(BQN) - Hằng năm, cứ sau mỗi vụ tỏi, câu chuyện “núp bóng tỏi Lý Sơn” (Quảng Ngãi) lại được xới lên. Trừ tỏi Trung Quốc củ to và thô, còn loại tỏi nhập về mà nhiều người phàn nàn ấy, trông chẳng khác gì tỏi Lý Sơn. Vì nó là phiên bản của loại đặc sản nổi tiếng ở hòn đảo này.

Gặp đồng hương dưới chân Hòn Hèo

Nhìn thấy chiếc xe mang biển số 76, chị Bùi Thị Mi bỏ nốt những củ tỏi cuối cùng vào bao, hỏi: “Xe Quoảng Ngỏe zô hả? Có mua tỏe hông?”. Phải thật sự “chiến hữu” với Lý Sơn như tôi thì mới nghe được thứ “ngoại ngữ” rất đặc biệt này. Tôi phải “phiên dịch” cho đồng nghiệp là người Thanh Hóa: “Chị ấy nói có phải xe Quảng Ngãi vô mua tỏi không?”. Anh bạn trẻ cười ngặt nghẽo.

Chị Mi mời khách vô nhà, rồi khoe luôn chứ chả cần đợi tôi hỏi. Và tôi lại... “dịch” luôn lời chị: “Năm nay cũng kha khá, giá thì như mọi năm, nói chung là được. Nhưng ngoài mình họ làm ghê quá. Ở đây giá đã 60 nghìn đồng/ký, về Lý Sơn bán 80 nghìn đồng. Nhìn con số tưởng lời 20.000đ nhưng tàu xe nó ăn hết thôi em”.

Nói rồi chị thở dài: “Bỏ xứ đi cầu thực, cũng may là núp được cái bóng của núi Hòn Hèo này nên cũng không phải đói khổ gì. Đất ở đây tốt chả thua gì Lý Sơn, thậm chí thuận hòa hơn nhờ khí hậu trong lành. Hương vị tỏi vùng này chẳng khác tỏi ngoài mình. Thế mà vẫn cứ phải núp bóng tỏi Lý Sơn thì bán mới có giá. Thiệt là lạ, nghĩ mãi không ra!”.

Như trút được ấm ức bấy lâu nay chung quanh cây tỏi, chị Mi tiếp tục “khoe” với đồng hương bằng cách liệt kê những đại gia tỏi vùng Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) này, rồi mách nước: “Chú em muốn hiểu ngọn ngành cây tỏi ở đây thì ghé nhà Sáu Nhân, nó kể cho mà nghe”. Nhà Sáu Nhân ẩn mình trong một vườn dừa lúc lỉu quả xanh. Nhìn cảnh thanh bình ở một làng quê khá trù mật này, tôi thầm khen cho những người dân quê mình đã chọn đúng chỗ đất lành để “an cư lạc nghiệp”.

Rời làng tìm chốn dung thân

Anh Võ Ái Nhân trông già hơn cái tuổi 58 của mình. Nắng gió của vùng biển Ninh Phước như nhuộm thêm màu đen cho làn da vốn không thể trắng hơn của anh sau 30 năm quăng quật dưới chân núi Hòn Hèo này. Dân Ninh Phước vẫn gọi anh bằng thứ, thứ sáu, tên Nhân. Họ cũng coi Sáu Nhân như là người khai sơn phá thạch cho cây tỏi nơi vùng đất toàn cát trắng này.

Khi tôi đến nhà, Sáu Nhân cũng vừa cho những trái cà cuối cùng vào bao: “Giống cà này ngoài mình gọi là cà dĩa, chịu với đất này lắm đó anh. Chỉ vài ba sào đất vườn “làm thêm” mà cũng kiếm bộn tiền anh à. Ngoài mình, hễ sau vụ tỏi là ngồi ngửa cổ mong mưa chứ ở đây làm không hết việc. Tôi vừa thu xong lứa đậu phụng, tiếp đến là cà. Mấy cái món “đệm” sau cây tỏi, coi vậy mà “thở” được”.

Tôi hiểu, “ngoài mình” tức ngoài đảo Bé thuộc đảo Lý Sơn, nơi Sáu Nhân bật tiếng khóc chào đời từ hơn nửa thế kỷ trước. Đảo Bé không có nước ngọt, dân dựa hoàn toàn vào các bể chứa nước mưa. Mùa khô, giá nước ngọt lên đến 200 nghìn đồng/mét khối. Người còn không có nước uống lấy đâu tưới tỏi! Vì vậy, quanh năm ngửa cổ mong mưa là chuyện thường ngày.

Thế nên vào vùng Ninh Phước, khí hậu ôn hòa, nguồn nước ngọt dồi dào, Sáu Nhân như rồng gặp mây. Nghe tôi nhắc đến chuyện trồng tỏi trên đất Ninh Phước, anh tua chậm thước phim của đời mình từ 32 năm trước, khi chàng thanh niên quê Lý Sơn tình cờ đặt chân đến đây sau một chuyến lang bạt dài ngày lên tận Lâm Đồng để mong tìm một cơ hội cho đời mình.

Phiên bản đầu tiên

Hỏi riết một hồi, hóa ra Võ Ái Nhân là con bác Võ Đôi ở đảo Bé, người đã sáng tác hàng trăm câu thơ lục bát kể về lịch sử của đảo Bé mà có lần tôi đã đề cập trong một bài viết cách đây 20 năm. Võ Ái Nhân là con thứ 5 trong một gia đình có 7 anh chị em. Không chịu với cảnh ngồi ngửa cổ mong mưa nơi quê nhà, chàng trai ấy đã lên đường “hành phương Nam” nhưng anh cũng không biết bến đỗ của đời mình là ở chốn nào. Hay tin làng mình có anh Ba Thọ lấy vợ và định cư ở Ninh Phước, Sáu Nhân từ Đà Lạt đón xe đò về “thăm đồng hương”. Đó là một chiều mùa đông của năm 1988.

