái thiết cũng năm Bính Thân 2016 và có quy mô như ngày hôm nay. Cổng miếu nhìn phía trong như thía này.

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng có từ lâu đời trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Thờ Mẫu có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, trong đó người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình. Xuất phát của loại hình tín ngưỡng này là ở Bắc bộ, song những biến thiên của lịch sử đã kéo theo sự mở rộng biên độ không gian thờ Mẫu đến khắp các vùng miền khác nhau trên cả nước, trong đó có Đồng Nai và nhiều tỉnh thành ở vùng đất Nam bộ.​

< Khoảng hiên trong trước miếu rộng rãi với hai hàng cột hai bên. Hôm nay cửa trong mở nhưng không thấy ai.

Với đặc trưng của vùng đất mới Đồng Nai, tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây  được nhiều dân tộc khác đón nhận: Kinh - Chăm - Khơ Me - Tày - Hoa.

< Ngai thờ Bà ngay chính giữa, trên đó có tượng 5 Bà ngự.

Chính sự đa tộc người trong không gian văn hóa Đồng Nai (nói riêng) và vùng đất Nam bộ (nói chung) đã tạo điều kiện cho loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu được tích hợp nhiều giá trị văn hóa tộc người. Những giá trị đó đã được tích hợp qua các hình tượng Mẫu để rồi trở thành một phần của bản sắc Việt. Chúng đã quyện hòa vào nhau, lan tỏa và thăng hoa trong toàn bộ không gian văn hóa Nam bộ.

< Hai bên có tủ kiếng đựng đồ thờ cúng, đồ lễ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không đơn thuần chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo, đó còn là văn hóa. Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là cái tâm hướng thiện, bởi mỗi người mẹ đều dạy con sống hướng thiện. Người đến thờ Mẫu tâm phải sáng. Thờ Mẫu ở Đồng Nai chủ yếu tập trung ở các đền, miễu. Theo tài liệu khảo sát năm 1997, Đồng Nai có 198 miễu các loại. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh có 32 cơ sở tín ngưỡng thờ Nữ thần và thờ Mẫu.

< Trong ban thờ nhìn ra ngoài: miếu đẹp quá và rất trang nghiêm.

Miễu Bà thờ các nữ thần như: bà Âu Cơ, bà Ngũ hành, Liễu Hạnh công chúa (chủ yếu được thờ ở miễu Bà dưới chân núi Gia Lào, huyện Xuân Lộc), các nữ thần bổn địa…

< Góc phải miếu nè, nhìn mê không? Xây giả gỗ, rất giống gỗ thật.

Đình gắn với cộng đồng làng thì miễu gắn với đình, chùa, cụm dân cư, vườn nhà của gia đình, hương lộ, hương thôn; nhân vật chính là mẫu.

< Góc phải có ban thờ Sơn Quân Mãnh Hổ. Thần hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa là tà ma không dám xâm nhập, hình tượng hổ trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, được vẽ thành tranh để thờ cúng ở các đền, điện, coi như “thần tướng gác đền”.

Bà Ngũ Hành: Được thờ phổ biến nhất, đó là 5 vị nữ thần ứng với: Kim Đức Thánh phi, Mộc Đức thánh phi, Thủy Đức thánh phi, Hỏa Đức thánh phi, Thổ Đức thánh phi.

< Góc trái là ban thờ Thần Nông Xã Tắc. Thần Nông là vị vua trong huyền thoại, có công dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vị thần này được thờ cúng ở đình làng và gắn với các lễ hội cúng đình. Ngày xưa gọi là Tiên Nông, hiểu theo nghĩa là thần Nông nghiệp. Xã hay Hậu là thần Đất (thần Thổ Địa) - Tắc là Thần Lúa. Thời phong kiến, Thần Nông và Hậu Tắc là hai vị thần riêng biệt, có đàn thờ riêng nhưng dân gian vẫn xem là một.

