(HNTV) - Nằm trên địa bàn xã Tự Lập, huyện Mê Linh (Hà Nội), Đình Phú Mỹ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992. Đình thờ nhị vị tướng quân của Hai Bà Trưng là tướng Hùng Bảo và bà Trần Nương.

Tương truyền, đình Phú Mỹ được nhân dân xây dựng để tưởng nhớ đến công lao to lớn của vợ chồng người tướng tài ba, trung liệt Hùng Bảo – Trần Nương. Hai người đã có công chiêu dụ hào kiệt, anh tài gồm 500 người và đội quân của Trần Nương gồm 251 nữ binh về hội quân cùng Bà Trưng Trắc, đánh thắng quân Tô Định. Nghĩa quân thừa thắng thu lại 65 thành trì trên toàn cõi Nam Bang.

Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng là Trưng Vương; phong cho em là Trưng Nhị làm Bình Khôi công chúa, phong cho Hùng Bảo là Thiên Bảo hộ quốc đại vương, phong cho Trần Nương là Ả Nương hoàng công chúa.

Trưng Vương ở ngôi được 3 năm thì nhà Đông Hán sai Mã Viện, đem 20 vạn quân sang xâm chiếm, báo thù. Vợ chồng Hùng Bảo mang quân thẳng đến đất Đô Dương - Cửu Chân chiến đấu với quân Hán. Ông chém liền hơn 10 tướng giặc, song quân giặc quá đông, biết khó cự được nên ông bà phá vòng vây, chém liền mấy tướng giặc nữa rồi chạy về đất Chu Diên. Quân giặc đuổi theo, đến bến Tuyền Liệt, ông bà lao xuống sông tuẫn tiết.

Thương mến và cảm phục vợ chồng người tướng tài giỏi, trung liệt, Trưng Nữ Vương và các đời vua sau này đều phong mỹ tự cho ông bà Hùng Bảo - Trần Nương. Phong cho Hùng Bảo là “Uy linh hiển ứng thiên bảo hộ quốc đại vương”. Phong cho Trần Nương là “Ả Nương Hoàng công chúa đại vương linh phù chi thần”. (Theo cuốn ''Việt thường thị Trưng Vương công thần Bảo Vương Hải bộ chủ phụ đạo đại vương Ngọc phả'' do Nguyễn Bính viết vào năm 1572. - Ảnh hậu cung đình Phú Mỹ)

Đình Phú Mỹ ngày nay được coi là một trong những ngôi đình cổ có nghệ thuật điêu khắc độc đáo nhất về đề tài sinh hoạt của con người cùng các con vật, hoa, lá, vân mây rất tinh tế từ thế kỷ thứ 17.

Tọa lạc trên gò đất cao, đình quay hướng Đông Nam theo dòng chảy của sông Cà Lồ với mặt bằng bố cục gồm: Ao đình - cổng trụ, sân, tòa Đại đình và hai bên tòa Đại đình có 2 tòa Tả vu, Hữu vu.

Tòa Đại đình có bố cục chữ “đinh” kết cấu các vì theo kiểu thức chồng rường, giá chiêng. Các hệ thống vì được liên kết với nhau bởi các đại giằng là các xà thượng, xà trung, xà hạ. Các cột được tạo theo kiểu “Thượng thu, hạ thách” gồm 48 cột đều có hòn kê bằng đá. Mặc dù bia ký và niên đại ghi chép thời gian xây dựng ngôi đình không còn, nhưng qua nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật trang trí của ngôi đình, giới nghiên cứu đoán định rằng đình Phú Mỹ được xây dựng vào thế kỷ 17.

Về nghệ thuật trang trí, các nghệ nhân xưa đã sử dụng các cấu kiện kiến trúc để thể hiện các hình tượng trang trí thông qua điêu khắc trên các bức cốn, xà, đầu dư, kẻ, bẩy. Các hình tượng điêu khắc đều là những đề tài về sinh hoạt của con người, các con vật, hoa, lá và vân mây.

Đề tài “Tứ linh” được tạo tác thành tượng tròn, bố trí trên các xà nách của hai gian bên. Đầu bẩy đình chạm khắc đôi rồng cuốn nhưng đuôi kiểu cá chép, xung quanh hình đao, mác. Đầu dư là một tác phẩm được chạm lộng đầu rồng miệng ngậm ngọc. Bức chạm trên cốn bên trái gian giữa nổi lên hình một đôi rồng vờn nhau. Trên con rồng có một người cởi trần đóng khố đang trong tư thế chiến đấu với một con rồng khác.

Phía trên bức cốn, ở góc phải là tác phẩm chạm khắc đề tài “Tam đa” tượng trưng là: con khỉ đang nhảy nhót, tay cầm quả đào; một con dơi đang bay; một con hươu đủng đỉnh đi, đầu ngoái lại. Bức chạm bên phải cũng thể hiện đôi rồng và người cởi trần đóng khố đang vươn mình nắm đuôi rồng, chân phải co lên đá.

Bức cốn nách hai bên đối nhau qua gian giữa chạm cảnh một người cởi trần đóng khố đang múa với con rồng bằng tay trái, tay phải chống nách, hai chân ở tư thế “đứng tấn” (cảnh múa rồng).

Nhiều bức chạm hai gian chái còn có các đề tài thiên nhiên như hoa, lá, hình chuột, thỏ… và những con vật gần gũi với đời sống thường nhật của người nông dân.

Theo Viết Mạnh (HanoiTV)
Du lịch, GO!