“Hồi đó, đường từ thị xã Ninh Hòa về đây gian nan chứ không có đường nhựa như bây giờ đâu. Nhất là qua đoạn sát chân Hòn Hèo, đá đen lô nhô như một bãi sa trường, chiếc xe ôm giằng xóc như muốn hất mình ra khỏi xe. Ngán quá nhưng lỡ hứa với anh Ba Thọ rồi nên tôi phải đến thăm cho bằng được”. Sáu Nhân hồi tưởng một quãng trong ký ức mù sương của mình từ 32 năm trước.

Vốn là dân trồng tỏi, trồng hành, trên đường về Ninh Phước, những luống hành được người dân ở đây trồng để ăn trong dịp tết, thẳng tắp, xanh mơn mởn, không lọt qua mắt chàng thanh niên quê Lý Sơn. Sáu Nhân tự hỏi: vùng đất này có thể trồng được cây tỏi chăng? Anh đã mang ý nghĩ thoáng qua ấy cùng chuyến trở về quê nhà sau đó. Và, hành trang trở lại Ninh Phước của Sáu Nhân là 25 ký tỏi giống. Anh “vay” tạm nhà Ba Thọ 300 mét vuông đất. Cơ nghiệp bắt đầu từ đó.

“Hồi ấy không có xe xúc, máy bơm nước như bây giờ đâu. Tất tật tôi làm bằng thủ công. Sáng lên núi thồ đất đỏ về, chiều móc cát lên rồi phủ một lớp trên cùng. Những tép tỏi giống nằm chưa ấm chỗ, một buổi sáng ra thăm vườn, tôi đã reo lên, vui còn hơn tìm ra nước ngọt trên đảo Bé quê nhà khi chứng kiến những nhánh lá non tơ vừa thoát ra từ thân củ tỏi. Linh cảm đã mách với tôi rằng, mảnh đất này sẽ là nơi mình gắn trọn đời”.

Ba tạ tỏi tươi thu hoạch từ 300 mét vuông đất chỉ đủ thỏa trí tò mò chứ chưa đủ thuyết phục dân Ninh Phước và cả người dân Lý Sơn quê nhà có thể bỏ quê vô đây để tiếp tục trồng loại cây truyền thống này. “Tôi trở lại quê nhà, mang theo một bao tỏi và 10 bụi hành nặng gần 1kg. Tôi nghĩ, chỉ có thể thuyết phục bà con quê nhà bằng chính sản phẩm mình làm ra chứ họ không thể tin qua lời kể được”. Sáu Nhân đã đúng với suy nghĩ đó vì sau chuyến về quê cùng sản phẩm do anh làm được, hàng loạt gia đình ở đảo Bé lần lượt rời làng. Cây tỏi ở Lý Sơn bắt đầu có thêm quê mới sau những phiên bản đầu tiên cho kết quả khả quan.

Cây tỏi trên quê mới

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phước - Phan Phùng cho hay, toàn xã hiện có khoảng 100 hộ dân Lý Sơn vô đây định cư và trồng tỏi. Sáu Nhân nhẩm tính: Mỗi hecta bình quân cũng kiếm được 10 tấn tỏi, gia đình ít nhất là 5 sào, nhiều nhất là gần 10ha, tính cả xã hiện có khoảng 150ha trồng tỏi, mỗi năm thu về khoảng 60 - 70 tỷ đồng.

Tôi hỏi Sáu Nhân: “Cây tỏi Lý Sơn sống được là nhờ đất đỏ núi lửa và cát được hóa thạch từ những con ốc con sò, còn Ninh Phước này, thổ nhưỡng đâu giống Lý Sơn mà cây tỏi cũng sống được?”.

Sáu Nhân phân tích: “Vùng này dày đặc san hô nên hợp với cây tỏi. Còn đất đỏ thì trên núi kìa, cũng hao hao như ngoài Lý Sơn. Quy trình trồng tỏi như nhau, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây cũng thuận lợi chả kém gì Lý Sơn. Nói vậy không có nghĩa là thuận lợi cả, có năm cũng mất mùa “lấm lưng, trắng bụng” như ngoài Lý Sơn thôi”.

Tôi truy: “Thế tại sao tỏi Lý Sơn giá cao hơn tỏi ở đây những 20.000 đồng/kg?”. Sáu Nhân trả lời như đã chuẩn bị sẵn: “Thương hiệu quyết định. Từ hơn 5 năm nay chúng tôi kêu gào khắp các cửa để tỏi Ninh Hòa có thương hiệu nhưng chả ai làm cả”.

Nghe tôi đề nghị được chụp một pô hình mà chủ nhân của vườn tỏi phải có mặt trong ảnh, anh Võ Hoài Danh - một đồng hương Lý Sơn của Sáu Nhân, đưa tay lên chiếc cầu dao điện đặt cạnh cửa nhà, rồi bật lên trước khi anh bước ra vườn. Những vòi phun nước tự động giăng mắc khắp vườn bắt đầu tung nước trắng xóa, chẳng khác gì mưa. Danh nói: “Anh thấy tưới nước như vậy có khác ngoài mình không? Ngoài mình mà có điều kiện như vầy, đi đâu cho mệt, anh hể?”. Tôi như gặp lại quê nhà qua tiếng “hể” ấy của Danh.

Theo Trần Đăng (Báo Quảng Nam), ảnh internet
Du lịch, GO!