(BAĐM) - Tỉnh Cà Mau đang tiến hành xây dựng Đề án Làng văn hóa du lịch để phục vụ du khách vui chơi, giải trí, tìm hiểu về văn hóa bản địa...

Làng văn hóa du lịch đã được các ngành chức năng khảo sát xây dựng tại các địa bàn:

Xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), Cụm làng nghề Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) và Khu du lịch Cộng đồng xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).

Làng Văn hóa du lịch tương lai

Điểm Nguyễn Phích (huyện U Minh) được xác định những điểm đến rất hấp dẫn: Khu du lịch Hương Tràm, Hợp tác xã Du lịch Ba Liêm - Khai Hoang và dọc theo hướng sông Cái Tàu về trung tâm huyện. Các điểm này chỉ cách trung tâm TP. Cà Mau hơn 30km, nằm trên hành trình du lịch của một chuỗi các khu du lịch nổi tiếng ở U Minh: Vườn dâu Cái Tàu, Khu du lịch Sông Trẹm, “vương quốc” chuối già Khánh Thuận...

Dựa trên những thế mạnh và nét thiên nhiên độc đáo của rừng U Minh Hạ, người dân U Minh đã bắt đầu làm du lịch; cung cấp những tour tham quan rừng, trải nghiệm nghề ăn ong mật, dịch vụ mua sắm đặc sản rừng U Minh: Mật ong, cá đồng, lươn, rắn, rùa... trải nghiệm và thưởng thức trái dâu Cái Tàu ngon nức tiếng.

“Vươn quốc” cây trái của ông Ba Liêm có diện tích gần 7ha với: Quýt, cam, bưởi, vú sữa, dừa xiêm lùn, thanh long ruột đỏ, chôm chôm, chuối, dâu xanh, dâu vàng… Con kênh T27 chỉ cách TP. Cà Mau 27km là Khu du lịch sinh thái Hương Tràm, nơi được chọn xây dựng Làng văn hóa du lịch. Với quy mô 27ha, đang xây dựng các mô hình phục vụ du khách: Khu homestay, trên ao 4.000m2 với 6 căn thủy tạ phục vụ ẩm thực và các trò chơi dân gian: Chạy xe đạp, cầu trượt, cầu treo, khu bơi xuồng ba lá..., khu vườn trồng cây ăn trái, tát đìa bắt cá, gác kèo ong mật...

Làng nghề Kinh Hòn

Cách trung tâm TP. Cà Mau khoảng 50km, hòn Đá Bạc (ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), có diện tích khoảng 6,43ha, là cụm đảo đẹp, gồm: Hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc. Với nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ cùng những dấu tích lịch sử in đậm, nơi đây trở thành địa điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách. Ông Trương Văn Tường, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hòn, cho biết: “Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy hải sản, vì vậy mà từ lâu Kinh Hòn đã hình thành làng nghề biển nổi tiếng: Làm khô ruốc, khô cá cơm, chế biến mực... Đây là những đặc sản nổi tiếng của Cà Mau được thương lái khắp cả nước tìm đến.

Ngoài khám phá hòn Đá Bạc, thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, thiên nhiên trong lành và những chiến công vang dội của ngành An ninh Việt Nam, bạn còn có cơ hội tận mắt chứng kiến những bàn tay nông dân làng nghề chế biến các món đặc sản nức tiếng. Làng nghề Kinh Hòn luôn chào đón bạn với những nụ cười và hơn cả những điều bạn thấy!

Qua những chuyến khảo sát của các ngành chức năng, Kinh Hòn là địa điểm rất lý tưởng để xây dựng Làng văn hóa du lịch, đặc biệt là khai thác hiệu quả những làng nghề. Ngành Du lịch Cà Mau khuyến khích người dân tham gia loại hình du lịch này, bởi ngoài việc phát triển kinh tế mang đến cho cộng đồng, còn có ý nghĩa rất quan trọng, đó là khai thác có hiệu quả sản phẩm từ biển, đi đôi với việc gìn giữ và phát huy bền vững nét văn hóa địa phương.

Khu homestay Đất Mũi

Cách trung tâm TP. Cà Mau hơn 120km, cách cột mốc tọa độ Quốc gia Mũi Cà Mau hơn 1km là Khu du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Đất Mũi. Du khách sẽ tìm thấy sự bình yên đến lạ giữa những cánh rừng ngập mặn tuyệt đẹp tại những homestay tọa lạc giữa rừng đước thiên nhiên, thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Nét độc đáo là những người làm du lịch nơi đây đều cất nhà sàn bằng gỗ đước địa phương để du khách tận hưởng không gian riêng bên bếp lửa bập bùng, cùng trò chuyện, nghe đờn ca tài tử... Mộc mạc, thân thiện và chu đáo, là những gì mà cộng đồng làm du lịch ở đây muốn dành cho du khách.

Đến đây, nếu du khách có say cảnh, say người thì cũng đừng quên thưởng thức những món ngon, đặc sắc của đội ngũ đầu bếp nông dân chính hiệu: Cua biển, cá thòi lòi, cá dứa, tôm, ba khía, sò huyết, nghêu, ốc len...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Hiếu Hùng: UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan xây dựng bộ tiêu chí riêng cho Làng văn hóa du lịch. Theo kế hoạch đề ra, trong năm 2020, tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm và bộ tiêu chí này, về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, kinh tế, dịch vụ... Đến năm 2021, lựa chọn và thí điểm tại xã có đủ điều kiện đảm bảo các tiêu chí của Làng văn hóa du lịch; trong đó, xây dựng mô hình đưa các sản phẩm đặc thù vào khai thác, tạo thương hiệu du lịch riêng... Đến năm 2025, có ít nhất 1 Làng văn hóa du lịch có điểm đến hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Với ý tưởng xây dựng Làng văn hóa du lịch Cà Mau để các sản phẩm nông nghiệp, cảnh quan nông thôn của tỉnh Cà Mau tiếp cận du lịch một cách bền vững và có ý nghĩa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, làng nghề; bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mà còn là địa điểm có tiềm năng phát triển khu du lịch của miền cực Nam Tổ quốc.

Theo Huỳnh Lâm (Báo Ảnh Đất Mũi)
Du lịch, GO!