(TTO) - Cơn mưa tối qua khiến lối mòn sơn cước chưa kịp ráo nước, lũ vắt rừng chờ chực hút máu. Sáu nhân viên khu bảo tồn bấm định vị, nhìn bản đồ, rồi chia làm hai hướng lần theo dấu đàn voi...

Nhiều năm qua, khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam rộng 19.000ha ở huyện Nông Sơn là mái nhà của đàn voi rừng quý hiếm.

Theo dấu voi rừng

Làng Cấm La (thôn Phước Lộc, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) nép mình dưới đại ngàn. Chúng tôi theo các nhân viên khu bảo tồn tiến vào rừng, bắt đầu đợt tuần tra.

"Đại ngàn quá rộng, anh em phải chia ra tuần tra xem có người lạ vào rừng lấy gỗ, săn bắn và nghe ngóng đàn voi đang ở vị trí nào" - anh Nguyễn Cao Cường, nhân viên khu bảo tồn, chia sẻ. Mới đây, nhóm chuyên gia đã phát hiện thêm một chú voi con, nâng tổng đàn lên 8 con. Đây là niềm vui của dân làng Cấm La. Đàn voi như báu vật thiên nhiên ban tặng nên dân làng cùng với nhân viên khu bảo tồn ra sức bảo vệ.

Đường mòn dẫn vào Vũng Thùng, một trong những địa điểm voi hay tìm thức ăn, tắm mát phải băng qua nhiều con suối. Cạnh một bờ suối, những bãi phân voi to tướng dày đặc. Một số thân cây rừng còn vết hằn do voi đi qua cọ xát. Trên mặt đất, những dấu chân voi lún sâu. "Chứng tỏ đàn voi đã đến đây tìm thức ăn. Khu này nhiều cây mây, giang, nứa, thức ăn ưa thích của chúng" - anh Đỗ Đăng Vũ, nhân viên khu bảo tồn, cho biết.

Khu rừng này chẳng lạ lẫm gì với họ bởi một tháng mà họ có đến hơn 15 ngày ăn núi ngủ rừng. "Rừng rộng nên anh em không ở một chỗ mà đi tuần theo kim đồng hồ khắp các tiểu khu, quyết không để ai xâm hại đàn voi" - anh Cường tâm sự.

Sau nhiều giờ băng rừng, chúng tôi vẫn chưa tận mắt thấy đàn voi. Anh Vũ nói ngay cả nhân viên ở đây cũng ít khi thấy chúng. Vì voi thường ở rừng sâu, chỉ khi cạn thức ăn, chúng mới tìm đến rừng thưa.

"Nhưng tốt nhất thì tránh gặp chúng. Có khi anh em đi nghe tiếng rống từ rừng sâu vọng ra nhưng rất nhỏ. Mình biết rằng đàn voi ở khu rừng này, thế là yên tâm, đi tuần khu khác" - anh Vũ kể.

Chúng tôi tiếp tục con đường sơn cước, từ xa vọng âm thanh nhỏ mà nhân viên bảo vệ rừng nói đó là tiếng voi rống. "Nghe vậy thôi, chứ chúng ở tuốt rừng sâu, có khi tìm được phải mất nhiều ngày. Vả lại giờ chúng có thêm voi con nên rất hung dữ, mình đừng xâm phạm lãnh địa voi làm chi" - anh Cường nói. Đồng thời kể thêm mới đây có đoàn chuyên gia về nghiên cứu đa dạng sinh học ở khu bảo tồn này trong một tháng, họ phải mất nhiều ngày mới thấy được đàn voi.

Chúng tôi quay đầu ra khỏi rừng lúc trời đã sẩm tối. Cơn mưa chiều bất chợt trút xuống, lũ vắt lại chờ cơ hội hút máu chân người.

Voi sinh trưởng tốt

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thành lập vào cuối năm 2017 với lực lượng gần 30 người quản lý, bảo vệ rừng và đàn voi. Ông Mai Văn Dưỡng - phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn - nói rằng ban đã xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ đàn voi là ưu tiên hàng đầu: "Từ khi lập khu bảo tồn, đàn voi rất ít bị tác động bởi con người. Sinh cảnh sống của voi được đảm bảo, nguồn thức ăn ổn định".