< Khoảng sân trước rộng rãi, lát gạch giữa các hàng cây dầu mát rượi. Quanh thân dầu là những dây trầu ông phủ xanh. Trên đó, những chú ve sầu kêu lanh lãnh trong mùa hè.

Năm bà Ngũ Hành chỉ là ý niệm chung về các vị nữ thần có thiên chức phù trợ cho việc sản sinh và phát triển; không có thần tích cụ thể; ngày vía chính là 5 - 5 âm lịch. Ở những vùng nhiều hỏa hoạn, đông người Hoa, nhiều khi Bà Hỏa (Hỏa Đức thánh phi) được thờ riêng một miễu.

< Mé phải miếu có ban thờ Thần Tài, Thổ Địa. Muốn khấn vái thì có sẳn nhang ở đó. Khách có thể viếng miếu (vị trí >) để tỏ lòng tôn kính hay ngồi nghỉ chân thỏa mái nhưng đừng làm gì xằng bậy ở đây nhé vì có camera mọi góc cạnh đấy. Cũng nhớ không bỏ rác bừa bãi vì chốn này rất sạch đó nhé.

Về tượng thờ các Bà, trước kia rất ít miễu có cốt tượng, thường thờ đơn giản bằng chữ Hán vẽ trên tường hay dán trong khám thờ như: Ngũ Hành nương nương, Chúa Ngọc nương nương, Chúa Xứ nương nương...

< Thỏa lòng rồi đi, bọn mình đi và vẫn theo đường 19 (Hùng Vương) chạy thẳng, đến ngã 3 Võ Thị Sáu thì rẽ phải vào (vị trí >). Chạy mút đường này, qua một cây cầu nhỏ bắt ngang rạch Ông Kèo, cuối cùng cũng đến khu dân cư Phú Đông. Nơi đây có chợ Giồng Ông Đông thuộc xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Chợ được nâng cấp năm 2002, hiện Hợp tác xã đang quản lý. Giữa một vùng đất đồng ruộng cây vườn bao la, lại có một khu dân cư rất sầm uất hiện diện, hay thiệt nha (vị trí >)!

Gần đây phát triển thờ cốt tượng bằng thạch cao, xi măng, gốm hoặc vẽ tranh lồng kiếng với lối sản xuất “hàng loạt” cho nên các Bà đều đồng dạng, trang phục lộng lẫy như nhau, chỉ khác ở tên gọi dành cho Bà này hay Bà kia. Riêng Bà Ngũ Hành là dễ nhận ra nhất với bộ cốt tượng đủ 5 Bà trong 5 sắc áo khác nhau: Xanh, đỏ, tím, vàng, lục với quan niệm cổ truyền rằng hành thổ màu vàng là trung tâm nên ngồi giữa.

< Nửa kia vô chợ liền, mua được ít rau trái. Cái khoái là đi cho thỏa để biết trên bản đồ nơi ní, ta đến xem nó răng mô! Về, rẽ nhánh đường rải đá (vị trí >) đường đi chùa Pháp Thường trở ra Giồng Sắn rồi gặp lại đường 19. Ghé đầu chợ Phước Lý mua nải chuối và mớ chôm Thái ngon... Bi giờ về nhà thôi!

Lễ hội cúng Bà ở mỗi miễu một khác, tùy vào ngày vía của mỗi Bà. Những ngày sóc, vọng, ngày Tết, ngày vía đất, các miễu Bà được mở cửa cúng một lễ nhỏ bằng nhang, đèn, bông, bánh trái. Ngày vía mới là lễ chính. Có nơi cúng thường niên như nhau, có nơi đáo lệ 2, 3 năm một lần. Lễ cúng vía Bà thường vào ban đêm (thuộc âm), do Ban tế tự của làng đứng cúng hoặc có khi do tổ chức Hội mẫu ở địa phương làm chủ lễ. Miễu thuộc hệ dân dã nên nghi thức cúng Bà không đóng khung theo khuôn phép điển lệ; cởi mở, sinh động hơn cúng đình. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn áp dụng nghi thức cúng đình trong cúng miễu.

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!