Ông Dưỡng kể họ mới phối hợp với chuyên gia bảo tồn của dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai điều tra đa dạng sinh học ở đây. Gần một tháng, nhóm điều tra đã ghi nhận, chụp ảnh đàn voi với số lượng 8 con. Hình ảnh xác định đàn voi gồm: 1 con voi đực trưởng thành, 1 voi đực bán trưởng thành, 3 voi cái trưởng thành, 2 voi cái bán trưởng thành và 1 voi con khoảng 1 tuổi.

Theo ông Dưỡng, voi ở khu bảo tồn Quảng Nam có từ nhiều năm và thêm một cá thể mới là tín hiệu tích cực: đàn voi đang phát triển, sinh trưởng tốt. "Anh em mừng lắm. Chúng tôi đã quyết tâm bảo vệ đàn voi và nhìn thấy chúng sinh trưởng" - ông Dưỡng cho biết.

Giữ bình yên cho voi

Trong khi đó, với người dân làng Cấm La, hàng chục năm nay cũng chẳng lạ gì đàn voi. Hồi trước, họ còn thường gặp chúng ra tận bìa rừng để tìm thức ăn, tắm mát...

Đàn voi sinh trưởng tốt, ngoài bảo vệ chuyên trách của khu bảo tồn thì dân làng cũng góp phần. Tránh xung đột, ảnh hưởng tới đàn voi, đó là câu cửa miệng của người dân, và họ cũng là tai mắt của cơ quan chức năng. Bất cứ kẻ lạ nào vào rừng voi sinh sống đều khó qua mắt dân và họ báo ngay cho lực lượng chức năng ngăn chặn.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Bình (67 tuổi, thôn Phước Hội) nằm dưới chân núi khu bảo tồn. Gần 40 năm nay, ông nhớ không xuể số lần mình gặp voi. Ông Bình kể nhiều năm trước đàn voi ra tới tận làng Cấm La, phá rẫy của dân để ăn chuối, bắp. "Nói thiệt khu rẫy nhà tui không biết bao nhiêu lần chúng vào quậy phá, cứ lâu lâu là chúng ghé thăm. Mỗi lần thăm thì y như một bãi chiến trường" - ông Bình kể vui.

Nhưng hai năm trở lại đây, từ khi khu bảo tồn được thành lập, đàn voi không ra "quậy" nữa. Là người hay gặp voi, ông Bình được ban quản lý cấp máy ảnh để có gặp chúng thì chụp phục vụ công tác bảo tồn. Ông còn có sổ nhật ký ghi rõ thời gian, địa điểm voi xuất hiện mà đến nay vẫn giữ cẩn thận. "Cách đây một tháng, tui cũng được dẫn đoàn chuyên gia vào địa điểm voi sống để khảo sát đó" - ông Bình khoe.

Ông Lương Quang Minh - trưởng thôn Phước Hội - kể rằng voi là tài sản thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, con người nơi đây. Vì thế trong các cuộc họp, thôn luôn tuyên truyền người dân bảo vệ và tránh xung đột với voi.

"Thấy voi lớn xác thế thôi chứ như những đứa trẻ. Có lần tui vào rừng, gặp chúng đang ở suối tắm mát, đùa giỡn. Chúng cũng đâu làm chi mình, thấy mình thì chúng vào lại rừng" - ông Minh cười nhớ.

Tín hiệu tốt từ đại ngàn

Theo ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thêm một voi con trong đàn voi ở huyện Nông Sơn là tín hiệu quá tốt, chứng minh nỗ lực của Quảng Nam bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã.

Môi trường sống của voi tại đây đã cải thiện rất nhiều, cho khả năng sinh trưởng tốt. Trên địa bàn tỉnh còn có một đàn voi ở huyện Bắc Trà My. Tỉnh đang đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu phương án di chuyển đàn voi này về khu bảo tồn an toàn nhất. Về phương án bảo vệ đàn voi sắp tới, UBND tỉnh đã xây dựng đề án phát triển khu bảo tồn voi để xin trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Theo Lê Trung (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!